Đỉnh nào cho giá dầu trong năm 2022?
Giá dầu thô đã tăng 50% trong năm 2021 và được giới phân tích dự báo sẽ tiếp tục đi lên trong năm nay...
Tình trạng thiếu công suất của các công ty khai thác dầu và mức đầu tư ít ỏi trong ngành này có thể đưa giá dầu lên 90 USD/thùng hoặc thậm chí vượt 100 USD/thùng.
Biến chủng Omicron đang gây ra một làn sóng lây nhiễm mạnh chưa từng thấy trên toàn cầu kể từ khi đại dịch bắt đầu, nhưng điều này không hề cản trở đà đi lên của giá “vàng đen”. Chuyên gia cho rằng giá dầu sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi việc các chính phủ không muốn áp dụng trở lại các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt gây thiệt hại lớn về tăng trưởng kinh tế như khi đại dịch mới xuất hiện vào năm 2020.
TRIỂN VỌNG 100-150 USD/THÙNG DẦU
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London gần đây đã tăng lên ngưỡng 85 USD/thùng, cao nhất trong 2 tháng. Năm ngoái, giá dầu Brent – giá tham chiếu của thị trường dầu lửa toàn cầu – tăng 53%.
“Nếu kinh tế Trung Quốc không giảm tốc mạnh, làn sóng biến chủng Omicron suy yếu, và liên minh OPEC+ chỉ có khả năng hạn chế về tăng sản lượng, thì tôi thấy chẳng có lý do gì để giá dầu Brent không tăng lên được mức 100 USD/thùng trong quý 1, thậm chí còn sớm hơn”, nhà phân tích cấp cao Jeffrey Halley thuộc Oanda nhận định.
OPEC+, nhóm của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga, đã cắt giảm sản lượng khai thác dầu kỷ lục 9,7 triệu thùng/ngày trong năm 2020, khi kinh tế thế giới gục ngã vì cú sốc mang tên Covid-19. Năm 2021, khi kinh tế toàn cầu hồi phục và nhu cầu tiêu thụ năng lượng tăng nhanh theo, OPEC+ đã nâng dần sản lượng trở lại. Đến nay, OPEC+ đã khôi phục 4 triệu thùng dầu/ngày trong phần cắt giảm này. Với tốc độ nâng sản lượng 400.000 thùng mỗi ngày/tháng đang áp dụng hiện nay, liên minh dự kiến đến tháng 9/2022 phục hồi hoàn toàn phần sản lượng đã cắt giảm nói trên.
Một báo cáo của ngân hàng Mỹ JPMorgan Chase dự báo giá dầu có thể giữ đà tăng mạnh mẽ, lên mức 125 USD/thùng trong năm 2022 và 150 USD/thùng năm 2023, sau khi Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) và hãng tin Bloomberg cùng cắt giảm dự báo về công suất khai thác dầu của OPEC trong năm nay.
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ nhiều nước nhỏ hơn trong OPEC+ không thể tăng sản lượng vì năng lực khai thác hạn chế, trong khi số khác lại lo bơm quá nhiều dầu trong trường hợp Covid đặt ra những trở ngại mới cho nhu cầu tiêu thụ năng lượng. Theo một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters, các nước trong OPEC sản xuất 27,8 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 12, tăng 70.000 thùng/ngày so với tháng trước nhưng mức tăng này thấp hơn nhiều so với kế hoạch tăng 253.000 thùng/ngày phân bổ cho OPEC trong thoả thuận tăng sản lượng của OPEC+.
Cuộc khảo sát cho thấy những nước thành viên OPEC tích cực nhất trong việc tăng sản lượng bao gồm Saudi Arabia, Angola, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Algeria và Venezuela. Trong khi đó, những nước như Công, Guinea xích đạo, Nigeria, Libya và Iran không tăng sản lượng, thậm chỉ còn giảm.
Morgan Stanley dự báo giá dầu thô Brent có thể đạt 90 USD/thùng trong quý 3 năm nay. Các nhà phân tích của ngân hàng đầu tư Mỹ này cho rằng với khả năng lượng dầu tồn kho trên toàn cầu giảm sút và năng lực sản xuất dầu hạn chế trong quý 2, cộng thêm mức đầu tư không đủ trong ngành dầu khí sẽ là những nhân tố thúc giá dầu đi lên.
Một báo cáo của ngân hàng Mỹ JPMorgan Chase dự báo giá dầu có thể giữ đà tăng mạnh mẽ trong 2022-2023, sau khi Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) và hãng tin Bloomberg cùng cắt giảm dự báo về công suất khai thác dầu của OPEC trong năm nay. Trong đó, mức cắt giảm mà EIA đưa ra là 0,8 triệu thùng/ngày và của Bloomberg đưa ra là 1,2 triệu thùng/ngày. Trên cơ sở như vậy, JPMorgan Chase nhận định giá dầu có thể vọt lên 125 USD/thùng trong năm nay và 150 USD/thùng trong năm tới.
Phó chủ tịch phụ trách phân tích của Rystad Energy, ông Claudio Galimberti, nói rằng nếu OPEC không tăng sản lượng quá nhiều và tiếp tục kiểm soát để nguồn cung thắt chặt, giá dầu có thể tăng lên mức 100 USD/thùng.
