09:51 09/04/2009

Doanh nghiệp xuất khẩu lao động sai phạm: "Sẽ mạnh tay chấn chỉnh"

Dũng Hiếu

Những doanh nghiệp xuất khẩu lao động sai phạm có thể bị rút giấy phép vĩnh viễn

Người lao động nên cẩn trọng khi đăng ký qua các chi nhánh của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động - Ảnh: Việt Tuấn.
Người lao động nên cẩn trọng khi đăng ký qua các chi nhánh của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động - Ảnh: Việt Tuấn.
Không ít doanh nghiệp có giấy phép hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động đã cho thuê giấy phép. Số lao động về nước trước hạn tăng, không ít người phải gánh chịu hậu quả nặng nề...

Trong khi đó, các trung tâm, chi nhánh trực thuộc một số doanh nghiệp xuất khẩu lao động  vẫn cứ ào ào tuyển, thu tiền và đưa lao động ra nước ngoài, không cần thẩm định kỹ xem mức lương do môi giới chào có đúng không, điều kiện ăn ở thực của người lao động ra sao.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hoà khẳng định sẽ mạnh tay chấn chỉnh những sai phạm này.

Thưa ông, phải chăng do năng lực của doanh nghiệp được cấp phép quá yếu nên đã dẫn đến tình trạng “cho thuê giấy phép”?

Theo Luật Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, xuất khẩu lao động là một ngành nghề có điều kiện. Để được cấp phép đưa lao động ra nước ngoài làm việc, doanh nghiệp phải đáp ứng được các tiêu chí đưa ra. Mỗi doanh nghiệp có giấy phép chỉ được phép mở tối đa không quá ba chi nhánh. Các chi nhánh chỉ được quyền tuyển chọn theo yêu cầu của công ty có giấy phép xuất khẩu lao động mà không được phép thu tiền hoặc ký hợp đồng với các đối tác nước ngoài.

Chúng tôi cũng biết, có những doanh nghiệp đủ điều kiện và đã được cấp giấy phép nhưng năng lực triển khai các hợp đồng cung ứng hoặc tìm đối tác lại quá kém. Do vậy, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ thực hiện rà soát lại các doanh nghiệp xuất khẩu lao động theo hướng doanh nghiệp nào yếu quá sẽ bị thu hồi giấy phép.

Nhưng thưa ông, trên thực tế hiện rất ít doanh nghiệp có giấy phép làm trực tiếp mà lập ra ba chi nhánh, chung chi tiền ký quỹ và ủy quyền cho các chi nhánh hoạt động độc lập?

Do việc xin giấy phép không dễ dàng nên ngay sau khi có giấy phép, không ít doanh nghiệp đã mở các chi nhánh và các trung tâm đào tạo, sau đó ủy quyền cho các chi nhánh, trung tâm này làm mọi việc như một doanh nghiệp độc lập, từ ký hợp đồng với công ty môi giới nước ngoài để cung ứng lao động, tới việc tuyển chọn và thu tiền của người lao động, và quản lý bằng cơ chế khoán.

Chỉ có một điều khác là mỗi khi đưa người lao động ra nước ngoài làm việc, các chi nhánh, trung tâm phải đưa qua giấy phép của công ty mẹ.

Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp có được giấy phép đã cho các chi nhánh, trung tâm thuê lại bằng cách với mỗi lao động đi, họ thu lại vài trăm USD. Họ phó mặc chuyện thu chi cho các trung tâm, chi nhánh. Một số doanh nghiệp khác lại không “ăn theo” số lao động, mà khoán “một cục” cho các trung tâm, chi nhánh này, mà không cần biết họ làm ăn thế nào.

Có thể thấy, tình trạng cho thuê giấy phép này được bộc lộ rõ khi số lao động về nước trước hạn tăng, các trung tâm, chi nhánh làm ăn kiểu chụp giật đã không có tiền để thanh lý hợp đồng với người lao động. Nhất là trong thời điểm này, khi thị trường lao động ngoài nước khó khăn, dưới áp lực của khoán, các trung tâm, chi nhánh đã tuyển lao động cho bất cứ hợp đồng nào có được, mà không cần thẩm định kỹ xem mức lương do môi giới chào có đúng không, điều kiện ăn ở thực của người lao động thế nào...

Vậy việc các công ty có giấy phép ủy quyền cho các chi nhánh thu tiền, đào tạo, tuyển dụng là sai, thưa ông?

Nếu doanh nghiệp có giấy phép uỷ quyền cho các chi nhánh thì thường là tổng giám đốc uỷ quyền cho phó tổng giám đốc, giám đốc chi nhánh phải là phó tổng giám đốc công ty mẹ. Sau khi uỷ quyền, công ty phải có công văn báo cáo lên Cục Quản lý lao động và được Cục chấp nhận.

Việc tuyển chọn lao động công ty phải tuyển trực tiếp, chi nhánh không được quyền thu tiền, ký hợp đồng ngoài kể cả ký hợp đồng với người lao động.

Chi nhánh công ty xuất khẩu lao động chỉ giúp cho việc cùng với địa phương tuyển lao động theo yêu cầu của đối tác; trên cơ sở nội dung đào tạo, tổ chức đào tạo tại địa phương để giảm chi phí cho người lao động.

Có thể thấy việc “cho thuê giấy phép” tồn tại khá lâu. Phải chăng chúng ta chưa có biện pháp quyết liệt để chấn chỉnh?

Nói chưa có biện pháp quyết liệt là chưa đúng. Khi phát hiện có các sai phạm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước thực hiện thanh, kiểm tra để khẳng định các sai phạm và đưa ra các hình thức xử lý.

Tùy mức độ vi phạm mà các hành vi vi phạm được xử lý phù hợp, như phạt hành chính, tạm đình chỉ giấy phép xuất khẩu lao động để khắc phục hậu quả hoặc rút giấy phép vĩnh viễn. Nhiều trường hợp đã được xử lý trong thời gian qua.

Việc chấn chỉnh sai phạm của các doanh nghiệp dựa trên tinh thần chung là những doanh nghiệp yếu sẽ được cho một thời hạn cụ thể để chấn chỉnh, cố gắng. Nếu không đạt yêu cầu, thì sau thời hạn đó sẽ bị rút giấy phép vĩnh viễn.