Đường gia nhập thị trường vẫn "gập ghềnh"
Dù các quy định về gia nhập thị trường đã khá hoàn thiện, nhưng nhiều bất cập về các điều kiện gia nhập thị trường vẫn còn tồn tại...
Yêu cầu Chủ tịch hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên... của đơn vị hoạt động liên quan đến dịch vụ tín dụng phải có bằng đại học hoặc trên đại học về một trong các chuyên ngành kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng và có ít nhất 3 năm làm việc trực tiếp trong các lĩnh vực này... là một dạng điều kiện kinh doanh chưa hợp lý.
Đó là nhận định của ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khi đánh giá về các quy định gia nhập thị trường hiện nay. Theo ông Tuấn, trong một số ngành nghề cung cấp dịch vụ phụ thuộc vào năng lực chuyên môn của nhân sự thì yêu cầu về trình độ chuyên môn của người trực tiếp cung cấp dịch vụ là cần thiết và hợp lý. Nhưng đối với người ở vị trí quản lý, yêu cầu về trình độ chuyên môn lại dường như chưa thực sự phù hợp, vì những người này không tham gia trực tiếp vào hoạt động cung cấp dịch vụ chuyên môn.
NHIỀU QUY ĐỊNH VẪN CÒN BẤT CẬP
Phải thừa nhận rằng, đến nay, dù các quy định về gia nhập thị trường đã khá hoàn thiện, nhưng nhiều bất cập về các điều kiện gia nhập thị trường vẫn còn tồn tại. Ông Tuấn dẫn chứng, về nguyên tắc, các ngành nghề không liên quan trực tiếp hoặc không chứng minh được có ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích công cộng như quốc phòng, an ninh hoặc đã được quản lý bằng quy chuẩn, tiêu chuẩn, chất lượng đầu ra... sẽ không được xác định là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Đơn cử như trong kinh doanh dịch vụ kế toán, dịch vụ làm thủ tục hải quan, thủ tục thuế, xuất khẩu gạo, kinh doanh vàng trang sức, thủ công mỹ nghệ, kinh doanh dịch vụ việc làm... Nhà nước sẽ quản lý bằng phương thức khác thay vì áp đặt điều kiện kinh doanh.
Hay với những ngành nghề không nhận thấy rõ tính đặc thù so với các ngành nghề kinh doanh thông thường cùng loại như hoạt động tạm nhập tái xuất thực phẩm đông lạnh, ông Tuấn cho rằng, đây là hoạt động trong quá trình kinh doanh chứ không phải một ngành nghề kinh doanh. Bởi ít có ai thành lập doanh nghiệp chỉ để tạm nhập tái xuất thực phẩm đông lạnh mà chỉ là hoạt động thực hiện bên cạnh các hoạt động sản xuất, mua bán hay xuất nhập khẩu thực phẩm. Đối tượng cần kiểm soát ở đây là mỗi lần tạm nhập tái xuất của doanh nghiệp chứ không phải là bản thân doanh nghiệp ngay từ khi họ chưa gia nhập thị trường. Vì thế, ông Tuấn cho rằng, coi đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện là chưa phù hợp.
Ngoài ra, theo đại diện VCCI, qua quá trình rà soát, nhóm nghiên cứu nhận thấy có sự chồng lấn về mặt quản lý đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Điều này tạo gánh nặng về thủ tục cho doanh nghiệp. Chẳng hạn, Nghị định 96/2016 quy định về điều kiện an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và Nghị định 87/2018 quy định về kinh doanh khí thì "kinh doanh khí" là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Để được kinh doanh ngành nghề này, thương nhân phải có hai loại giấy phép theo 2 Nghị định trên. Như vậy, với hoạt động kinh doanh khí, có hai cơ quan quản lý khác nhau sẽ cùng đánh giá về điều kiện phòng cháy và chữa cháy. Chính yêu cầu này tạo gánh nặng về thủ tục hành chính cho các chủ thể kinh doanh.
Hoặc yêu cầu về vốn pháp định với một số ngành nghề kinh doanh không có đặc thù như ngân hàng là chưa phù hợp, như dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, cung cấp thông tin tín dụng, hoạt động nhà xuất bản... Chính yêu cầu vốn pháp định trở thành rào cản cho các chủ thể gia nhập thị trường, nhất là các doanh nghiệp không có tiềm lực tài chính.
