Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: 10 năm thi công, 4 lần sai hẹn
Sau 3 lần sai hẹn, Tổng thầu Trung Quốc bất ngờ lại xin lùi đến tháng 11/2018 sẽ vận hành thử tuyến Đường sắt Cát Linh - Hà Đông
Sau 3 lần sai hẹn, Tổng thầu Trung Quốc hứa đến đầu năm 2018 sẽ vận hành thử tuyến Đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Thế nhưng, tháng 12/2017, Tổng thầu bất ngờ đề nghị xin lùi đến tháng 11/2018. Liệu dự án này có tăng vốn tiếp?
Trên công trường dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, hiện chỉ có một số khu bảo dưỡng sửa chữa, tòa nhà điều hành, nhà xưởng đang thi công các hạng mục điện nước, nền đường, chưa hoàn thành lắp đặt cửa, ốp lát. Phần lớn hệ thống thông tin liên lạc, điện, viễn thông tại các nhà ga vẫn chưa được lắp đặt. Với tiến độ như hiện nay, dự án buộc phải xin Bộ Giao thông Vận tải lùi mốc về đích vào cuối năm 2018. Đây là lần thứ 4 dự án buộc phải lùi tiến độ và kéo dài gần 10 năm thi công, đội vốn gấp 2 lần (từ 552 triệu USD lên 868 triệu USD).
Tổng thầu thiếu năng lực
Ông Đường Hồng, Giám đốc Ban điều hành dự án, Tổng thầu Trung Quốc, cho biết, hiện nhiều thiết bị cho các hạng mục điện, viễn thông đã được đặt hàng ở nước ngoài, song chưa được chuyển về Việt Nam do chưa có tiền thanh toán.
Trong những tháng tới, các nhà thầu sẽ lắp đặt hệ thống thông tin tín hiệu, điện tử, hoàn thiện xây lắp các nhà ga. Tuy nhiên, Tổng thầu đang nợ các nhà thầu Việt Nam hơn 600 tỷ đồng. Để đạt được tiến độ hiện nay, Tổng thầu Trung Quốc đã ứng vốn lưu động hơn 65 triệu USD để trả cho các nhà thầu.
Đây là phần vốn lưu động để giải quyết trước mắt, Tổng thầu cũng đã báo cáo Đại sứ quán Trung Quốc để đôn đốc việc giải ngân và làm việc với Bộ GTVT, các bên liên quan để cùng vào cuộc, nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án.
Trong bối cảnh khó khăn hiện tại, rõ ràng mốc thời hạn 11/2018 mới chỉ tạm chốt, do phải phụ thuộc vào sự sẵn sàng của đơn vị tiếp nhận, quản lý vận hành khai thác và cả nguồn vốn.
Được biết, mốc thời hạn đưa vào khai thác thương mại nói trên chỉ đạt được nếu đại diện chủ đầu tư và tổng thầu EPC xử lý được một loạt đường găng tiến độ gồm: hoàn thành xây dựng cơ bản các ga và lắp ray trong tháng 3/2018; trang trí kiến trúc Depot và hệ thống thiết bị trong tháng 3/2018...
"Với tiến độ mới, dự án sẽ chậm khoảng 11 tháng so với kế hoạch được Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải điều chỉnh hồi tháng 2/2017", ông Vũ Hồng Phương, Phó giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết.
Cần phải nói thêm rằng, việc dự án một lần nữa phải lùi tiến độ là điều bất khả kháng, sau khi đơn vị tổng thầu đã thất bại trong việc đưa vào vận hành thử nghiệm đoàn tàu vào tháng 10/2017.
Như vậy, suốt từ tháng 6/2017 đến nay, dự án không ghi nhận bất cứ tiến triển đáng kể nào trong công tác xây dựng. Dự án vẫn chốt khối lượng hoàn thành 90% phần xây dựng cơ bản hạ tầng chạy tàu. Song con số này đã được các bên công bố cách đây đúng 1 năm. Điều này cho thấy, năng lực của Tổng thầu có vấn đề.
Loay hoay chạy lo nguồn vốn
Theo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông Vận tải), hiện nhiều hạng mục dù không bị vướng mặt bằng, nhưng gần như dừng thi công hoặc thi công cầm chừng do thiếu vốn thanh toán cho các nhà thầu phụ hoặc tổng thầu không cung cấp vật tư, thiết bị, bản vẽ cho thầu phụ thi công.
Đặc biệt, việc giải ngân khoản vay ưu đãi 250 triệu USD của Trung Quốc gặp nhiều vướng mắc về thủ tục. Vì thế, quá trình thanh toán chậm khiến Tổng thầu Trung Quốc tăng dần khoản nợ đọng với thầu phụ, nhà cung ứng thiết bị. Cùng với đó, không có tiền để thanh toán các gói thiết bị đã đặt hàng như hệ thống điện, thông tin liên lạc.
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông, dự án đã hoàn thành xây lắp đạt được trên 95% nhưng còn 5% là thiết bị chưa được lắp đặt; chưa trả tiền nên đối tác chưa chuyển thiết bị.
Thứ trưởng Đông cho biết, theo kế hoạch, vào tháng 12/2016 phải giải ngân cho phần khối lượng thực hiện và tiếp tục có hiệp định vay vốn mới. Tuy vậy đến tháng 5/2017 mới ký được hiệp định vay vốn với phía Trung Quốc. Đến tháng 9/2017, các thủ tục phía Việt Nam vẫn chưa hoàn tất do chờ ý kiến pháp lý của Bộ Tư pháp và một số vướng mắc khác.
"Đến nay các vướng mắc trong việc giải ngân phía Việt Nam đã được giải quyết, chỉ chờ các thủ tục phía Trung Quốc cho khoản vay 250 triệu USD", Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh.
Việc chậm giải ngân khiến một số nhà thầu phụ mất niềm tin vào nhà thầu chính. Vì thế, hiện còn một số hạng mục tổng thầu chưa lựa chọn được nhà thầu phụ thi công. Điều này khiến cho tiến độ dự án dù phải lùi đến tháng 11/2018 nhưng chưa chắc đó là mốc cuối cùng. Không rõ dự án sẽ tiếp tục đội vốn đến đâu?