17:38 05/03/2021

Dịch vụ đánh giá sự phù hợp: Thiếu quy hoạch nên "trăm hoa đua nở"

VŨ KHUÊ

Đặc biệt trong hơn 2 năm trở lại đây, tổ chức hoạt động thử nghiệm, chứng nhận như "hoa đua nở"

Nhiều quy định về hợp chuẩn, hợp quy không còn phù hợp
Nhiều quy định về hợp chuẩn, hợp quy không còn phù hợp

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trước đây dịch vụ này là do Nhà nước làm, nhưng đến nay đã mở rộng cơ hội cho tư nhân tham gia đông đảo.

Đây là lĩnh vực có quy mô thị trường tuy không lớn nhưng có vai trò đặc biệt quan trọng, là cầu nối cho công tác quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa giúp Việt Nam xuất khẩu ra thế giới.

VƯỚNG MẮC VẪN CÒN NHIỀU

Con số thống kê của VCCI cho thấy, trong tổng số các đơn vị cung cấp dịch vụ Đánh giá sự phù hợp, doanh nghiệp nhà nước chiếm 51%; đơn vị tư nhân 49% (trong đó doanh nghiệp tư nhân trong nước là 40%, FDI 7%, các đơn vị, tổ chức có loại hình khác khoảng 3%...).

Nếu nhìn ở góc độ gia nhập thị trường ở dịch vụ Đánh giá sự phù hợp, theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, VCCI, rào cản không quá cao như một số dịch vụ công khác, tuy nhiên vẫn còn vướng mắc. Gánh nặng về thủ tục hành chính làm mất thời gian, chi phí của doanh nghiệp mà không thực sự có ý nghĩa. Doanh nghiệp thường phải làm các thủ tục hành chính: xin chứng nhận ISO, đăng ký dịch vụ theo Nghị định 107/2016/NĐ-CP, xin bộ quản lý chuyên ngành chỉ định để cung cấp dịch vụ thuộc diện bắt buộc.

Một doanh nghiệp làm dịch vụ này cho rất nhiều chỉ tiêu với nhiều loại mặt hàng. Mỗi loại chỉ tiêu đó lại phải thực hiện một lần các thủ tục trên, khiến cho số lượng các thủ tục hành chính trở nên rất nhiều. Đơn cử, trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, hiện có 3 bộ cùng quản lý là: Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn. "Dù Nghị định 15/2018/ NĐ-CP đã phân chia thẩm quyền của các bộ rất rõ ràng về mặt hàng quản lý, nhưng lại không phân định về quản lý các đơn vị chứng nhận sự phù hợp trong lĩnh vực thực phẩm. Kết quả là cả 3 bộ cùng cấp phép, cả 3 bộ cùng thanh tra, kiểm tra về cùng nội dung giống nhau", Trưởng ban Pháp chế, VCCI, nêu quan ngại.

Bên cạnh đó, một trong những khó khăn cho các đơn vị muốn tham gia vào thị trường dịch vụ Đánh giá sự phù hợp, đặc biệt các đơn vị ngoài nhà nước, là việc nắm bắt và đáp ứng các quy định pháp lý. Khó khăn đầu tiên là cách hiểu về phạm vi, khái niệm "dịch vụ Đánh giá sự phù hợp". Ông Tuấn dẫn chứng, Nghị định 107/2016 định nghĩa "Tổ chức Đánh giá sự phù hợp là tiến hành hoạt động thử nghiệm, kiểm định, giám định, chứng nhận sự phù hợp của sản phẩm, hàng hóa, quá trình sản xuất, cung ứng dịch vụ, môi trường phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng". Nhưng trên thực tế, việc xác định một dịch vụ cụ thể nào đó có phải là "đánh giá sự phù hợp" hay không và đơn vị đó có phải đơn vị cung cấp dịch vụ này, không hẳn là điều đơn giản.

Không chỉ gian nan gia nhập thị trường, khảo sát của VCCI cũng cho thấy, các đơn vị tư nhân cũng không dễ để tồn tại trên thị trường này. Các ý kiến được khảo sát cho rằng, một trong những lợi thế lớn của các đơn vị nhà nước là thường được ưu tiên lựa chọn (thông qua chỉ định thầu) đối với các dự án, chương trình do Nhà nước quản lý. 

Các đơn vị công cũng được cung cấp dịch vụ gắn với chức năng quản lý nhà nước, thường là công ty con của một doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn khác. Đây là lợi thế lớn mà các đơn vị tư nhân thường không có được. Trong khi các đơn vị tư nhân chỉ tập trung vào thị trường ngách hơn là cung cấp đa dạng các loại dịch vụ.

