14:12 29/05/2009

Di dân Trung Quốc qua Đông Nam Á: Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới

Sau Mỹ, Nhật, nước nào có nền kinh tế đứng thứ ba thế giới? Câu trả lời không chính thức là cộng đồng Hoa kiều ở nước ngoài

 Như bất cứ phố Tàu nào trên thế giới, phố mua sắm Petaling ở Kuala Lumpur (Malaysia) lúc nào cũng đông đúc, và là điểm mua sắm nổi tiếng phong phú về hàng giả, hàng nhái - Ảnh: TL.
Như bất cứ phố Tàu nào trên thế giới, phố mua sắm Petaling ở Kuala Lumpur (Malaysia) lúc nào cũng đông đúc, và là điểm mua sắm nổi tiếng phong phú về hàng giả, hàng nhái - Ảnh: TL.
Sau Mỹ, Nhật, nước nào có nền kinh tế đứng thứ ba thế giới? Câu trả lời không chính thức là cộng đồng Hoa kiều ở nước ngoài.

Khoảng 60 triệu Hoa kiều, trong đó hơn 50 triệu ở Đông Nam Á, 6,5 triệu ở bắc Mỹ. So với dân số Trung Quốc, số dân ở nước ngoài không đáng kể. Ước tính, tổng tài sản của Hoa kiều ở nước ngoài vào khoảng 200 – 300 tỉ USD. Nguồn lực kinh tế của khối này, theo Asia Times, có thể đứng thứ ba thế giới, chỉ sau Mỹ và Nhật.

Nguồn lực kinh tế chủ đạo của Đông Nam Á

Hoa kiều ở Đông Nam Á không chỉ thống trị trong thương mại và dịch vụ mà còn nắm giữ ngân hàng và bất động sản. Chiếm cơ cấu nhỏ về dân số ở các nước sở tại, nhưng khả năng chi phối kinh tế của khối người Hoa là cực kỳ lớn. (Xem bảng về Hoa kiều ở Đông Nam Á và nguồn lực kinh tế ở dưới).

Các số liệu trên cho thấy, nếu kinh doanh ở Đông Nam Á, bạn bắt buộc phải làm việc với cộng đồng người Hoa.

Không chỉ giữ vai trò trọng yếu trong các nền kinh tế của các nước trong khu vực, thậm chí nguồn nhân lực Hoa kiều còn chi phối kinh tế lao động của một số nước. Theo TS. James Chin (đại học Hong Kong), nếu không có bổ sung nhân lực từ Trung Quốc, Campuchia sẽ gặp khó khăn.

Áp lực từ dân nhập cư

Không thể phủ nhận đóng góp của lao động Trung Quốc cũng như vai trò của đầu tư từ nước đông dân nhất thế giới tới khu vực, nhưng sự dịch chuyển của lao động nhập cư Trung Quốc cũng như tác động của người Trung Quốc định cư khiến chính quyền sở tại của nhiều nước phải rà soát lại chiến lược phát triển nguồn nhân lực. Các học giả Trung Quốc nhấn mạnh tới việc chuyển giao công nghệ, kỹ thuật do người nhập cư gốc Hoa mang lại trong giai đoạn hiện tại, thay vì chỉ đóng góp cơ bắp như trong thế kỷ 18 hay 19.

Trong 10 năm qua, nhà buôn, nhà thầu, kỹ sư và nhân công kỹ thuật Trung Quốc không chỉ giúp cải thiện hạ tầng giao thông ở Lào, mà còn gia tăng thương mại hai chiều giữa Lào và Trung Quốc. Ở thủ đô của Campuchia, nhà hàng của Hoa kiều vượt lên trên các nhà hàng của dân bản xứ.

Tốc độ phát triển và sự hiện diện của cộng đồng người Hoa không ít thì nhiều, khiến dân địa phương lo ngại. Trong 20 năm qua, không hiếm cảnh người dân bản địa phản ứng lại cộng đồng Hoa kiều như ở Indonesia năm 1998.

Mối lo ngại đó không chỉ có ở cộng đồng. Theo Andrew Forbes, chuyên gia về Trung Quốc ở Chiang Mai (Thái Lan), khác biệt của làn sóng mới từ Trung Quốc với lớp người trước, là mối dây liên kết mật thiết hơn với đại lục. “Lớp người mới yêu nước và trung thành với tổ quốc hơn”, Forbes nhận xét từ quan sát hơn 20 năm nghiên cứu Trung Quốc. Quan niệm đó được nhà nghiên cứu về Trung Quốc, Nyiri Pal, người Hungary tán đồng.

Tuy chỉ chiếm số lượng nhỏ, nhưng ảnh hưởng lâu dài từ lao động nhập cư Trung Quốc với khu vực Đông Nam Á rất lớn. Thách thức lớn nhất, với các nước, là kiểm soát lao động nhập cư hợp pháp. Trong 10 năm qua, lợi nhuận từ việc đưa người sang Anh và Mỹ đã tăng gấp đôi, với mức hiện hành là 30.000 USD/người qua Anh và 70.000 USD/người sang Mỹ.

Đối sách với làn sóng di dân, theo TS. John Walsh (Đại học Shinawatra, Thái Lan), không chỉ ở việc quy định mức lương tối thiểu, đăng ký lao động, mà còn phải tính tới chính sách lâu dài về nguồn nhân lực và bài toán an sinh xã hội. Tác giả Jean Louis Rallu (Viện Nghiên cứu quốc gia về nhân khẩu học, Pháp), dựa trên số liệu về cơ cấu dân số và độ tuổi lao động, nhận xét rằng, từ đây tới năm 2025, Đông Nam Á sẽ phải giải quyết bài toán làn sóng nhập cư từ Trung Quốc, trong điều kiện khả năng tiếp nhận của các nước ngày càng giảm.

Tuy nhiên, lợi ích của Trung Quốc trong việc người Hoa di dân ra nước ngoài mang tính chiến lược. Trên một tạp chí Trung Quốc có trích đăng ý kiến của hội đồng nhà nước về nguồn nhân lực mới di dân, ghi rõ: “Đó là nguồn lực quan trọng trong tương lai, giúp thắt chặt quan hệ với Mỹ và các nước phương Tây. Tăng cường sức mạnh của khối di dân Trung Quốc mới không chỉ mang lại ích lợi thiết thực cho Trung Quốc mà còn quảng bá hình ảnh quốc gia cũng như gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc và phát triển mối quan hệ với các nước có người Trung Quốc sang định cư”.

Vai trò của người Hoa ở Đông Nam Á
Nước Tỷ lệ dân số Chi phối kinh tế
Thái Lan 3% 60%
Indonesia 4% 70%
Philippines 3% 70%
Malaysia 30% 50%
Singapore 75% 90%

Công ty do người Hoa nắm giữ niêm yết tại các nước

Singapore  81%
Thái Lan 81%
Indonesia 73%
Malaysia 62%
Philippines 50%

Phi Giao (SGTT)