17:04 10/10/2021

Đón đọc Kinh tế Việt Nam bộ mới số 66-2021

Kinh tế Việt Nam - VnEconomy

Mời quý độc giả đón đọc Kinh tế Việt Nam bộ mới số 66 phát hành ngày 11-10-2021với nhiều chuyên đề hấp dẫn, chào mừng Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10, Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 và Lễ tôn vinh TOP 100 Thương hiệu mạnh Việt Nam 2020-2021...

Cùng với sự tăng nhanh về số lượng và quy mô của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, đóng góp tích cực vào việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động, xóa đói, giảm nghèo và tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần giải quyết các vấn đề an sinh xã hội của đất nước.

Đón đọc Kinh tế Việt Nam bộ mới số 66-2021 - Ảnh 1

Với trên 800 nghìn doanh nghiệp hoạt động, hơn 25 nghìn hợp tác xã và khoảng 5,2 triệu hộ kinh doanh phi nông nghiệp, tương ứng với khoảng 7 - 8 triệu doanh nhân, khu vực doanh nghiệp đã và đang đóng góp hơn 60% GDP, với khoảng 70% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút hàng chục triệu lao động. Việc thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển và tạo nên vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới, hơn lúc nào hết luôn là sứ mệnh, trọng trách của đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 như hiện nay.

Trong số báo ra sáng mai, thứ Hai - ngày 11/10/2021, Tạp chí Kinh tế Việt Nam bộ mới số 66-2021 sẽ dành trọn chuyên mục Tiêu điểm cho câu chuyện về các doanh nhân Việt Nam, về những gợi ý, đề xuất của các chuyên gia với mong muốn tạo một môi trường kinh doanh minh bạch và công bằng...

Các bài viết bao gồm:

- Doanh nhân luôn là lực lượng chủ lực trong phát triển kinh tế. Chiều ngày 7/10, đến thăm và làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và gặp gỡ đại diện giới doanh nhân nhân Ngày doanh nhân Việt Nam (13/10), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dành trọn hơn ba tiếng đồng hồ để nghe các doanh nhân trải lòng. 12 kiến nghị được trình bày trước Chủ tịch Quốc hội là những tâm huyết của các doanh nghiệp đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp cả nước về những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh sau tác động từ Covid-19. (Vũ Khuê).

- Muốn phục hồi phải có giải pháp mạnh hơn giải pháp đã có, phỏng vấn ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM). Kinh tế tăng trưởng âm, nhiều ngành hàng tê liệt và hàng triệu lao động mất việc làm. Bối cảnh “ảm đạm” của nền kinh tế đòi hỏi một chương trình phục hồi với những giải pháp cao hơn, mạnh hơn những giải pháp đã có để đưa nền kinh tế thoát khỏi một viễn cảnh không sáng. (Anh Nhi thực hiện).

- Nâng môi trường kinh doanh lên cấp cao hơn, phỏng vấn ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Mặc dù đã có những cải cách thủ tục hành chính nhưng sự thuận lợi về môi trường kinh doanh ở Việt Nam vẫn có khoảng cách so với các nước tiên tiến trong khu vực. Vì thế, Việt Nam vẫn phải duy trì, thúc đẩy một chương trình cải cách mạnh mẽ trong thời gian tới để môi trường kinh doanh được nâng cấp ở mức độ cao hơn nữa. (Nguyễn Loan thực hiện).

- Lao động kinh tế tư nhân lao đao vì Covid. Đại dịch Covid-19 tiếp tục có tác động đáng kể đến nhân viên làm việc trong khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam như giảm việc làm, thu nhập, sức khỏe tinh thần và thể chất đều sút kém hơn. Đáng chú ý, hầu như tất cả những tác động của Covid-19 đều tồi tệ hơn đối với nhân viên ngành dịch vụ, đặc biệt là nhân viên khách sạn và nhà hàng vì các doanh nghiệp ngành này bị ảnh hưởng nhiều nhất do giãn cách xã hội… (Kelly Wyett, Chuyên gia kinh tế cao cấp, Abt Associates, Australia).