VƯỚNG VỀ THỦ TỤC
Không chỉ gặp rào cản về điều kiện gia nhập thị trường, mà TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, thủ tục gia nhập thị trường cũng còn phiền phức. Tính đồng nhất trong quy định về việc thành lập doanh nghiệp vẫn chưa rõ ràng. Hiện nay có hai hệ thống thành lập doanh nghiệp, một là theo pháp luật về doanh nghiệp, hai là luật chuyên ngành có quy định riêng về thủ tục thành lập doanh nghiệp trong một số ngành nghề thuộc lĩnh vực tư pháp.
Việc cùng tồn tại hai hệ thống quy định về thành lập doanh nghiệp nảy sinh một số vấn đề. Đó là các tổ chức kinh doanh thuộc lĩnh vực trên nếu xét bản chất là doanh nghiệp có mô hình tổ chức tương tự các loại hình doanh nghiệp quy định tại Luật Doanh nghiệp. Các ngành nghề kinh doanh có điều kiện khác, thủ tục gia nhập thị trường đều theo hướng thành lập doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp và xin cấp giấy phép kinh doanh theo luật chuyên ngành. Vì vậy, không có lý do gì để các ngành, nghề trên lại thực hiện theo một thủ tục thành lập riêng.
Hơn nữa, việc tồn tại hai hệ thống quy định về thành lập doanh nghiệp có thể tạo ra sự chồng lấn về mặt quản lý và tạo ra sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Cụ thể, theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, doanh nghiệp có thể đăng ký thành lập doanh nghiệp trong tất cả các ngành nghề kinh doanh trừ các ngành nghề bị cấm, có nghĩa là có thể đăng ký các ngành nghề kinh doanh đi theo nhánh riêng, trong khi đó theo quy định của luật chuyên ngành thì các tổ chức kinh doanh ngành nghề này không phải đăng ký thành lập doanh nghiệp, chỉ cần xin giấy phép thành lập và hoạt động. "Như vậy, việc vẫn tồn tại một số ít ngành nghề vẫn đi theo nhánh riêng về thành lập doanh nghiệp cần phải cân nhắc, xem xét lại", ông Lộc nhấn mạnh.
Bên cạnh đó vẫn còn một số thủ tục cấp phép chưa thực sự thuận lợi, quy trình thực hiện thủ tục phức tạp. Ông Tuấn dẫn chứng, như thủ tục thành lập, cấp giấy phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập phải qua 2 cơ quan quản lý là Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch xác nhận đủ điều kiện thành lập chờ 15 ngày và sau đó mất 30 ngày chờ Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép hoạt động. Trong khi đó, hai thủ tục trên có thể gộp làm một, tránh phiền phức, kéo dài không cần thiết.
PHẢI THAY ĐỔI TƯ DUY QUẢN LÝ
"Để thực sự tháo gỡ các rào cản này, theo tôi đầu tiên phải thay đổi tư duy quản lý. Tư duy của tôi vẫn là thị trường, thị trường, thị trường hơn; tự do, tự do, tự do hơn trong kinh doanh. Tư duy phải thay đổi và phải giải quyết theo cơ chế thị trường. Nếu thị trường làm được thì Nhà nước không cần can thiệp. Nếu thị trường giải quyết được, tư nhân giải quyết được không cần luật pháp can thiệp. Và luật pháp có làm thì cũng chỉ làm cho thị trường vận hành tốt hơn.
Nếu không theo cách tư duy đó, thì chắc chắn tư duy của chúng ta là làm luật để quản lý chứ không phải làm luật để giải quyết vấn đề thúc đẩy phát triển. Mà khi ấy làm luật sẽ chồng chất quy định là điều chắc chắn. Cụ thể như trong Luật Đầu tư, mười mấy năm đọc luật tôi đều cho rằng thế này là sai nhưng mọi người đọc cũng thành quen.
Đơn cử như việc chấp thuận chủ trương đầu tư, theo tôi nên bỏ. Bởi hiện nay trong chấp thuận chủ trương đầu tư, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận về mục tiêu, địa điểm, quy mô, tiến độ đầu tư và thời hạn thực hiện dự án. Điều này cần nhìn nhận lại, vì cùng lắm Nhà nước chỉ can thiệp vào địa điểm đầu tư, tại sao Nhà nước lại can thiệp vào mục tiêu đầu tư, tiến độ, quy mô đầu tư...
Nếu quyết định về địa điểm đầu tư thì Luật Đất đai đã quy định. Dự án đầu tư giống như xây cái nhà. Nhà nước quản là quản họ xây nhà chứ không phải quản đề xuất bỏ vốn. Như vậy là hoàn toàn sai, quá sơ sài. Chính Luật Đầu tư là luật trung gian tạo sự chồng chéo, nếu bỏ tôi cho rằng sẽ hết chồng chéo ngay".