12:16 05/12/2008

Dư chấn ngưng ODA của Nhật tuỳ thuộc vào chính Việt Nam

Ý kiến chuyên gia về việc Nhật tạm ngừng nhiều dự án ODA tại Việt Nam

Đại lộ Đông Tây (Tp.HCM) là một trong những dự án lớn từ vốn ODA của Nhật - Ảnh: Trần Việt Đức.
Đại lộ Đông Tây (Tp.HCM) là một trong những dự án lớn từ vốn ODA của Nhật - Ảnh: Trần Việt Đức.
Việc Nhật tuyên bố dừng một phần các dự án ODA và không cam kết mới là đáng tiếc.

Tuy nhiên, đó chỉ là quyết định tạm thời, thể hiện quyết tâm làm nghiêm túc vụ PCI của Chính phủ Nhật, chứ không phải là sự thay đổi quan điểm của Nhật với Việt Nam. Điều quan trọng là Việt Nam cần chính sách minh bạch, hiệu quả trong sử dụng ODA.

Thông điệp Chính phủ Nhật quyết tâm làm đến nơi đến chốn


(Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, Nguyễn Phú Bình)

Tuyên bố của Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam là thể hiện quyết tâm của họ muốn làm đến nơi đến chốn, và cũng là cam kết của hai bên khẳng định làm rõ ràng vấn đề này.

Họ muốn nói với dư luận, Quốc hội là Chính phủ rất nghiêm túc, chứ theo tôi không phải thay đổi quan điểm của họ với Việt Nam, và từ vụ PCI mà nghĩ rằng Việt Nam tham nhũng quá nhiều đến mức phải này khác.

Tất nhiên, những vụ việc như PCI xảy ra thì mình là người Việt Nam ở Nhật Bản rất đau xót khi có ai hỏi. Tuy nhiên, dù bức tranh giữa hai nước có những mảng không hay như thế này thì nhìn chung vẫn là bức tranh sáng sủa.

ODA xuất phát từ yêu cầu của cả hai bên. Nhật Bản với trách nhiệm của một nước kinh tế đứng thứ hai thế giới có nghĩa vụ giúp cho các nước kém phát triển, còn Việt Nam thì có yêu cầu vốn, kĩ thuật, do đó họ giúp ta, một trong những nước mà Nhật cho là thành công nhất, hiệu quả nhất về ODA.

Nhật đã giúp ta các dự án mà các nước khác không giúp được, như dự án cơ sở hạ tầng, trong khi các nước tập trung vào giảm nghèo nhiều hơn. Nhật rất tự hào vì họ giúp đỡ được Việt Nam như vậy. Đó là biểu hiện của quan hệ đối tác chiến lược hai nước.

Khi xảy ra vụ việc Nhật Bản vẫn nói hy vọng sẽ được giải quyết sớm để không cản trở quan hệ tốt giữa hai nước. Bản thân Nhật Bản nhìn Việt Nam có tiềm năng nên mới dành khoản ODA lớn trong những năm qua. Nếu Việt Nam làm không tốt thì không thể có được kết quả đó.

Tuy nhiên vụ việc lần này liên quan đến môi trường đầu tư với sự thiếu minh bạch. Do đó việc xử lý là cần thiết và càng sớm càng tốt. Việc Việt Nam tạm đình chỉ công tác của ông Huỳnh Ngọc Sĩ là động thái được Nhật Bản đánh giá tốt.

Ban đầu, khi ông Sĩ vẫn đi làm, Nhật Bản sợ rằng sẽ bắn tín hiệu không hay về phía dư luận. Khi Việt Nam đình chỉ, bước đầu Nhật Bản hài lòng, thấy mình làm đúng hướng. Bước tiếp theo như thế nào thì đã có việc lập ủy ban giám sát chống tham nhũng đối với các dự án ODA của Nhật Bản. Ủy ban này mang tính chất phòng ngừa từ nay về sau, chứng tỏ quyết tâm của hai bên không để xảy ra những vụ việc như thế này nữa.

Việc Nhật tuyên bố như vậy là rất đáng tiếc, dù chỉ là tạm thời đình chỉ. Hy vọng rằng đây chỉ là biện pháp tạm thời trong thời gian ngắn, khi ta xử lý làm rõ được thì chắc chắn Nhật Bản sẽ có tuyên bố và có thể sẽ tiếp tục các dự án. Chúng ta cần làm càng sớm càng tốt và làm thật nghiêm túc.

Đầu năm 2008, dư luận Nhật Bản đang có ý kiến là trách nhiệm của Nhật Bản đối với cộng đồng quốc tế có vẻ thấp, vốn ODA hỗ trợ các nước ít, Chính phủ nên tăng trách nhiệm cộng đồng, bằng cách tăng ODA, trong đó Việt Nam vẫn được ưu tiên vì Việt Nam là quan hệ đối tác chiến lược, hai bên cùng có lợi.

