Doanh nghiệp vật liệu xây dựng khốn đốn
Thị trường vật liệu xây dựng cũng lâm cảnh khốn đốn do lượng hàng tồn kho chưa có dấu hiệu thuyên giảm
Cùng với sự trầm lắng của thị trường bất động sản, thị trường vật liệu xây dựng cũng lâm cảnh khốn đốn do lượng hàng tồn kho chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Trên thực tế, đây là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ sự suy giảm đà tăng của kinh tế từ năm 2009, và sau đó là chính sách cắt giảm đầu tư công trong suốt 2 năm qua. Hàng loạt dự án, công trình bị đình hoãn đã khiến cho đầu ra của ngành vật liệu xây dựng gần như bị đóng băng, không có lối thoát.
Theo báo cáo nhanh của Bộ Xây dựng mới đây, có 3 nhóm ngành thuộc ngành vật liệu xây dựng chịu ảnh hưởng nặng nề của suy giảm kinh tế, đó là gạch ốp lát, sắt thép và kính xây dựng.
Đối với lĩnh vực sản xuất gạch lát, vật liệu xây, do thị trường bất động sản giảm sâu nên tiêu thụ các sản phẩm gạch lát, những tháng đầu năm 2012 rất chậm. Con số từ Bộ Xây dựng cho thấy, tồn kho gạch ốp lát toàn ngành khoảng 60 triệu m2 quy tiêu chuẩn (tương đương sản lượng 2 tháng sản xuất theo công suất thiết kế).
Đáng chú ý, có khoảng 40 dây chuyền phải dừng sản xuất từ 1 đến 2 tháng (tương ứng 30% năng lực sản xuất toàn ngành), cá biệt có nhà máy dừng 60% năng lực sản xuất.
Lĩnh vực vật liệu xây, đặc biệt là vật liệu xây không nung cũng chịu ảnh hưởng lớn bởi các yếu tố lãi suất tín dụng tăng cao, thị trường bất động sản trầm lắng nên sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn. 8 tháng đầu năm 2012 tiêu thụ được 2.050 triệu viên (quy tiêu chuẩn) bằng 75% so với lượng tiêu thụ cùng kỳ năm 2011.
Không những thế, việc phải dừng hoạt động nhiều dây chuyền sản xuất gạch lát, đất sét nung đã ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập và đời sống người lao động.
Trong khi đó, theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tình hình tiêu thụ thép vẫn đang diễn ra trầm lắng. Tính đến tháng 8/2012, thép tiêu thụ chỉ đạt 356.000 tấn trong khi cùng kỳ năm ngoái sức tiêu thụ là 500.000 tấn. Hiện lượng thép tồn kho đang lên đến hơn 300.000 tấn. Hầu hết doanh nghiệp ngành này đều đang cắt giảm sản xuất xuống dưới 60% công suất, thậm chí có đơn vị ngừng sản xuất.
Đặc biệt, theo khảo sát của VnEconomy, hiện nhiều công ty thép, xi măng đang tồn kho hàng nghìn tỷ đồng. Chẳng hạn, báo cáo hợp nhất 6 tháng của Tập đoàn Hòa Phát và các công ty con, đơn vị này tồn kho 6.910 tỷ đồng, tăng hơn 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn báo cáo tài chính tổng hợp quý 3 niên độ 2012, từ ngày 1/4 đến 30/6 của Tập đoàn Hoa Sen có hàng tồn kho 1.159 tỷ đồng…
Theo Bộ Xây dựng, tình hình có sáng sủa hơn chút đối với lĩnh vực xi măng khi 8 tháng đầu năm 2012 tiêu thụ đạt 35,480 triệu tấn (clinker và ci mằng), trong đó xuất khẩu đạt 4,31 triệu tấn Clinker và 0,59 triệu tấn xi măng và tồn kho có giảm chút ít so với tháng trước, chủ yếu là clanke và trên 60% trong tồn kho của cả nước nằm ở các nhà máy thuộc Vicem. Hầu hết các nhà máy không sản xuất dư thừa nhiều so với mức tiêu thụ; mức tồn kho nằm trong giới hạn hợp lý cho phép (khoảng 18 ngày sản xuất)
Đối với lĩnh vực kính xây dựng, mức tiêu thụ ước giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2011. Cả nước có 7 doanh nghiệp sản xuất kính tấm lớn với công suất thiết kế 150 triệu m2 nhưng tồn kho đến cuối tháng 8/2012 của 7 doanh nghiệp này khoảng 60 triệu m2 quy tiêu chuẩn, tương đương sản lượng kính của hơn 4 tháng sản xuất (trong đó riêng kính nổi tồn kho 57 triệu m2, tương ứng sản lượng 5 tháng sản xuất).
Từ năm 2011 đến cuối tháng 8/2012, có 3/4 lò kính cán in hoa dừng sản xuất đã làm giảm 85% công suất kính cán in hoa của toàn ngành kính. Riêng Tổng công ty Viglacera có 3 dây chuyền sản xuất kính với công suất 33 triệu m2, ước tồn kho đến 30/8/2012 là 15,7 triệu m2.
Với tình hình tiêu thụ khó khăn, chi phí sản xuất kinh doanh tăng cao khiến một số nhà máy tiếp tục dừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng. Lĩnh vực kính gia công sử dụng nhiều lao động nhưng do khó khăn về sản xuất và tiêu thụ nên có doanh nghiệp đã giảm đến 40% lao động so với cuối năm 2011.
Trước thực tế đó, Bộ Xây dựng đã có kiến nghị gửi Quốc hội đề xuất một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vật liệu xây dựng.
Cụ thể, Bộ này kiến nghị bổ sung các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng (xi măng, kính, gốm sứ xây dựng, gạch không nung) vào nhóm các doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ của Nghị quyết 13 của Chính phủ.
Đồng thời, Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu khoanh nợ, dãn thời hạn trả nợ đối với các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, xây lắp, các chủ đầu tư xây dựng nhà ở để bán nhưng đang trong quá trình xây dựng;
Bộ cũng kiến nghị tiếp tục lộ trình giảm lãi suất cho vay; cải cách các thủ tục cho vay nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay, xem xét cho doanh nghiệp được cơ cấu lại các khoản nợ, giãn thời gian trả nợ hoặc khoanh nợ nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.