"Đô thị thông minh phải hướng đến cả người thu nhập thấp"
Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, Việt Nam không chỉ hướng đến cách mạng 4.0, smart city mà còn cần phải có cả bất động sản thông minh
Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, trong xu thế xây dựng đô thị thông minh (smart city) thì không thể chỉ hướng đến những người có thu nhập cao mà phải quan tâm đến cả phân khúc tiêu dùng bình dân, đại chúng.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng 4.0) với sự tiến bộ vượt bậc về công nghệ đã và đang tác động mạnh mẽ đến hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề, thị trường và cuộc sống hàng ngày của con người. Trên nền tảng số hóa và trí tuệ nhân tạo, đô thị thông minh (smart city) cũng đang trở thành một xu hướng mới.
Các chuyên gia tham dự hội thảo "Phát triển bất động sản Việt Nam: Tầm nhìn và Triển vọng", do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức tại Tp.HCM sáng 11/8 đều khẳng định tầm quan trọng và sự cần thiết trong việc xây dựng smart city, gắn với sự phát triển của thị trường bất động sản.
Theo ông Vũ Đình Hoè, Phó tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam, đón bắt xu hướng smartcity, các chủ đầu tư bất động sản đã nhanh chóng phát triển các dự án bất động sản gắn với tính năng "smart" và phân khúc này, sản phẩm này đang tạo thêm cho bức tranh thị trường bất động sản Việt Nam có những mảng màu ấn tượng.
Tuy nhiên, bất động sản thông minh đang là một sản phẩm rất mới trên thị trường, khởi đầu đã tạo được sự thu hút và quan tâm của các nhà đầu tư, nhưng, có trở thành một sản phẩm có sức hút cao và bền vững như kỳ vọng hay không thì câu trả lời còn ở phía trước.
Đồng tình với ý kiến của ông Hòe, ông Phan Trường Sơn (Trưởng phòng Quản lý Bất động sản, Sở Xây dựng Tp.HCM) nhấn mạnh sức ảnh hưởng của thị trường bất động sản đến các lĩnh vực khác, đặc biệt là sự gắn kết chặt chẽ với quá trình xây dựng smart city.
Ông Sơn cũng cho biết, năm 2017, Sở Xây dựng Tp.HCM và các ngành liên quan đã nghiên cứu, tham mưu cho thành phố xây dựng đề án bất động sản giai đoạn 2020-2030 trong đó nổi bật là một số nét chính. Thứ nhất, phát triển thị trường bất động sản phải đi theo quy hoạch của Tp.HCM.
"Hiện nay, phát triển đô thị smart city đang được nhiều nước quan tâm và Tp.HCM cũng vậy. Cho nên phát triển bất động sản theo đô thị thông minh thì trong nhà ở, trong các công trình phải có các tiện ích thông minh, kết nối internet, đây chính là xu hướng tất yếu", ông Sơn nói.
Thứ hai, phát triển thị trường bất động sản gắn với phát triển vùng, đa trung tâm. Thứ ba, phát triển công trình bất động sản phải theo hướng kiến trúc xanh, tiết kiệm năng lượng, chống biến đổi khí hậu.
Thứ tư, phát triển đa dạng các loại hình bất động sản, trong đó, phát triển nhà ở chiếm một tỷ lệ lớn, sẽ bao gồm nhà ở cao cấp, trung cấp, trung bình... Ông Sơn nhấn mạnh, việc phát triển chung cư cao tầng là xu thế tất yếu trong thời gian tới để đảm bảo nhu cầu nhà ở cho người dân.
Và cuối cùng, phát triển bất động sản phải gắn kết với chương trình đô thị hóa, phát triển bất động sản du lịch, các codotel, nghỉ dưỡng... "Nhu cầu về du lịch cũng thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển mạnh trong tương lai", ông nói.
Đánh giá cao những ý kiến của ông Phan Trường Sơn, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc gợi mở thêm, quá trình xây dựng smart city thì không thể bỏ qua những người có thu nhập thấp.
Ông Lộc cho rằng, smart city không chỉ dành cho những người thu nhập cao mà phải lan tỏa đến cả những người có thu nhập trung bình, thấp. Tương tự, với thị trường bất động sản, không nên chỉ tập trung vào phân khúc nhà ở cho người trung lưu, mà phải có cả nhà ở thông minh dành người bình dân, đại chúng.
"Tôi nghĩ chúng ta đang hướng đến nền kinh tế 4.0 cho nên thị trường bất động sản cũng cần thông minh hơn, nhân văn hơn và từ đó sẽ bền vững hơn. Bất động sản theo quan niệm trước kia là bất động, nhưng bất động sản hiện nay thì cần phải rất động, rất thông minh, bất động sản 4.0 chứ không phải như xưa nữa", ông Lộc nói.
Ông Ngô Đông Hải, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng bày tỏ quan điểm, đã đến lúc thị trường bất động sản cần đưa ra các sản phẩm đa dạng hơn, nhiều loại hình hơn, chứ không chỉ là bất động sản truyền thống, bởi việc ăn, mặc, ở của người dân ngày càng nâng cao hơn, nên cần có những loại hình này.
Với khái niệm 4.0 và smart city đang được đề cập đến rất nhiều, ông Hải cho biết, ông vẫn rất nghi ngờ về sự quan tâm của người dân về vấn đề này. Chính vì vậy, với kết quả khảo sát 96% các đại biểu tham dự hội thảo quan tâm và rất quan tâm đến smart city, ông Hải tỏ ra rất bất ngờ.
"Đây là xu hướng thời thượng hay dài hơi? Xu hướng cách mạng 4.0 hay nền kinh tế số là trào lưu trên thế giới, nhưng các quốc gia thực sự bắt tay vào làm và làm có hiệu quả thì không nhiều. Đáng mừng là Việt Nam nằm trong top thứ 2 quan tâm đến vấn đề này. Trong khi nền kinh tế của chúng ta là đang phát triển và chúng ta đưa trào lưu này vào phát triển kinh tế thì sẽ thúc đẩy sự phát triển hơn nữa. Việc bắt tay ngay vào nền kinh tế số là tín hiệu rất vui mừng", ông Hải nói.