15:40 23/10/2012

Doanh nghiệp Trung Quốc đang “tháo chạy” sang Việt Nam

Hoài An

Tuy nhiên, một số chuyên gia phân tích cho rằng, chi phí lao động thấp ở những nước như Việt Nam sẽ sớm thay đổi

Gần 1/3 đơn vị sản xuất thuộc các lĩnh vực dệt may, giày dép đang phải 
chịu sức ép lớn và đã phải chuyển một phần hoặc toàn bộ cơ sở ra ngoài 
Trung Quốc - Ảnh: China.org.cn<br>
Gần 1/3 đơn vị sản xuất thuộc các lĩnh vực dệt may, giày dép đang phải chịu sức ép lớn và đã phải chuyển một phần hoặc toàn bộ cơ sở ra ngoài Trung Quốc - Ảnh: China.org.cn<br>
Theo mạng tin China.org.cn, do giá nhân công tăng trong khi nhu cầu xuất khẩu giảm, nhiều nhà sản xuất Trung Quốc đang di dời hoặc cân nhắc việc di dời cơ sở của họ tới các quốc gia Đông Nam Á.

Dẫn lời một quan chức phụ trách ngoại thương của Bộ Thương mại Trung Quốc, mạng tin trên cho hay, gần 1/3 đơn vị sản xuất thuộc các lĩnh vực dệt may, giày dép đang phải chịu sức ép lớn và đã phải chuyển một phần hoặc toàn bộ cơ sở ra ngoài Trung Quốc.

Việt Nam, Indonesia, Malaysia và các nước khác thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là những điểm đến được ưa chuộng và xu hướng này sẽ tiếp tục, với việc ngày càng nhiều nhà sản xuất cần nhiều lao động phải dịch chuyển, tờ China Daily cho biết.

Theo mạng tin trên, các nhà xuất khẩu của Trung Quốc đang phải tích cực tìm kiếm những phương thức mới để tổ chức kinh doanh trong bối cảnh động lực tăng trưởng suy giảm do tác động của những yếu tố bất lợi như chi phí lao động tăng cao, nhu cầu sụt giảm từ châu Âu và Mỹ.

Chi phí lao động tại Trung Quốc thời gian gần đây đã tăng 15 - 20% mỗi năm. Điều này làm ảnh hưởng tới lợi nhuận của doanh nghiệp và khiến nhiều công ty rơi vào cảnh phá sản.

Báo cáo của Bộ Nhân lực và An ninh xã hội Trung Quốc cho biết, 6 tháng đầu năm nay, lương tối thiểu đã tăng trung bình 20% ở 16 tỉnh của nước này.

Trong khi đó, nhiều nước đang phát triển ở Đông Nam Á có chi phí lao động thấp hơn.

Chẳng hạn như ở Việt Nam, theo mạng tin trên, lương tháng trung bình trong năm 2011 đối với cho các công việc thuộc lĩnh vực sản xuất là 600 Nhân dân tệ (khoảng 2 triệu đồng), tương đương với mức lương 10 năm trước ở Đông Quản, một thành phố công nghiệp ở phía nam của Trung Quốc.

Ngoài việc chi phí lao động đang tăng lên ở Trung Quốc, việc chuyển dịch này còn bởi việc đầu tư trực tiếp nước ngoài đã suy yếu trong vài tháng gần đây.

Theo khảo sát do Công ty Tư vấn tài chính Capital Business Credit có trụ sở tại Mỹ, cứ 10 doanh nghiệp lớn được hỏi thì có 4 công ty cho biết có dự định dời xưởng sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, Pakistan, Bangladesh và Philippines.

Tuy nhiên, một số chuyên gia phân tích cho rằng, chi phí lao động thấp ở những nước khác sẽ sớm thay đổi.

Chen Jian, tổng giám đốc một công ty dệt may có trụ sở tại thành phố Phật Sơn (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) cho rằng, lợi thế (về lao động và phí sản xuất) ở các nước Đông Nam Á sẽ chỉ kéo dài trong vài năm nữa.

"Xu hướng này sẽ giống như những gì đã xảy ra trong khoảng 10 năm trước, khi nhiều công ty sản xuất ở Hồng Kông và Đài Loan chuyển cơ sở để tận dụng lao động giá rẻ. Và bây giờ bạn có thể thấy chi phí lao động của chúng ta đã tăng lên như thế nào", Chen Jian nói.