- Doanh nghiệp sống cùng tất cả mọi loại  khủng hoảng. Mỗi một doanh nghiệp chúng ta có ba nhiệm vụ trong cùng bối cảnh khủng hoảng Covid-19: Ứng phó, phục hồi và phát triển. Khi mà ứng phó phục hồi thì ta cũng phải nghĩ tới việc phát triển, còn nếu ta chỉ loay hoay ứng phó thì khả năng phát triển sẽ bị hạn chế, bị mây mù che phủ. Có thể nói chính cuộc khủng hoảng đã tạo ra một vòng tròn về ứng phó, phục hồi và phát triển. (Hà Thu Thanh, Chủ tịch Deloitte Việt Nam).

- Doanh nghiệp cần gì sau khi vượt qua dịch? Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm của giới doanh nghiệp. Họ đã chủ động xây dựng phương án sản xuất, chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào, xây dựng được các mô hình quản trị theo hướng phát triển bền vững, qua đó chứng tỏ được khả năng chống chịu cao và đạt những thành công nhất định. Khi mở cửa lại nền kinh tế, bên cạnh nỗ lực của bản thân, các doanh nghiệp cũng rất cần sự hỗ trợ, đồng hành của Chính phủ để tiếp tục phục hồi sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh bình thường mới với tâm thế “sống chung với dịch”.(Nhóm phóng viên thực hiện).

- Nâng tầm thương hiệu doanh nghiệp Việt. Gần hai thập kỷ trôi qua kể từ năm 2003, sáng kiến tạo dựng và phát triển một cộng đồng doanh nghiệp “Thương hiệu Mạnh Việt Nam” đã được Thời báo Kinh tế Việt Nam (nay là Tạp chí Kinh tế Việt Nam) - VnEconomy – Vietnam Economic Times khởi xướng và nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của đông đảo doanh nghiệp, doanh nhân trên cả nước. Hàng nghìn thương hiệu doanh nghiệp đã được bình xét, công bố và vinh danh trong suốt 17 năm tổ chức chương trình Thương hiệu Mạnh Việt Nam (2003-2020). (Hương Loan).

- Củng cố lại nguồn nhân lực: Sức mạnh vượt hậu quả “bão dịch”. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã phải hứng chịu nhiều thiệt hại nặng nề do tác động của đại dịch Covid-19.  Để vượt qua hậu quả “bão “dịch, phục hồi sản xuất kinh doanh, vấn đề đảm bảo an toàn nguồn lực lao động trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. (Đào Hưng - Ánh Tuyết - Thu Hằng thực hiện).

Cùng các bài viết cho chuyên đề kỷ niệm 67 năm ngày Giải phóng Thủ đô 10/10:

- Hà Nội vượt thách thức, vững nhịp đập trái tim cả nước. Trải qua 60 ngày giãn cách xã hội, Hà Nội đã gánh chịu những thiệt hại không nhỏ về mọi mặt, nhất là lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, chính trong thời gian thử thách khốc liệt này đã được thành phố tận dụng để khống chế, kiểm soát dịch bệnh, tránh được nguy cơ khủng hoảng về y tế và kinh tế - xã hội. Hà Nội đang từng bước thích ứng an toàn, vừa kiểm soát dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế. (Dũng Hiếu).

- Quy hoạch sông Hồng: Hình thành bộ mặt mới của Hà Nội. Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được phê duyệt là cơ sở pháp lý phục vụ công tác quản lý và xây dựng phát triển đô thị theo quy hoạch. Đây cũng là cơ hội để hình thành nên diện mạo mới cho Thủ đô. Sông Hồng sẽ là không gian cảnh quan chủ đạo của Hà Nội, là điểm đến hấp dẫn cho mọi người dân trong nước và du khách quốc tế. (Ths.KTS. Nguyễn Thị Lan Hương,

- Để sông Hồng trở thành biểu tượng của Thủ đô. Thời gian qua, Hà Nội gần như đã “bỏ quên” một khu vực đất đai rộng lớn và rất giàu giá trị bên sông Hồng. Giờ đây, đã đến lúc thành phố cần đột phá mạnh trong việc khai thác tiềm năng do dòng sông này mang lại, đưa sông Hồng thực sự trở thành biểu tượng của Thủ đô. Đây là kiến nghị chung của nhiều chuyên gia khi bàn về quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. (Phan Dương).

