10:08 24/11/2008

Dệt may Việt Nam giành ưu thế tại Mỹ

Hồng Thoan

10 tháng đầu năm, nhập khẩu dệt may vào Mỹ giảm 5%, nhưng xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào đây vẫn tăng 20%

Định hướng chính của ngành dệt may thời gian tới là đột phá khâu thiết kế, xây dựng thương hiệu là biện pháp hữu hiệu để giảm tỷ lệ gia công.
Định hướng chính của ngành dệt may thời gian tới là đột phá khâu thiết kế, xây dựng thương hiệu là biện pháp hữu hiệu để giảm tỷ lệ gia công.
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, bên cạnh những thị trường lớn như EU hiện đang chiếm 18% kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam, Nhật Bản chiếm 9%, thì Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm 57%.

Ông Vũ Đức Giang, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may (Vinatex) cho biết, tính chung 10 tháng đầu năm 2008, dệt may của các nước trên thế giới đều có chỉ số tăng trưởng xuất khẩu âm, duy nhất Việt Nam duy trì được ở mức 21%.

3 ưu thế và những rủi ro

Xét trong bối cảnh chung 10 tháng đầu năm 2008, khi nhập khẩu dệt may vào Mỹ giảm 5%, mà xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào thị trường Mỹ vẫn tăng trưởng hơn 20%, thì đây là một kết quả đáng khích lệ.

Theo lý giải của ông Lê Tiến Trường, Phó tổng giám đốc Vinatex, lợi thế của ngành dệt may Việt Nam được xây dựng trên cơ sở 3 yếu tố chính là chất lượng, quan hệ lao động hài hòa và bảo vệ môi trường. Đây chính là 3 trụ cột chính giúp dệt may Việt Nam tiếp cận được với những thị trường ở đẳng cấp cao như thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, Ban Nghiên cứu xúc tiến thị trường của Vinatex cũng chỉ rõ, một vấn đề cần giải quyết trong thời điểm hiện tại là các doanh nghiệp phải tự trang bị cho mình những kiến thức chống bán phá giá, tìm hiểu kỹ lưỡng luật pháp Mỹ để tránh được những vụ kiện có thể xảy ra.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng nhìn nhận, khó khăn lớn nhất với các doanh nghiệp dệt may trong nước hiện nay là cơ chế giám sát hàng dệt may nhập khẩu từ Việt Nam và nguy cơ tự khởi kiện điều tra chống bán phá giá.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Tín, Trưởng ban Nghiên cứu xúc tiến thị trường của Vinatex, mặc dù thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng trên một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và có tốc độ tăng trưởng đều hàng năm, nhưng thị trường này vẫn tiềm ẩn những rủi ro. Hiện chương trình giám sát chống bán phá giá của Mỹ vẫn được áp dụng đối với hàng dệt may của Việt Nam, và có khả năng phía Mỹ duy trì cơ chế giám sát đặc biệt cho đến hết năm 2008.

Dệt may Việt Nam giành ưu thế tại Mỹ - Ảnh 1
Cơ cấu thị trường xuất khẩu hàng dệt may.
Giải pháp của ngành

Định hướng chính của ngành dệt may thời gian tới là đột phá khâu thiết kế, xây dựng thương hiệu là biện pháp hữu hiệu để giảm tỷ lệ gia công.

Một số doanh nghiệp hàng đầu ngành dệt may như Việt Tiến, Nhà Bè, Phương Đông, Dệt may Hà Nội, May 10, Phong Phú, Sài Gòn 2, Sanding, Legafashion... đều đang tập trung mạnh mẽ cho công tác thiết kế mẫu, với việc mỗi doanh nghiệp thu hút hàng chục nhà thiết kế mẫu vào làm việc với những điều kiện khá ưu đãi.

Công tác xây dựng hình ảnh doanh nghiệp, quảng bá thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa cũng đã được thực hiện ra nước ngoài, đồng thời một số thương hiệu thời trang đã bắt đầu quen với người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu như San Sciaro, VeeSendy, T-up, F-house.

Trong khi đó, Bộ Thương mại Mỹ vẫn chưa có hành động cụ thể nào nhằm giảm bớt tác động tiêu cực của chương trình trên đối với hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam. Đặc biệt, từ tháng 2/2009, hàng dệt may vào Mỹ sẽ khó khăn hơn. Nguyên nhân là do ngày 16/9/2008, Uỷ ban An toàn sản phẩm tiêu dùng Hoa Kỳ (CPSC) đã công bố với các doanh nghiệp dệt may tại Tp.HCM về những quy định mới nhất về xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường Mỹ.

Uỷ ban này sẽ tăng cường giám sát nghiêm ngặt hơn nữa các quy định an toàn sản phẩm như tính dễ cháy của vải, cấm tuyệt đối các sản phẩm có dây thắt ở vùng cổ trên áo, đặc biệt là áo trẻ em. Mức phạt đối với các nhà nhập khẩu hàng dệt may của Mỹ khi vi phạm sẽ tăng lên đến 15 triệu USD, so với tối đa là vài triệu USD trước đây.

Như vậy, các nhà nhập khẩu tại Mỹ sẽ đặt ra những yêu cầu cao hơn về chất lượng và tính an toàn của hàng dệt may. Và Quốc hội Mỹ trước đó cũng vừa thông qua luật mới về an toàn sản phẩm nhập khẩu vào Mỹ kể từ ngày 14/8/2008 với nhiều quy định và các quy định có lộ trình hiệu lực khác nhau.

Theo đó, tất cả các sản phẩm dệt may xuất khẩu vào thị trường Mỹ sẽ tuân thủ theo những quy định mới chính thức có hiệu lực từ tháng 2/2009.