Ngoài PCI, Việt Nam vẫn được đánh giá tốt, phía Nhật thấy họ bỏ đồng vốn xứng đáng, hiệu quả, giúp cho Nhật Bản đầu tư sang Việt Nam tốt hơn, trong bối cảnh Nhật chê hạ tầng cơ sở Việt Nam còn nhiều hạn chế, làm nản lòng các nhà đầu tư.

Cấp ODA cho Việt Nam là vì lợi ích của cả hai bên, vì thế không có lý do gì mà Nhật không coi trọng vai trò của Việt Nam trong cung cấp ODA. Ở đây chỉ có vấn đề về dư luận họ phải giải tỏa, phải chứng minh mình trong sạch và làm minh bạch.

Ảnh hưởng lớn hay không phụ thuộc vào Việt Nam

(Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, Lê Công Phụng)

Tôi cho rằng, về cơ bản, Nhật Bản sẽ không dừng ODA cho Việt Nam và sẽ sớm tiếp tục làm, vì lợi ích của Nhật Bản ở Việt Nam là như vậy.

Thực tế qua nhiều năm, dù Nhật Bản cắt giảm ODA nhưng với Việt Nam, họ vẫn giữ nguyên hoặc tăng. Vừa rồi có những vụ việc này khác, nhưng tôi không cho rằng Nhật Bản sẽ dừng hẳn việc cấp ODA cho Việt Nam. Phía Nhật muốn ta xác minh danh tính, xem xét có hay không việc hối lộ và mức độ như thế nào.

Thế giới đều biết, các nước đang phát triển thường có tham nhũng. Việc tạm dừng cấp mới ODA của Nhật Bản có thể có tác động nhất định tới suy nghĩ của các nước về mức độ tham nhũng của Việt Nam, nhất là khi Nhật Bản là nước cung cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam, tuy nhiên, mức độ như thế nào thì khó đánh giá.

Hiện nay, chúng tôi chưa thấy các nhà đầu tư Mỹ có ý kiến hay phản ứng gì về tham nhũng ở Việt Nam. Họ chỉ trông đợi các chính sách, biện pháp chống tham nhũng đã được Chính phủ đưa ra được thực hiện một cách nghiêm túc, kiên quyết.

Muốn nối nhanh ODA mà Nhật dành cho Việt Nam, điều cần nhất là một chính sách rõ ràng và minh bạch thực tế hiệu quả trong ODA. Các vấn đề vướng mắc nếu có cần hợp tác với phía Nhật Bản xử lý, trong đó với tham nhũng cần phải xử lý kiên quyết, làm rõ đúng sai.

Điều quan trọng là phải minh bạch, công khai, làm rõ đúng - sai để tạo lòng tin, không nên giấu, che đậy. Vừa rồi, chuyện xử lý với Nhật Bản chúng ta có bước đi chưa nhanh, chưa kịp thời lắm. Bây giờ, hãy để Chính phủ xử lý.

Bản thân người Nhật cũng phải thay đổi tư duy về ODA

(Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Kiên - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội)

Không chỉ khiến đình lại số tiền gần 700 triệu USD mà Nhật Bản đã cam kết cho Việt Nam trong năm 2008, quyết định của Nhật Bản làm hình ảnh của Việt Nam trước đây tương đối tốt trong mắt các nhà tài trợ quốc tế trở nên có vấn đề.

Tuy nhiên, ảnh hưởng lớn tới mức nào tùy thuộc vào việc xử lý vấn đề PCI của nội bộ Việt Nam.

Hiện nay, ta cũng chưa biết quan ngại của Quốc hội Nhật về ODA ở những điểm nào, nếu chỉ về hiệu quả sử dụng ODA thì các nhà tài trợ đều thừa nhận Việt Nam là một trong số ít nước ODA hiệu quả nhất. Còn vấn đề gì không đợi phía Nhật và đại sứ Việt Nam tại Nhật cung cấp thông tin, từ đó nhiều kênh tác động, trao đổi để bạn hiểu.

Về phía Quốc hội, chúng ta sẽ rà soát lại tất cả các quy định của Việt Nam trong quản lý vốn ODA xem đã hợp lý, đã đủ chưa. Nếu chưa đầy đủ, còn thiếu sót thì sẽ bàn bạc. Mọi thông tin sẽ được minh bạch để bạn có thể nắm được và kiểm soát. Khi được thông tin từ phía Nhật Bản thì chúng ta sẽ làm hết khả năng.

Về phía Chính phủ, chúng ta sẽ tăng cường bộ máy, cơ chế giám sát bộ máy thực hiện ODA. Một cơ chế quản lý ODA của ta hiện nay có vấn đề nên chỉ 1 người mà có thể tác động cả quá trình lựa chọn nhà thầu. Chính phủ xem lại quy định về quản lý ODA, về đấu thầu. Vừa rồi, Quốc hội cũng đã bước đầu giám sát thực hiện các dự án ODA.