THIẾU QUY HOẠCH NÊN "TRĂM HOA ĐUA NỞ"

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Chứng nhận và Giám định Vinacert cho rằng: sau 15 năm hoạt động, dịch vụ Đánh giá sự phù hợp được tư nhân hóa thực sự rực rỡ. Chúng ta có 3 tổ chức hoạt động công nhận, 100 tổ chức hoạt động chứng nhận, 495 tổ chức hoạt động thử nghiệm (trung bình 1 tỉnh có 8 phòng thử nghiệm); 5 tổ chức hoạt động kiểm nghiệm, 70 tổ chức hoạt động giám định. Đặc biệt, trong hơn 2 năm trở lại đây, tổ chức hoạt động thử nghiệm, chứng nhận như "hoa đua nở" sau khi có Nghị định 154/2018 (quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ và một số quy định về kiểm tra chuyên ngành) ra đời.

Nhưng chính sự nở rộ này, khiến chất lượng dịch vụ chưa như mong muốn. "Thiếu quy hoạch cho lĩnh vực này khiến thị trường dịch vụ đánh giá sự phù hợp loạn, chất lượng dịch vụ không đáp ứng yêu cầu. Ba kết quả thử nghiệm của 3 phòng thử nghiệm trên cùng một mẫu chênh nhau tới 1.000 lần là chuyện bình thường", ông Dũng nhận định.

"Quản lý nhà nước thì nửa vời, buông lỏng, lãng phí làm cho doanh nghiệp mất lòng tin, làm sao xây dựng được thương hiệu quốc gia và chứng nhận. Có chứng nhận nào của Việt Nam ra nước ngoài được thừa nhận không? Nếu không quản lý chặt điều này thì hoạt động đánh giá sự phù hợp không giúp gì cho xuất khẩu của Việt Nam mà chỉ giúp cho nhập khẩu thôi, vì nhập khẩu là ủy quyền, chỉ định, là quan hệ...", ông Dũng nhận xét.

Ngoài ra, theo ông Dũng, điều kiện cấp phép về chứng nhận, thử nghiệm hiện nay rất lỏng. Vai trò quản lý nhà nước không có, không rõ ràng cơ quan cấp phép, giữa các bộ chồng chéo nhau rất nhiều, nếu xin bộ này khó thì chạy sang bộ kia...

Hơn nữa, đến nay quy định về chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy không còn phù hợp, không thống nhất với Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật An toàn thực phẩm; Luật Dược, Luật Thú y... dẫn đến nhiều bất cập.

Xã hội hóa không triệt để, có nhiều vùng còn hạn chế, ví dụ như quản lý chất lượng dược phẩm, thuốc (GMP). Nhiều quy định còn nửa vời, như mã chứng nhận hợp quy trên bao bì không ai kiểm tra được là đã được chứng nhận hay chưa, không ai giám sát. Do vậy, cần phải giám sát triệt để, mã chứng nhận phải kiểm tra được trên máy về thời gian, có thẩm định định kỳ... nhưng bộ quản lý đến nay vẫn không đưa ra văn bản bắt buộc nào. "Nếu cứ như thế này, tôi khẳng định hoạt động chứng nhận sớm muộn cũng bỏ", ông Dũng nhấn mạnh.

Với dịch vụ công nhận, cũng chưa nhất quán khái niệm "công nhận". Công nhận các tiêu chuẩn tự nguyện còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu của xã hội; không thừa nhận kết quả công nhận.

Để phát huy mặt tích cực của quá trình chuyển đổi này, ông Nguyễn Văn Hưng, Công ty Yusen Logistics cho rằng, Nhà nước nên có lộ trình cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập đang thực hiện cung cấp dịch vụ công, giúp cho "sân chơi" thực sự là cuộc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp với nhau, còn Nhà nước chỉ đóng vai trò quản lý. Đồng thời, ban hành đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho các loại hàng hóa thuộc đối tượng phải kiểm soát về chất lượng.

Mở rộng cơ chế công nhận lẫn nhau về kết quả Đánh giá sự phù hợp giữa Việt Nam và nước ngoài. Những tiêu chuẩn, quy chuẩn đã được thừa nhận rộng rãi tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển thì nên công nhận mà không cần trải qua các thủ tục kiểm tra lại hàng mẫu tại Việt Nam.

Mặt khác, cơ quan quản lý nhà nước cần tiến hành hậu kiểm bằng cách kiểm tra ngẫu nhiên việc tuân thủ quy định của các đơn vị cung cấp dịch công tại chính đơn vị đó hoặc lấy mẫu thực tế trên thị trường để đối chiếu. Xử phạt nặng hoặc rút giấy phép vĩnh viễn đối với doanh nghiệp vi phạm bao gồm cả đơn vị cung cấp lẫn đơn vị sử dụng dịch vụ nhằm hạn chế sự thông đồng giữa các đối tượng này với nhau.

Các cơ quan quản lý nhà nước hợp tác, chia sẻ với nhau dữ liệu về lịch sử tuân thủ của doanh nghiệp, các thông tin về khối lượng hàng hóa đang lưu thông và các chứng chỉ chất lượng mà doanh nghiệp đã cung cấp, vừa để tiện tra cứu trong quá trình xử lý thủ tục, vừa là nguồn dữ liệu quan trọng phục vụ kiểm tra trên cơ sở quản lý rủi ro.