09:00 29/07/2009

Dịch vụ mua lúa “kiểu mới”

Nguyễn Huyền

Tại An Giang đang hình thành loại hình mua lúa còn trên cây, hoặc mua lúa tươi ngay sau khi suốt

Lúa hè thu ở đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch vào mùa mưa nên gây nhiều khó khăn cho nông dân.
Lúa hè thu ở đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch vào mùa mưa nên gây nhiều khó khăn cho nông dân.
Thu hoạch lúa hè thu gặp mưa là nỗi ám ảnh của nông dân đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, vụ hè thu năm nay nông dân An Giang đã không còn lo mưa bão vì nơi đây đang phổ biến dịch vụ mua lúa “kiểu mới”.

Theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật  phía Nam, lúa hè thu năm 2009 các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã xuống giống 1.770.064 ha, đã thu hoạch 518.855 ha, năng suất bình quân 4,3 tấn/ha. Diện tích lúa còn lại đang ở các giai đoạn đẻ nhánh 191.049 ha, đòng trổ 369.129 ha và chín là 694.031 ha. Lúa thu đông, mùa 2009 đã xuống giống 149.214 ha, chủ yếu ở giai đoạn mạ đến đẻ nhánh.

Thời điểm thu hoạch lúa hè thu ở đồng bằng sông Cửu Long hàng năm trùng với mùa mưa. Lúa thu hoạch được không phơi được, gây ẩm mốc, lên mầm là ác mộng đối với người trồng lúa.

Hiện nay, tại các huyện trong tỉnh An Giang đang hình thành loại hình mua lúa kiểu mới đó là mua lúa còn trên cây, hoặc mua lúa tươi ngay sau khi suốt. Hàng xáo đến tại ruộng xem lúa khi còn đứng rồi thỏa thuận giá cả mua lúa tươi, nếu hai bên đồng ý sẽ cho gặt suốt và cân ngay tại ruộng, giá lúa tươi này đang dao động từ 3.000-3.250 đồng/kg.

Còn loại lúa cắt xong đang phơi nhưng gặp mưa không thể phơi tiếp hàng xáo cũng mua nhưng tùy theo ẩm độ. Hiện lúa hạt dài, khô tại địa phương có giá dao động 4.000 - 4.200 đồng/kg. Lúa IR 50404 khô có giá 3.800 đồng/kg.

Nông dân Lâm Long Bào tại xã Long Phú bày tỏ: “Tôi rất mừng khi biết hàng xáo có cách mua lúa như thế. Mấy vụ trước, gặp lúc mưa dầm không phơi được, lúa thường bị ẩm mốc và mọc mầm bán không được hoặc phải bán giá thấp. Bán lúa như thế nông dân mất lời đôi khi còn lỗ. Nay có dịch vụ mua lúa trên cây và mua lúa tươi, nông dân mừng lắm vì không còn phụ thuộc vào thời tiết mưa bão nữa”.

Ông Bào cho biết thêm, nhà nước khuyến khích mỗi hộ trồng lúa nên tự trang bị lò sấy để dành sấy vụ lúa hè thu, sau đó “trùm mềm” đợi vụ hè thu năm sau. Nhưng tiền đầu tư lò sấy, mua vật tư, tiền thuê nhân công khuân vác... sau khi sấy xong tính ra thì giá thành 1 kg lúa tăng thêm khoảng 100đồng/kg (so với thuê sấy là 160 đồng/kg), là chưa kể tới việc cần có 1 diện tích khá rộng để lắp đặt lò. Do vậy, dù canh tác hơn 3 ha lúa, ông Bào vẫn không đầu tư lò sấy.

Trước đây, cảnh phơi lúa dọc hai bên đường giao thông là rất phổ biến. Nhưng năm nay, khối lượng lúa phơi không còn nhiều, vì những hộ trồng lúa nhiều thấy thời tiết không thuận lợi họ sẽ bán lúa tươi chứ không “dám” thu hoạch và phơi như trước đây.

Chị Thơm, một hàng xáo chuyên mua lúa tươi cho biết: “mùa này nông dân thích bán lúa tươi hơn là phơi khô, nếu phơi mà gặp mưa thì chất lượng lúa giảm, giá bán không cao tính ra còn thua bán lúa tươi. Còn đối với thương lái, mua lúa tươi tại ruộng sau cắt xong suốt ngay đưa vào lò sấy dịch vụ, chất lượng hạt gạo trong suốt, không gãy và rất đẹp, bán vừa cao giá mà lại dễ bán, mấy ông doanh nghiệp xuất khẩu rất thích, cho nên chúng tôi thích mua lúa kiểu này hơn”.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), thông thường lúa vụ hè thu cho chất lượng gạo rất thấp trong khi nhu cầu loại gạo cấp thấp trên thị trường bị hạn chế trong 6 tháng cuối năm. Bên cạnh đó, do vụ hè thu nông dân thu hoạch lúa trong điều kiện mưa nhiều, lúa dễ bị ẩm ướt, làm cho chất lượng gạo kém hơn nhiều so với vụ đông xuân. Nhưng nay cách thu mua lúa “kiểu mới” của cánh hàng xáo đã không những góp phần đáng kể trong việc hạn chế sự xuống cấp về chất lượng lúa hè thu mà còn cải thiện chất lượng hạt gạo.

Theo VFA, giá lúa hè thu tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang dao động ở mức 4.100 - 4.200 đồng/kg tùy theo chất lượng, địa phương. Giá gạo nguyên liệu loại 1 hiện khoảng 5.500 - 5.600 đồng/kg, giá gạo nguyên liệu loại 2, giá khoảng 5.200-5.300đồng/kg tùy địa phương.

Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn khoảng 6.900 - 7.000 đồng/kg, gạo 15% tấm khoảng 6.400 đồng/kg, gạo 25% tấm ở mức 5.900đồng/kg. Kết quả thực hiện xuất khẩu gạo 24 ngày đầu tháng 7/2009 đạt 311.954 tấn, trị giá FOB 121,795 triệu USD. Lũy kế xuất khẩu từ ngày 1/1/2009 đến ngày 24/7/20009 đạt 3.962.146 tấn, trị giá 1,623 tỷ USD.

Theo ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công Thương hàng năm lúa gạo tại đồng bằng sông Cửu Long đóng góp phần lớn vào việc cung ứng nhu cầu trong nước và chiếm gần như toàn bộ lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Năm 2009, dự kiến diện tích gieo sạ toàn vùng đạt 3,944 triệu ha, tăng khoảng 100.000 ha so với năm 2008, sản lượng ước đạt 20,7 triệu tấn.