Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn bắt đầu các hoạt động tại Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 6
Chiều 27/7, theo giờ địa phương, sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Morocco, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân Nguyễn Thị Thanh Nga, cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Geneva, bắt đầu các hoạt động tại Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 6 và các hoạt động song phương tại Thụy Sỹ từ ngày 27 - 30/7...

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 6 theo lời mời của Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) Tulia Ackson và Tổng Thư ký IPU Martin Chungong.
Đón Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại sân bay có: Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva (Thụy Sỹ); Đại sứ Việt Nam tại Thuỵ Sĩ Phùng Thế Long; cùng cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, Phái đoàn Việt Nam.
Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới là diễn đàn đối ngoại nghị viện quan trọng bậc nhất trên phạm vi toàn cầu. Đây là sự kiện được tổ chức định kỳ 5 năm một lần, bên cạnh các kỳ Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới tổ chức một năm 2 lần. Đặc biệt, Hội nghị này chỉ luân phiên tổ chức tại ba trung tâm đa phương lớn nhất thế giới, bao gồm New York (Mỹ), Vienna (Áo) và Geneva (Thụy Sỹ), là nơi tập trung các cơ quan chủ chốt của Liên Hợp Quốc và các thể chế đa phương hàng đầu toàn cầu.
Theo Đại sứ Mai Phan Dũng, Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới được ví như “Hội nghị thượng đỉnh” của kênh đối ngoại nghị viện, bởi đây là nơi quy tụ đông đảo nhất các lãnh đạo nghị viện từ khắp các châu lục, để cùng bàn thảo về những chính sách chiến lược, định hình hợp tác nghị viện toàn cầu nhằm ứng phó với các thách thức lớn của thời đại, từ hòa bình - an ninh, phát triển bền vững, đến thúc đẩy nhân quyền và bình đẳng.
Chủ đề của Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 6 tại Geneva là "Một thế giới đang hỗn loạn: Hợp tác nghị viện và chủ nghĩa đa phương vì hòa bình, công bằng và thịnh vượng cho mọi người dân". Chủ đề này được đánh giá là rất phù hợp và cấp thiết trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến nhiều biến động sâu sắc và phức tạp.
Từ xung đột địa chính trị, biến đổi khí hậu, đến những thách thức an ninh phi truyền thống và khoảng cách phát triển ngày càng gia tăng – tất cả đòi hỏi sự hợp tác toàn diện và hiệu quả hơn nữa giữa các quốc gia.
Chủ đề của Hội nghị nhấn mạnh vai trò của nghị viện các nước trong việc thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, đối thoại và hợp tác để xây dựng một thế giới hòa bình, công bằng và thịnh vượng cho mọi người dân – nguyện vọng chung của nhân dân thế giới. Đây cũng là tầm nhìn và cam kết mà Việt Nam đã và đang kiên trì theo đuổi, với phương châm “chủ động, tích cực và có trách nhiệm” trong mọi hoạt động đối ngoại, đặc biệt là đối ngoại nghị viện.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự Hội nghị các chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 6 thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với chủ nghĩa đa phương, đồng thời nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam và Quốc hội Việt Nam trên trường quốc tế; tiếp tục khẳng định vai trò chủ động, tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam trên các diễn đàn đa phương, sự đóng góp thực chất của Việt Nam, Quốc hội Việt Nam đối với hoạt động của Liên hợp quốc và IPU.
Dự kiến, Chủ tịch Quốc hội sẽ có bài phát biểu quan trọng tại Phiên họp toàn thể của Hội nghị, thể hiện trách nhiệm và vai trò của cơ quan lập pháp Việt Nam trong tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu. Chủ tịch Quốc hội cũng sẽ có nhiều hoạt động song phương trong khuôn khổ tham dự Hội nghị để thúc đẩy quan hệ, xây dựng mạng lưới hợp tác nghị viện với các nước và các tổ chức quốc tế, góp phần tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ của quốc tế đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và các ưu tiên của đất nước ta.
Qua đó cũng sẽ phát huy vai trò, vị thế của Việt Nam và Quốc hội Việt Nam tại các cơ chế hợp tác nghị viện khu vực và thế giới; chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi từ các quốc gia khác trong xây dựng và giám sát chính sách quốc gia, giải quyết các vấn đề cấp bách được cộng đồng quốc tế quan tâm hiện nay.