Tuy nhiên, ông Galimberti không đặt cược nhiều vào khả năng này, mà nghiêng về khả năng giá dầu có thể vượt 90 USD/thùng trong một khoảng thời gian ngắn. Sau đó, áp lực giảm giá dầu sẽ xuất hiện khi các nước như Canada, Na Uy, Brazil và Guyana tăng sản lượng dầu để tranh thủ mức giá cao.
Trong một cuộc trao đổi với Bloomberg vào tuần trước, Bộ trưởng Bộ Dầu khí Oman, ông Mohammed Al Rumhi, cũng nói rằng OPEC không muốn giá dầu lên 100 USD/thùng. “Thế giới chưa sẵn sàng cho điều đó”, ông Al Rumhi phát biểu.
RỦI RO TỪ CHÂU Á
Ngân hàng Anh Standard Chartered cũng không nằm ngoài xu hướng dự báo giá dầu tăng. Mới đây, nhà băng này tăng 8 USD/thùng trong dự báo giá dầu Brent bình quân của năm 2023, lên 75 USD/thùng, và tăng 17 USD/thùng đối với dầu Brent bình quân trong năm 2023, lên 77 USD/thùng.
Tuy nhiên, trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters vào cuối tháng 12 vừa qua, 35 chuyên gia kinh tế và nhà phân tích dự báo giá dầu Brent sẽ bình quân ở mức 73,57 USD/thùng trong 2022, thấp hơn khoảng 2% so với mức dự báo 75,33 USD/thùng đưa ra hồi tháng 11. Dự báo này nói về mức giá bình quân, không phải mức giá đỉnh.
Giá dầu tăng có thể đưa lạm phát trên toàn cầu lên những mức cao mới trong năm nay, giữa lúc chuỗi cung ứng vẫn tăng nghẽn và kinh tế nhiều nước có thể giảm tốc vì Covid-19 vẫn lây lan mạnh do biến chủng Omicron. Giá dầu Brent chưa quay trở lại mức 90 USD/thùng hay 100 USD/thùng kể từ 2014 – năm mà giá của loại dầu này lên đỉnh 115 USD/thùng rồi trượt về 57 USD/thùng vào cuối năm.
Rủi ro đối với triển vọng tăng giá của dầu trong năm nay được giới phân tích đánh giá là tập trung nhiều ở khu vực châu Á, nhất là Trung Quốc.
Nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới đạt mức tăng trưởng 8,1% trong năm 2021, cho dù theo đuổi chiến lược zero Covid (không Covid) với những biện pháp nghiêm ngặt nhằm dập tắt mọi ổ dịch dù nhỏ. Tuy nhiên, trong một báo cáo hôm 5/1, Goldman Sachs cho rằng tổn thất kinh tế của zero Covid đang tăng lên theo thời gian, nhất là khi biến chủng Omicron có tốc độ lây mạnh hơn nhiều so với biến chủng Delta. Mới đây, Trung Quốc đã phải phong toả toàn thành phố Tây An với 13 triệu dân vì dịch bùng mạnh. Trong kịch bản cực đoan mà Goldman Sachs đặt ra, Trung Quốc phải phong toả toàn quốc để chống dịch, tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nước này có thể sụt giảm còn 1,5%, mức thấp nhất kể từ 1976.
Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, nên bất kỳ một sự sụt giảm mạnh nào của tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đều có thể gây sức ép giảm lớn lên giá dầu.
Ngoài ra, hãng tin Bloomberg dẫn dữ liệu về di chuyển từ Apple cho biết, lưu lượng giao thông đường bộ tại các thành phố lớn ở châu Á cũng giảm sút trong những tuần đầu năm 2021 do nhiều nước đặt hạn chế để chống lại làn sóng lây nhiễm Omicron. Chưa kể, số chuyến bay bị huỷ trong khu vực cũng tăng mạnh.
Tại Ấn Độ, hạn chế đã thiết lập trở lại ở thủ đô New Delhi do số ca nhiễm mới tăng nhanh, dù Chính phủ liên bang vẫn tránh đặt ra các biện pháp hạn chế toàn quốc. Theo Apple, hoạt động lái xe hàng ngày ở New Delhi trong 10 ngày đầu tiên của tháng 1 giảm 61% so với cùng kỳ tháng 12. Sự sụt giảm tương tự cũng được ghi nhận ở Tokyo, Manila và Kuala Lumpur. Riêng Tp.HCM ghi nhận sự gia tăng của giao thông, theo báo cáo.
Trong khi đó, theo dữ liệu từ FlightRadar 24, số chuyến bay thương mại trên toàn cầu trong vòng 1 tuần tính đến ngày 9/1 giảm 17% và 21% so với cùng kỳ 2019 và 2020, qua đó phản ánh trở ngại mà làn sóng Omicron đặt ra cho sự phục hồi của ngành hàng không – một bộ phận chủ chốt của nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu.
Trong báo cáo hàng tháng hồi tháng 12, OPEC nhận định Omicron là một rủi ro, nhưng vẫn nâng dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu lên mức bình quân 99,13 triệu thùng/ngày trong quý 1 năm nay, cao hơn 1,11 triệu thùng/ngày so với dự báo đưa ra vào tháng 11. Cùng với đó, OPEC giữ nguyên dự báo nhu cầu dầu của thế giới tăng 4,15 triệu thùng/ngày trong năm nay và cho rằng mức tiêu thụ sẽ vượt 100 triệu thùng/ngày vào quý 3. Lần gần đây nhất thế giới tiêu thụ hơn 100 triệu thùng dầu mỗi ngày là vào năm 2019.