10:15 11/10/2007

EVN tìm cách giải bài toán vốn

Từ Nguyên

Làm thế nào để huy động một lượng vốn đầu tư khổng lồ cho Quy hoạch điện 6 đang là bài toán khó với ngành điện

"EVN cũng đã tính đến phương án thu hút đầu tư nước ngoài thông qua việc cổ phần hóa tập đoàn".
"EVN cũng đã tính đến phương án thu hút đầu tư nước ngoài thông qua việc cổ phần hóa tập đoàn".
Làm thế nào để huy động một lượng vốn đầu tư khổng lồ cho Quy hoạch điện 6 đang là bài toán khó với ngành điện.

>>6 vấn đề trong Quy hoạch điện 6

Xung quanh vấn đề này, chúng tôi vừa có cuộc trao đổi với ông Phạm Lê Thanh, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Trong Quy hoạch điện 6, Chính phủ giao EVN phải chịu trách nhiệm đảm bảo 57% tổng điện năng. Còn các đơn vị ngoài EVN, kể cả nhà đầu tư nước ngoài chiếm 43% còn lại. Vậy, để hoàn thành trọng trách này, EVN sẽ phải huy động nguồn vốn đầu tư như thế nào, thưa ông ?

Để hoàn thành kế hoạch này, EVN đã và đang xây dựng 19 nhà máy trong tổng số 44 nhà máy sẽ phải xây dựng theo kế hoạch. Như vậy, từ nay đến 2015, EVN sẽ phải gấp rút xây dựng thêm 25 nhà máy nữa.

Dự kiến, tổng lượng vốn đầu tư cho 44 nhà máy này là 690.000 tỷ đồng (tương đương với 40 tỷ USD).

Với một lượng vốn khổng lồ như vậy thực sự là một gánh nặng đối với EVN nói riêng và ngành điện nói chung. Do đó, bằng mọi cách EVN sẽ phải huy động được các nguồn vốn đầu tư, từ vốn tự có, vốn khấu hao, phát hành trái phiếu, vốn vay tín dụng ưu đãi, vốn ODA hay vay tín dụng thương mại của các nhà tài trợ nước ngoài.

EVN dự kiến sẽ vay 8.405 tỷ đồng từ nguồn ODA, tự huy động 14.153 tỷ đồng, vốn tín dụng thương mại 11.867 tỷ đồng, vốn tín dụng thương mại nước ngoài 1.999 tỷ đồng, còn lại là vốn ngân sách cấp và vốn tín dụng ưu đãi.

Ngoài ra, trong thời gian tới EVN cũng đã tính đến phương án thu hút đầu tư nước ngoài thông qua việc cổ phần hóa tập đoàn.

Vậy, ngoài vốn ra, EVN còn gặp khó khăn gì trong việc triển khai Quy hoạch điện 6, thưa ông?

Ngoài khó khăn về vốn, hiện EVN cũng đang gặp phải rất nhiều khó khăn mà sắp tới EVN sẽ trình Thủ tướng xem xét, giải quyết.

Trước hết là vấn đề thủ tục. Tính bình quân, mỗi dự án điện hiện nay cũng có công suất từ 1000 - 1200 MW và với giá cả đầu vào như hiện nay thì khả năng vượt 20.000 tỷ đồng cho một dự án là hoàn toàn có thể.

Tuy nhiên, theo quy định, các dự án có giá trị vượt quá 20.000 tỷ đồng thì phải trình Quốc hội để xem xét thông qua. Đây chính là nguyên nhân khiến cho rất nhiều dự án của EVN bị chậm tiến độ do thời gian trình xem xét, thẩm duyệt là quá lâu.

Do đó, sắp tới EVN cũng sẽ kiến nghị với Thủ tướng để có những cơ chế ưu đãi về mặt thủ tục hành chính để tháo gỡ những vướng mắc trong thẩm duyệt,cấp phép... từ đó mới có thể đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Khó khăn thứ 2 mà EVN sẽ phải đối mặt là việc cung cấp nguồn nguyên liệu cho sản xuất điện.

Hiện nay chúng ta dùng thủy điện là chính nhưng đến giai đoạn 2010 - 2020 sẽ chủ yếu là nhiệt điện. Và nguồn nguyên liệu chính cho các nhà máy nhiệt điện chính là than.

Thế nhưng, theo tính toán, nguồn than trong nước dự kiến đến năm 2010 - 2013 là bắt đầu không đáp ứng được. Vì vậy trong giai đoạn 2010 - 2013, nhiều khả năng chúng ta phải nhập khẩu than.

Nhưng việc nhập khẩu than cho các nhà máy nhiệt điện lại không hề đơn giản vì nó liên quan đến chi phí. Nếu giá than quá cao sẽ khiến cho chi phí sản xuất điện bị đẩy lên cao, trong khi giá điện thương phẩm thì vẫn bị khống chế bởi giá sàn và giá trần.

Đó là chưa kể đến vấn đề cảng biển của Việt Nam có đáp ứng được các tàu có trọng tải từ 10 - 20 vạn tấn vào hay không. Nếu hệ thống cảng biển của Việt Nam không kịp hoàn thành đưa vào khai thác trước 2015 thì vấn đề thiếu nguyên liệu đã hiện rõ ngay từ bây giờ.

Ngoài ra, EVN còn xác định sẽ phải đối mặt với một số khó khăn khác như vấn đề khoa học công nghệ, nguồn nhân lực cho ngành điện, chảy máu chát xám hay việc giải phóng mặt bằng cho các dự án...

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của EVN trong việc triển khai Quy hoạch điện 6 vẫn là vấn đề vốn.

Còn kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân của EVN đến đâu, thưa ông?

Theo kế hoạch, EVN được giao nhiệm vụ nghiên cứu, tìm hiểu việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân. Trong thời gian qua cũng đã có một số đối tác nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Pháp... liên hệ với EVN để xúc tiến xây dựng các nhà máy điện hạt nhân.

Hiện nay, nhà máy đầu tiên đã được Thủ tướng phê duyệt là nhà máy đặt tại Ninh Thuận.

Tuy nhiên, để cho ra đời một nhà máy điện hạt nhân theo kinh nghiệm của các nước đi trước cũng phải mất ít nhất là 15 năm. Vì vậy, để có thể có điện hạt nhân hòa vào lưới điện quốc gia thì sớm nhất cũng phải sau 2020 mới thành hiện thực.

Do đó, hiện EVN đang phải nỗ lực để có thể từng bước đáp ứng được yêu về khoa học công nghệ, nhân lực... cho việc ra đời nhà máy đầu tiên theo đúng kế hoạch.