- GS. Từ Giấy - nhà dinh dưỡng hàng đầu châu Á, nhà báo, nhà giáo uyên bác. GS. Từ Giấy (1921-2009) đã dành cả đời mình để cống hiến cho khoa học. Ông là tấm gương mẫu mực về tinh thần ham học hỏi, cầu thị, tinh thần sáng tạo không mệt mỏi vì sự nghiệp chung của đất nước. Ông là Viện trưởng sáng lập Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cũng là người đề xuất, xây dựng và phát triển hệ sinh thái Vườn - Ao - Chuồng (VAC); là người đặt nền móng cho ngành dinh dưỡng ở Việt Nam. Năm 2008, Ông được Uỷ ban Dinh dưỡng thuộc Liên hiệp quốc vinh danh là “Huyền thoại sống của ngành dinh dưỡng thế giới”. (Tố ngân).

Và nhiều bài viết cho các chuyên mục khác:

- Dấu ấn Hội nghị Trung ương 4. Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là lâu dài, gian khổ và phức tạp. Nghị quyết của các hội nghị Trung ương 4 từ khóa XI đến khóa XIII và có thể cả các khóa tiếp theo về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị đã và sẽ tiếp tục là định hướng quan trọng cho cuộc đấu tranh không khoan nhượng này. Dấu ấn của các hội nghị Trung ương 4 (kể từ khóa XI) sẽ được khẳng định bằng những thắng lợi của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. (Nguyễn Quốc Uy).

- Dự báo tăng trưởng kinh tế quý 4 và cả năm. Năm 2021 đã đi qua 9 tháng. Từ 3/4 thời gian của năm này, có thể dự báo gì cho cả năm 2021 về chỉ tiêu kinh tế có tầm quan trọng hàng đầu là tăng trưởng kinh tế? Việc chuyển từ giảm -6,17% trong quý 3 sang tăng 2 chữ số trong quý 4 là rất khó xảy ra. Nếu việc kiểm soát dịch bệnh đạt kết quả cao hơn, việc hồi phục sản xuất đời sống tốt hơn, thì khả năng tốc độ tăng của quý 4/2021 so với cùng kỳ năm trước cao hơn tốc độ tăng của quý 2 (9,0% so với 6,57%). (Đỗ Văn Huân).

- Nhà đầu tư ngoại đứng bên lề cổ phần hóa. Theo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, đến nay, trong số 7/19 đơn vị trực thuộc, chỉ 2 đơn vị cổ phần hóa có nhà đầu tư nước ngoài. Mặc dù nhiều nhà đầu tư ngoại săn đón cổ phần các “ông lớn” nhưng đa phần đều bất thành. (Ánh Tuyết).

- Bất động sản hàng hiệu: Phân khúc đầy "hấp lực". Theo số liệu của các đơn vị nghiên cứu quốc tế, Việt Nam hiện nằm trong danh sách 10 quốc gia tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong phân khúc bất động sản hàng hiệu, với số lượng lớn dự án mới đang hình thành và mở bán, bất chấp những tác động của dịch Covid-19. Vậy đâu là yếu tố tạo nên sức hút này; Liệu thuận lợi có kéo dài; Thách thức trong thời gian tới là gì? Tất cả những câu hỏi này đã được các chuyên gia, công ty nghiên cứu thị trường và chủ doanh nghiệp giải đáp trong chuyên đề: “Nhận biết xu hướng và tiềm năng phát triển bất động sản hàng hiệu” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy tổ chức. (Đào Hưng - Kiều Linh thực hiện).