12:15 19/02/2019

Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi hướng tới giải quyết 4 nhóm vấn đề

Anh Nhi

Dự thảo sửa đổi luật tập trung vào những vấn đề khúc mắc lớn nhất hiện nay để kinh doanh trở nên rẻ hơn và an toàn hơn

Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo.
Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo.

Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh thông qua việc sửa đổi những quy định bất hợp lý trong Luật Doanh nghiệp để chi phí kinh doanh trở nên rẻ hơn, an toàn hơn cho nhà đầu tư là mục tiêu mà dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đang hướng tới.

Qua hơn 3 năm thực thi Luật Doanh nghiệp, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, một số quy định liên quan tới thành lập, tổ chức quản trị doanh nghiệp, nâng cao mức độ an toàn cho cổ đông, nhà đầu tư đã bắt đầu phát sinh vướng mắc cần tháo gỡ. 

Do đó, dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo sẽ tập trung hướng vào những vấn đề khúc mắc lớn nhất hiện nay để đưa môi trường kinh doanh Việt Nam tiếp tục có những bước tiến dài trong bảng xếp hạng đánh giá của các tổ chức quốc tế, chi phí kinh doanh trở nên rẻ hơn và an toàn hơn. "Mục tiêu tối thượng là phải vì người dân và doanh nghiệp", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo đó, Ban Soạn thảo dự án Luật cho rằng, luật mới phải giải quyết được 4 vấn đề lớn nhất hiện nay của Luật Doanh nghiệp.

Thứ nhất là, sự khác biệt, phân tán về thủ tục đăng ký doanh nghiệp giữa Luật Doanh nghiệp và một số luật khác có liên quan, như Luật Đấu giá, Luật Luật sư, Luật Chứng khoán...).

Chẳng hạn như hiện nay, một số doanh nghiệp đăng ký thành lập tại cơ quan chuyên ngành, thay vì đăng ký tại cơ quan đăng ký kinh doanh như doanh nghiệp đấu giá tài sản đăng ký thành lập tại Sở Tư pháp theo Luật Đấu giá tài sản hay tổ chức hành nghề luật sư đăng ký tại Sở Tư pháp theo Luật Luật sư. Điều này không chỉ phân tán trong việc quản lý đăng ký kinh doanh mà còn gây cản trở, khó khăn, tốn kém và bất lợi cho các doanh nghiệp có liên quan trong cơ cấu lại hoặc mở rộng hoạt động kinh doanh của chính doanh nghiệp.

Thứ hai là, một số thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp không còn phù hợp, không cần thiết, tạo gánh nặng chi phí, thời gian cho doanh nghiệp. Bởi theo qui định của Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp phải hoàn thành 5 thủ tục hành chính để có thể bắt đầu kinh doanh, bao gồm đăng ký doanh nghiệp tại cơ quan đăng ký kinh doanh, làm dấu tại cơ sở khắc dấu, thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh, mở tài khoản và thông báo thông tin tài khoản cho cơ quan đăng ký kinh doanh...

Tuy nhiên, theo Ban Soạn thảo nếu so sánh quốc tế và khu vực, thủ tục thành lập doanh nghiệp và khởi sự kinh doanh ở nước ta vẫn còn phức tạp, tốn kém về thời gian và chi phí. Theo so sánh của Ngân hàng Thế giới năm 2019, Việt Nam được xếp hạng thứ 106 trên 190 quốc gia và nền kinh tế về năng lực cạnh tranh xét trên chỉ số thủ tục đăng ký doanh nghiệp. Một số thủ tục trong số các thủ tục nêu trên đã không còn cần thiết. "Vì vậy, xem xét, sửa đổi, cắt bỏ một số thủ tục không còn phù hợp là điều cần thiết đối với Việt Nam lúc này", Ban Soạn thảo nói.

Thứ ba là, một số quy định chưa rõ ràng, không tương thích với sự thay đổi pháp luật có liên quan, không còn phù hợp với thực tiễn mới phát sinh.

Theo Ban Soạn thảo, Luật Doanh nghiệp hiện chưa có quy định xác định người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trường hợp doanh nghiệp có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật và Điều lệ công ty không quy định về phân công quyền, nhiệm vụ giữa những người đại diện theo pháp luật.

"Quy định này dẫn đến khó khăn trong xác định người đại diện theo pháp luật dẫn đến khó làm việc với công ty để giải quyết khi có vụ tranh chấp; dẫn đến kéo dài và thiệt hại lợi ích cho bên có liên quan", Ban Soạn thảo khẳng định.

Ngoài ra, Luật Doanh nghiệp yêu cầu một số chức danh quản lý trong doanh nghiệp phải có trình độ chuyên môn, bằng cấp nhất định như yêu cầu giám đốc công ty phải có chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị công ty (Điều 65 Luật Doanh nghiệp). Các yêu cầu này hiện nay không còn phù hợp với thực tiễn, vừa không có hiệu lực thực tế, hạn chế cơ hội việc làm và nhà đầu tư trong tham gia quản lý doanh nghiệp, tác động bất lợi đến khởi nghiệp, sáng tạo.

Thứ tư là, một số quy định chưa tạo thuận lợi cho cổ đông bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình; ngược lại, cản trở đến thực hiện quyền của cổ đông. Khoản 2 Điều 114 Luật Doanh nghiệp quy định cổ đông phải có thời gian sở hữu cổ phần tối thiểu 06 tháng mới có quyền đề cử người vào Hội đồng quản trị.

Quy định trên đã hạn chế quyền của cổ đông, đặc biệt trong trường hợp mua bán, sáp nhập doanh nghiệp; nhiều cổ đông sau khi mua một số lượng cổ phần rất lớn nhưng khó khăn trong tái cấu trúc công ty, thiết lập lại bộ máy quản lý, điều hành, nâng cao quản trị doanh nghiệp.