Doanh nghiệp Hàn Quốc rời Trung Quốc, cơ hội vàng cho Lạng Sơn?
Tính đến thời điểm hiện tại, Hàn Quốc đã trở thành nhà đầu tư lớn nhất trong số 132 quốc gia đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư lũy kế tính đến tháng 9 năm 2019 ở mức 65,77 tỷ USD
"Lạng Sơn có thể trở thành điểm đến tiếp theo cho cuộc dịch chuyển nhà máy sản xuất của các công ty Hàn Quốc tại Trung Quốc do tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang ngày một leo thang", ông Kim Ki Joon, Chủ tịch Trụ sở chính Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (Kotra) nói như vậy tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Lạng Sơn hồi đầu tuần.
Cơ hội vàng cho Lạng Sơn
Theo ông Kim Ki Joon, Chính phủ Hàn Quốc mới đây đã triển khai chính sách hướng Nam mới trong nỗ lực tăng cường mối quan hệ kinh tế và ngoại giao của Hàn Quốc với các quốc gia ASEAN, trong đó, Việt Nam là trọng tâm chính của chính sách này vì các yếu tố tích cực như sự ổn định chính trị và kinh tế vĩ mô, vị trí địa chiến lược cũng như dân số trẻ và năng động. Kotra cũng đã quyết định chuyển trụ sở chính khu vực Đông Nam Á và châu Đại dương từ Singapore về thủ đô Hà Nội để hỗ trợ hợp tác kinh tế giữa hai nước một cách hiệu quả nhất.
Đề cập riêng đến Lạng Sơn, đại diện Kotra đánh giá đây là tỉnh có nhiều tiềm năng lớn khi đóng vai trò là cửa ngõ chính cho thương mại với Trung Quốc. Hệ thống cửa khẩu Lạng Sơn, đặc biệt là cửa khẩu quốc tế Hữu Nghi, với nhiều điểm thông quan mang đến điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thương mại và xuất nhập khẩu. Điều này giúp tỉnh Lạng Sơn trở thành vùng đất tiềm năng đối với các doanh nghiệp chế xuất khi xem xét địa điểm đầu tư và đặt nhà máy sản xuất.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc cũng đánh giá cao nỗ lực của tỉnh trong tiến trình cải thiện năng lực cạnh tranh của môi trường đầu tư và cam kết tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư qua việc cung cấp các ưu đãi, đồng thời hướng tới kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh và ổn định trong những năm vừa qua.
"Với vị trí chiến lược trong các hoạt động thương mại với Trung Quốc, Lạng Sơn có thể trở thành điểm đến tiếp theo cho cuộc dịch chuyển nhà máy sản xuất của các công ty Hàn Quốc tại Trung Quốc do tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang ngày một leo thang", ông Kim Ki Joon nhấn mạnh.
Lãnh đạo Kotra cũng cho rằng, số lượng dự án đầu tư vào Lạng Sơn có thể tăng lên trong những năm tới nếu lãnh đạo tỉnh tiếp tục duy trì nỗ lực phân bổ hiệu quả nguồn lực cho đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng cơ chế và chính sách để thúc đẩy nền kinh tế cửa khẩu cũng như cải cách thủ tục hành chính.
Tính đến thời điểm hiện tại, Hàn Quốc đã trở thành nhà đầu tư lớn nhất trong số 132 quốc gia đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư lũy kế tính đến tháng 9 năm 2019 ở mức 65,77 tỷ USD. Trên phương diện thương mại, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Hàn Quốc.
Xây dựng tuyến hành lang kinh tế mạnh dọc biên giới
Lạng Sơn là điểm đầu của Việt Nam trên tuyến Hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) -Lạng Sơn-Hà Nội-Hải Phòng, đồng thời là cầu nối, cửa ngõ không chỉ của Việt Nam mà cả các nước ASEAN với thị trường Quảng Tây và miền Nam Trung Quốc trong Khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc (CAFTA).
Lạng Sơn chỉ cách Nam Ninh, thủ phủ tỉnh Quảng Tây 230 km, cách Hà Nội 150 km, như vậy, tỉnh có thị trường 50 triệu dân của tỉnh Quảng Tây với GDP 300 tỷ USD và vùng Thủ đô Hà Nội với GDP 100 tỷ USD. Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu ở Lạng Sơn hằng năm trên 5 tỷ USD, gấp 3,8 lần quy mô nền kinh tế.
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, chỉ cần một phần nhỏ của dòng chảy thương mại này đọng lại nền kinh tế thì Lạng Sơn cũng sẽ rất khác. Kinh tế cửa khẩu là thế mạnh lớn của Lạng Sơn, cần tiếp tục thúc đẩy, tạo sức bật lớn cho kinh tế Lạng Sơn.
"Chúng ta cần một nền kinh tế mạnh bởi không có tuyến phòng thủ nào vững chắc bằng tuyến phòng thủ là một nền kinh tế mạnh. Lạng Sơn phải cùng với cả nước góp phần vào chiến lược này. Lạng Sơn cần đề xuất xây dựng cơ chế liên kết các tỉnh biên giới tạo ra hành lang kinh tế phát triển mạnh, dọc tuyến biên giới. Chính phủ và các bộ, ngành quyết tâm hợp sức hỗ trợ cùng với Lạng Sơn cũng như các tỉnh biên giới thực hiện mục tiêu này", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu Lạng Sơn cần tập trung nguồn lực, kể cả ngân sách, vốn đầu tư, chính sách, con người cho phát triển kinh tế dựa trên 3 trụ cột kinh tế. Đó là kinh tế cửa khẩu, du lịch bền vững và nông nghiệp thông minh, công nghiệp chế biến xuất khẩu.
Với các khu kinh tế cửa khẩu thì cần tập trung xây dựng hạ tầng thương mại, logistics, phục vụ luân chuyển hàng hóa các địa phương trong cả nước.
Quy hoạch và đầu tư phải có tầm nhìn xa và với quy mô đủ lớn để tận dụng lợi thế kinh tế nhờ quy mô và tạo ra khả năng lan tỏa. Chú ý phát triển đô thị Lạng Sơn thành một thành phố bản sắc, thành phố xanh, cùng với đó là hệ thống thị trấn, thị tứ. "Cần tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn nữa, làm sao để Lạng Sơn vào nhóm trung bình của cả nước trong 5 năm tới", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu.