10:14 14/01/2015

Đường đi khác biệt của Viettel với 3G

Trần Hùng

Thấy gì từ việc Viettel bắt đầu cung cấp giải pháp kết hợp giữa công nghệ thông tin và viễn thông?

Việc phải trèo thang để ghi chốt sổ số điện cho từng công tơ như thế này sẽ kết thúc khi Viettel có thiết bị theo dõi, truyền dữ liệu về máy chủ.
Việc phải trèo thang để ghi chốt sổ số điện cho từng công tơ như thế này sẽ kết thúc khi Viettel có thiết bị theo dõi, truyền dữ liệu về máy chủ.
Trước khi triển khai hệ thống văn phòng điện tử, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tiêu tốn khoảng 120 tỷ đồng/năm cho khoảng 18.000 nhân viên.

Tuy nhiên, tiền bạc không phải là sự lãng phí lớn nhất, mà là thời gian xử lý công việc, đặc biệt với các cán bộ lãnh đạo tại nhà băng này. Việc phải xử lý trên văn bản giấy (phê duyệt, cho ý kiến…), quy trình xử lý các đề án, tờ trình, quyết định… tại BIDV gặp nhiều khó khăn khi lãnh đạo đi công tác.

Tuy nhiên, khi áp dụng hệ thống văn phòng điện tử - dự kiến hoàn tất đầu năm 2015, các lãnh đạo từ cấp thấp đến cao nhất của BIDV có thể phê duyệt, ban hành văn bản, cho ý kiến đánh giá… trên smartphone, máy tính bảng, laptop, mà không cần phải ngồi tại văn phòng, chỉ cần thiết bị di động có kết nối 3G hoặc Wifi.

Đây là một dự án mà Tổng công ty Viễn thông Quân đội (Viettel) sắp hoàn tất cho BIDV, có tổng trị giá hơn 10 tỷ đồng, trong khi chi phí văn phòng giảm được của ngân hàng này (chưa tính tới các lợi ích khác lớn hơn nhiều) ước tính đã trên 10 tỷ.

Ông Đặng Mạnh Phổ, đại diện BIDV, chia sẻ ngắn gọn: “Công nghệ thông tin được áp dụng để tăng cường hiệu quả cho công việc, nhưng ở đây yếu tố di động là nhân tố quan trọng”.

Nếu như trước đây, người ta quen với hình ảnh Viettel là một hãng viễn thông lớn nhất Việt Nam (đặc biệt là di động) thì giờ đây, nhà mạng này xuất hiện ở nhiều lĩnh vực với tư cách là đơn vị cung cấp giải pháp kết hợp giữa công nghệ thông tin và viễn thông, mà văn phòng điện tử tại BIDV là một ví dụ.

Tuy nhiên, trên “mặt trận” mới, hạ tầng mạng viễn thông (di động, cố định, Internet) của Viettel chỉ giúp kết nối, còn giải pháp công nghệ thông tin được “may đo” riêng cho khách hàng mới là nhân tố chính.

Nhưng cũng nhờ đó mà cơ hội để phát triển khách hàng mới trong mảng viễn thông của thương hiệu này cũng khác. Thay vì chỉ tập trung vào các khách hàng sử dụng điện thoại di động để phát triển 3G, Viettel có thể mở rộng sang các thiết bị khác mà hãng này đã phát triển giải pháp công nghệ thông tin trọn gói.

Với dự án đang triển khai cho BIDV nói trên, nếu cán bộ nhân viên BIDV đã dùng văn phòng điện tử do Viettel phát triển thì khả năng dùng mạng 3G của thương hiệu này để kết nối khi di chuyển là rất cao, vì nhà mạng quân đội cũng là đơn vị có hạ tầng 3G lớn nhất Việt Nam (chiếm hơn 50% tổng số trạm 3G của toàn Việt Nam - 26.000 trên tổng số 40.000 trạm).

Hiện nay, “xa lộ” 3G của Viettel đang hoàn thành việc nâng cấp lên tốc độ truy cập tối đa lên 42 Mbps tại trung tâm các tỉnh, thành phố tên cả nước vào đầu năm 2015.

Ở điều kiện tốt nhất, khách hàng của nhà mạng này có thể tải xuống một bài hát MP3 dung lượng 5 MB trong 1 giây.

Trong lĩnh vực điện, Viettel cũng đang phát triển giải pháp giúp việc thu thập số liệu sử dụng điện của từng gia đình trên công tơ trở nên đơn giản hơn, với việc gắn thiết bị giúp dữ liệu tiêu thụ điện được cập nhật online.

Với giải pháp này, thậm chí chính các hộ gia đình cũng có thể cập nhật quản lý tiêu thụ điện online. Ngoài việc tạo ra một giải pháp công nghệ thông tin “đo ni đóng giày” đặc biệt cho ngành điện, đây là cơ hội giúp Viettel có thể phát triển tối đa trên 20 triệu khách hàng dùng sim dữ liệu (3G).

Hai khách hàng lớn của Viettel trong ngành điện và ngân hàng là ví dụ điển hình cho chiến lược mới của thương hiệu này: đưa công nghệ thông tin và viễn thông đến từng ngõ ngách của cuộc sống.

Giờ đây, khi phát triển 3G, Viettel không chỉ cung cấp những gói cước phù hợp với giá rẻ, tốc độ cao và độ phủ rộng khắp; nhà mạng này bổ sung các giải pháp giúp khách hàng có thể “vui đùa trên xa lộ mà khách hàng được cung cấp”.

“Chúng tôi không chỉ cung cấp dịch vụ dữ liệu tốc độ cao mà còn đem đến các giải pháp để khai thác tốt nhất hạ tầng mạng đó. Và đây sẽ là điều làm nên sự khác biệt khi sử dụng dịch vụ của Viettel”, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Trung tâm Giải pháp công nghệ thông tin và viễn thông Viettel nói.

Trước khi xây dựng hệ thống giải pháp, xa lộ 3G đã được Viettel chuẩn bị từ trước với dung lượng lớn và vùng phủ rộng nhất, giúp vận hành thông suốt khi truyền dữ liệu và không bị “ngoài vùng phủ sóng”.

Theo sách trắng công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam, năm 2013, Viettel chiếm 41,76% thị phần 3G tại Việt Nam. Còn theo số liệu mới nhất được cập nhật tại buổi tổng kết hoạt động ngành thông tin truyền thông năm 2014, nhà mạng quân đội có 14 triệu khách hàng 3G trên tổng số 27,5 triệu của tất cả các mạng (thị phần hơn 50%).

Có lẽ sự khác biệt trong việc phát triển dịch vụ công nghệ thông tin và viễn thông là nhân tố quan trọng giúp nhà mạng này có được sự bứt tốc về 3G.