Qua đây, ta cũng rút ra kinh nghiệm, trong đàm phán ODA với các nhà tài trợ cần phải cương quyết hơn trong việc chọn đối tác làm dự án. Đây là bài học cho cả hai nước Việt Nam - Nhật Bản khi hiện nay Nhật Bản quy định chọn đối tác thực hiện dự án ODA phải là nhà thầu Nhật Bản nên mới nảy sinh vấn đề này.

Nhìn bĩnh tĩnh thì ở vụ việc này, chính phía Nhật Bản đã chủ động đưa tiền để được chọn tư vấn. Chúng ta phải cùng Nhật rà soát lại, cả hai phía phải có động thái hiểu nhau hơn. Hiện nay ủy ban hợp tác hai nước đang làm theo hướng này, tương đối có tiếng nói chung.

Việc buộc phải dùng tư vấn của chính nước tài trợ gây ấn tượng tiền quay trở lại chính người cung cấp vốn. Muốn tăng số tiền mà người dân được hưởng thụ, đầu tiên phải đẩy mạnh hơn nữa năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam, kể cả về tài chính và kỹ thuật để đảm đương được công nghệ tiên tiến mà nhà tài trợ yêu cầu. Đồng thời, phải minh bạch hóa toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp để nhà đầu tư, tư vấn kiểm soát được.

Đòi hỏi thứ hai là đội ngũ cán bộ đàm phán ODA phải thống nhất được với nhau, tập trung về cùng một mối, để cùng đặt yêu cầu cụ thể với đối tác ODA. Hiện nay mỗi tổ chức cho ODA đều có hướng dẫn thi hành giải ngân vốn ODA đó. Vấn đề đó không mới, nhưng có lẽ, do trình độ đàm phán của ta không tốt, không làm bạn hiểu tình trạng của Việt Nam, nên bạn đưa quy định theo bạn hiểu là tốt, nhưng bây giờ xảy ra thực tế như vậy.

Trong quá trình thực hiện, người cho ODA cũng phải tôn trọng phía nhận, tôn trọng người nhận mới hiệu quả. Bản thân phía người Nhật cũng thế, trong quá trình đó cũng phải thay đổi tư duy, phải khác chứ không áp đặt cho Việt Nam được.

Xem lại luật chơi trong hội nhập

(TS. Trần Đình Thiên - quyền Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam)

Có lẽ đến lúc Việt Nam phải kiểm điểm lại luật chơi của mình trong hội nhập. Hội nhập đòi hỏi chúng ta phải hành xử đường hoàng, luật pháp rõ ràng. Dính vào những sự vụ như PCI, một mặt, chứng tỏ bản thân Việt Nam có vấn đề, mặt khác, làm tổn hại hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Nhật Bản đang có quan hệ rất tốt với ta, vậy mà lại xảy ra việc này thì ý nghĩa của nó không dừng lại ở hành động ngừng cấp ODA mà ý nghĩa lớn hơn bản thân sự kiện. Nhật Bản là quốc gia nghiêm ngặt về luật chơi, và để xảy ra việc này, uy tín của Việt Nam tổn hại đáng kể.

Phát hiện này cần được coi là cơ hội kiểm duyệt lại cơ chế đầu tư của Việt Nam. Nếu đó chỉ là vụ việc tình cờ thì cũng là sự tình cờ đáng lo ngại.

Dù là sự việc đơn lẻ hay không, thì nó cũng rất nghiêm trọng. Gắn vụ PCI với những báo cáo trong nước về tình trạng tham nhũng, thất thoát, sẽ buộc chúng ta có cách đặt vấn đề nghiêm túc hơn, không thể xử lý đơn lẻ mà khôi phục lòng tin dễ dàng được. Đó không đơn giản chỉ là cơ chế ODA có khiếm khuyết mà là vấn đề mang tính cấu trúc, hệ thống, nằm sâu bên trong.

Chúng ta cần có cách đặt vấn đề rõ ràng, hàng động quyết liệt, công khai hơn để khôi phục lòng tin của cả trong và ngoài nước. Phải giải quyết câu chuyện hệ thống, thể chế thì lòng tin của dân mới khôi phục trở lại.

Qua CG này cũng thấy, thế giới vẫn nhìn Việt Nam bằng con mắt thiện cảm. Không phải vì PCI mà thế giới mất lòng tin vào Việt Nam. Điều quan trọng là Việt Nam tận dụng việc này để giữ và củng cố niềm tin đó.

Các nhà tài trợ vẫn kỳ vọng nhiều vào Việt Nam trong việc phát triển kinh tế cũng như xóa đói giảm nghèo. Trong giai đoạn khủng hoảng hiện nay, Việt Nam càng phải trân trọng điều đó.

Phương Loan - Diệp Trang (VNN)