Điểm danh 11 dự án luật quá hạn phải ban hành
Trong số 11 dự án luật đã quá hạn phải ban hành có Luật Biểu tình, Luật Về hội
Trong số 11 dự án luật đã quá hạn phải ban hành có Luật Biểu tình, Luật Về hội.
Tiếp tục phiên họp thứ 14, chiều 18/9 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến các báo cáo của Chính phủ về kết quả triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết trong năm 2017.
Thẩm tra sơ bộ các báo cáo này, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng giai đoạn từ tháng 10/2016 đến nay, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực, đổi mới, coi việc triển khai thi hành Hiến pháp, xây dựng, trình các dự án luật, pháp lệnh, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình hoạt động của mình.
Công tác ban hành văn bản quy định chi tiết đã có nhiều tiến bộ. Tình trạng nợ đọng văn bản có nhiều chuyển biến tích cực, số lượng văn bản nợ ban hành đã giảm đáng kể so với những năm trước đây từ 57 văn bản năm 2015, xuống 35 văn bản năm 2016 và còn 13 văn bản đến hết tháng 8/2017.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra nhắc rằng, theo ghị quyết số 718 ngày 2/1/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, số lượng luật phải ban hành, sửa đổi, bổ sung để triển khai thi hành Hiến pháp là 89 luật, pháp lệnh.
Sau gần 4 năm thực hiện, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành được 62 luật, pháp lệnh (chiếm 69,7%), đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 và năm 2018 là 8 dự án trong danh mục (chiếm 8,8%).
Như thế, hiện nay vẫn còn 19 dự án, trong đó có 11 dự án đã quá hạn phải ban hành, đặc biệt là một số dự án liên quan đến quyền con người, quyền công dân, một số luật trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, lao động (chiếm 21,5%) cần phải chuẩn bị để trình Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các năm 2019, 2020 theo kế hoạch ban hành kèm theo nghị quyết 718.
11 dự án luật được điểm danh trong đó có Luật Chủ tịch nước, Luật Về hội, Luật Biểu tình, Luật Tiền lương tối thiểu...
Đáng chú ý, báo cáo của Chính phủ nêu, trong quá trình nghiên cứu, soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh nhằm triển khai các quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, có nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến cách hiểu quy định của khoản 2 điều 14 Hiến pháp năm 2013 “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.
Một số dự án luật, pháp lệnh quy định nguyên tắc hạn chế quyền con người, quyền cơ bản của công dân theo hướng nhắc lại quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp, như dự án Luật tiếp cận thông tin, Luật về hội… Tuy nhiên, một số dự án luật, pháp lệnh quy định theo hướng cụ thể hóa nguyên tắc hạn chế quyền con người, quyền cơ bản của công dân thông qua việc quy định các điều cấm, các hành vi vi phạm pháp luật, như dự án Luật tín ngưỡng, tôn giáo, Luật báo chí…
Cơ quan thẩm tra "phê rằng" có cách hiểu khác nhau như vậy nhưng Chính phủ lại chưa quán triệt để bảo đảm hiểu đúng quy định này của Hiến pháp hoặc báo cáo, kiến nghị cụ thể với Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích để hiểu và áp dụng thống nhất.
Chỉ ra nhiều hạn chế cụ thể, cơ quan thẩm tra nêu rõ, việc lồng ghép lợi ích cục bộ của các bộ, ngành trong xây dựng các dự án luật, pháp lệnh chưa được khắc phục triệt để.
Có dự án được Chính phủ thống nhất phương án đưa ra báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét để trình Quốc hội, nhưng ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ vẫn chưa thống nhất, còn rất khác nhau dẫn đến phải điều chỉnh Chương trình, như dự án Luật Quy hoạch. Có dự án mặc dù đã được chuẩn bị nhiều năm nhưng vẫn chưa được trình Quốc hội hoặc vẫn chưa đủ điều kiện để trình Quốc hội thông qua, ảnh hưởng đến việc thi hành Hiến pháp, như dự án Luật Biểu tình, Luật Về hội.
Cơ quan thẩm tra cũng nhận định, tình hình vi phạm pháp luật, tình trạng tham nhũng, lãng phí chưa được khắc phục và ngược lại có một số vụ việc xu hướng nghiêm trọng hơn; nhiều vụ án lớn đang được các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý; tai nạn giao thông, cháy nổ, khai thác tài nguyên trái phép vi phạm quản lý đất đai, xây dựng, công chức, công vụ, tỷ lệ thương vong ở mức cao; hiện tượng buôn lậu, buôn tân dược giả, không công bố dịch theo quy định hoặc lợi dụng quy định của bảo hiểm y tế để trục lợi,... cũng là những tồn tại, hạn chế trong thi hành pháp luật đang diễn ra, gây nhiều nhức nhối trong xã hội, làm xói mòn niềm tin của người dân đối với Đảng và Nhà nước.
Thực tế này đòi hỏi các cơ quan thực thi pháp luật phải khẩn trương có những biện pháp ứng phó kịp thời, xử lý nghiêm minh, bảo đảm thực thi đúng pháp luật, củng cố lòng tin của người dân.
Phần thảo luận, một số ý kiến cho rằng, hạn chế rất rõ là đánh giá tác động cuả nhiều dự án luật còn chủ quan, thiếu toàn diện.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư Pháp Lê Thị Nga nói báo cáo của các bộ rất lịch sự nhưng ở nhiều cuộc họp các bộ cử một vị thứ trưởng không trực tiếp phụ trách vấn đề đến dự, không nắm được vấn đề để giải trình, tức là theo cách tiện cho bộ khó cho cơ quan thẩm tra.