07:22 05/04/2007

Điều chỉnh giá xăng trong nước: Liệu có lại lỡ đà?

Quỳnh Ngọc

Liên bộ Tài chính - Thương mại hiện đang tính toán các phương án điều chỉnh giá xăng trong nước

Dù lựa chọn phương án nào thì giá xăng trong nước cũng sẽ tăng.
Dù lựa chọn phương án nào thì giá xăng trong nước cũng sẽ tăng.
Liên bộ Tài chính - Thương mại hiện đang tính toán các phương án điều chỉnh giá xăng trong nước.

Phương án nào giá cũng tăng

Trước tình hình giá dầu thế giới biến động mạnh, theo ông Nguyễn Tiến Thoả, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), có hai phương án điều chỉnh giá xăng được đưa ra. Một là giữ nguyên mức thuế nhập khẩu xăng dầu như hiện nay và tăng giá xăng trong nước. Hai là đồng thời giảm thuế nhập khẩu và tăng giá xăng.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, vẫn chưa quyết định cụ thể phương án nào cũng như thời điểm áp dụng.

Ông Thoả phân tích, nếu thực hiện phương án thứ nhất thì quyền lợi của người tiêu dùng bị ảnh hưởng nhiều. Vì thế, phương án thứ hai khả thi hơn, giảm thuế nhập khẩu ở mức độ nào đó để có thể tăng giá xăng ở mức vừa phải. Phương án này bảo đảm hài hoà lợi ích của cả ba bên: Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Như vậy, rõ ràng dù liên bộ lựa chọn phương án nào thì giá xăng trong nước cũng sẽ tăng.

Liệu có tiếp tục “lỡ đà”?

Trong khi liên bộ vẫn đang “bàn” các phương án tăng giá xăng hay giảm thuế nhập khẩu thì theo nguồn tin mới nhất của Bloomberg, giá dầu thế giới hiện đang tiếp tục giảm xuống dưới 64 USD/thùng khi tình hình căng thẳng giữ Iran và Anh đang chùng xuống.

Cụ thể, tại thị trường châu Á sáng nay (4/4), giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ giao tháng 5 tiếp tục giảm thêm 76 cent xuống còn 63,88 USD/thùng. Trước đó, trong phiên giao dịch cuối ngày hôm qua (3/4) tại New York, giá dầu đã giảm mạnh hơn 1,3 USD xuống mức 64,66 USD/thùng.

Tại London, giá dầu Brent cũng giảm đến 69 cent xuống mức 67,12 USD/thùng trong phiên giao dịch sáng nay.

Giá dầu leo thang trong thời gian qua do căng thẳng bùng phát giữa Iran và Anh xung quanh việc Iran bắt giam 15 lính thuỷ Anh khiến giới đầu tư lo ngại nguồn cung từ Iran - nước xuất khẩu dầu lớn thứ 2 OPEC – có thể bị gián đoạn.

Tuy nhiên, tình hình đang có vẻ “dễ chịu” hơn khi hôm qua, Thủ tướng Anh Tony Blair nói, ông sẽ cố gắng giải quyết vấn đề bằng “đàm phán”, nhưng nếu không thành công Anh sẽ phải sử dụng đến biện pháp cứng rắn hơn.

Giá dầu giảm còn do tác động từ báo cáo của Cơ quan Năng lượng Mỹ vừa công bố là nguồn dự trữ xăng dầu của Mỹ tuần qua có khả năng tăng khoảng 0,6% so với tuần trước đó, trong đó, dầu thô tăng thêm 500.000 thùng.