Đường vào châu Âu lắm gian nan
EVFTA không chỉ toàn màu hồng khi đã qua hàng chục năm tìm nhiều cách khai thác thị trường châu Âu, doanh nghiệp Việt vẫn chưa có chỗ đứng vững
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là sự cộng gộp của rất nhiều FTA đã được Việt Nam ký kết với các thành viên châu Âu trước đây. Vì vậy, EVFTA không chỉ toàn màu hồng khi đã qua hàng chục năm ký kết FTA song phương, tìm nhiều cách khai thác thị trường châu Âu, doanh nghiệp Việt vẫn chưa có chỗ đứng vững, ông Lê Xuân Nghĩa đánh giá.
Thưa ông, EVFTA đang bước vào chặng đường cuối cùng đi đến hiệu lực. Ông nghĩ sao về hiệp định này?
Tôi nghĩ, chúng ta không nên quá lạc quan. Chẳng hạn như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam có thêm cơ hội vào 3 thị trường khác là Mexico, Peru và Canada bên cạnh 7 FTA đã được ký kết với các đối tác còn lại của CPTPP.
Với khoảng cách địa lý xa xôi và cách biệt về thị trường, văn hoá... cơ hội giao thương là rất thách thức. Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với 3 thành viên CPTPP này tăng rất ít kể từ đầu năm tới nay. Do đó, EVFTA cũng vậy. Việt Nam đã ký nhiều FTA song phương với các đối tác EU, nhưng đến giờ, sau hàng chục năm, dù đã tìm nhiều cách khai thác nhưng giao dịch thương mại ở một số thị trường không có nhiều biến chuyển.
Điều tôi lo lắng nhất ở EVFTA chính là hàng rào kỹ thuật. Ngay cả khi thuế đã về 0%, nếu hàng của ta không đủ tiêu chuẩn thì cũng không thể vượt qua hàng rào này để thâm nhập thị trường. Vì thế, dù thuế có giảm nhưng hàng hoá vẫn không vào được châu Âu thì cơ hội cũng trở nên vô nghĩa.
Để thực hiện EVFTA, Việt Nam phải có rất nhiều giải pháp đồng bộ, không chỉ trong ngắn hạn mà phải trong dài hạn mới có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Ngay cả khi đã thâm nhập được, hàng hoá Việt Nam phải cạnh tranh với rất nhiều hàng hoá từ những quốc gia khác mà châu Âu có FTA tương tự. Đây là chặng đường vô cùng gian nan để hàng hoá Việt Nam khẳng định chỗ đứng ở châu Âu.
Vì vậy, các FTA chỉ mới chứng minh một điều là các quốc gia đó sẵn sàng hợp tác với Việt Nam. Trong chừng mực nhất định, họ đánh giá cao vị thế của Việt Nam về mặt thương mại, đồng thời, họ cũng kỳ vọng ở những cơ hội hàng hoá từ EU sẽ đổ vào Việt Nam, bởi hàng rào kỹ thuật của Việt Nam không cao so với năng lực của doanh nghiệp của họ.
Với EVFTA, các quốc gia khác đang có mặt ở Việt Nam sẽ rất phấn khởi vì thông thường, họ tận dụng FTA tốt hơn rất nhiều so với doanh nghiệp Việt. Họ có xuất xứ của Việt Nam nhưng chất lượng của Hàn Quốc, Nhật Bản... nên vào châu Âu thuận lợi hơn so với họ dùng quota bản địa. Nếu không cơ cấu sản phẩm, thay đổi quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng hàng hoá, cải thiện thủ tục pháp lý... doanh nghiệp sẽ tận dụng được rất ít cơ hội.
Theo tính toán của một số chuyên gia, Việt Nam chỉ tận dụng được khoảng 20% cơ hội mà các FTA đã ký kết mang lại, 60-70% là từ các doanh nghiệp nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam và phần còn lại là của các đối tác ký kết FTA với Việt Nam.
Như ông chia sẻ, EVFTA sẽ không phải là màu hồng. Vậy với nhóm hàng Việt Nam có thế mạnh và được kỳ vọng nhất ở châu Âu, những khó khăn sẽ phải đối mặt là gì, thưa ông?
Hàng hoá Việt Nam xuất sang châu Âu có 3 nhóm lớn, trong đó, nhóm lớn nhất và quan trọng nhất là nông sản. Nhưng đây cũng là nhóm hàng phải đối mặt với hàng rào khắt khe nhất vì liên quan tới vệ sinh an toàn thực phẩm. Khó khăn nhất sẽ là nhóm hàng tươi sống. Với khoảng cách xa xôi, EU đang soi xét hàng hoá của Việt Nam rất toàn diện, từ ướp đông, chế biến tới công nghệ đánh bắt, bảo vệ môi trường...
Hiện tại, đối thủ cạnh tranh của Việt Nam là Thái Lan, Indonesia... lại khá mạnh khi đã vượt qua được hàng rào kiểm soát quy trình đánh bắt, nuôi trồng... của EU. Trong khi đó, Việt Nam vẫn đang nỗ lực để thoát khỏi tình trạng thẻ vàng nhưng tiến độ xử lý vẫn quá chậm.
Chúng ta mới bắt đầu đầu tư để đáp ứng tiêu chuẩn về tàu thuyền đánh bắt của châu Âu từ hệ thống ướp đông, giám sát hành trình... Điều này buộc ngư dân phải đầu tư vài ba chục triệu/tàu. Do đó, phải mất một vài năm chuẩn bị ráo riết, nhóm hàng tươi sống của Việt Nam mới có chỗ đứng ở thị trường này.
Với rất nhiều khó khăn như vậy, ông nghĩ EVFTA sẽ đem lại những cơ hội gì cho Việt Nam?
Rất nhiều dự báo kinh tế thế giới được các định chế tài chính như HSBC, Standard Chartered... đưa ra đều chỉ rõ, trong thập kỷ tới, kinh tế thế giới sẽ suy giảm nhanh. GDP châu Âu có thể sụt xuống 0% vào năm 2030, Nhật Bản cũng tương tự mức này, Mỹ xuống 1% và Trung Quốc quanh mức 4%...
Trong bối cảnh này, thương mại thế giới còn suy giảm nhanh hơn so với GDP. Điều này đồng nghĩa với việc chiến lược định hướng xuất khẩu của Việt Nam phải dần chuyển hướng, quay về thị trường nội địa. Bởi nguy cơ thị trường trong nước rơi vào tay doanh nghiệp ngoại ở những đối tác FTA là rất lớn. Do đó, EVFTA đặt ra nền móng cho việc xây dựng hệ thống đối tác vững chắc, nhằm tránh những cú sốc từ việc suy giảm thương mại đột ngột.
Tuy vậy, EVFTA không phải là tất cả. Vấn đề quan trọng là Việt Nam phải giữ được thị trường nội địa. Doanh nghiệp phải đẩy mạnh sản xuất, giữ vững hệ thống phân phối và bán lẻ. Suy cho cùng, bán lẻ là khâu quyết định.