16:15 09/09/2009

FDI vào bất động sản: Khi dự án "ngấm suy thoái"

Bảo Anh

Việc dòng vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản giảm mạnh đã khiến những lo ngại bất ổn cho thị trường nhà đất lại tái diễn

8 tháng đầu năm, vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản giảm mạnh.
8 tháng đầu năm, vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản giảm mạnh.
Việc dòng vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản giảm mạnh so với năm 2008 đã khiến những lo ngại bất ổn cho thị trường nhà đất lại tái diễn.

Chỉ có điều “nỗi lo” hiện tại đã trái ngược hoàn toàn so với một năm về trước, khi mà nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào bất động sản đã chiếm tới gần 24 tỷ USD trong tổng số 71 tỷ USD vốn đăng ký FDI.

Dự án “ngấm suy thoái”

Một trong những lo ngại đầu tiên, đó là sự thiếu hụt về nguồn cung trong thời gian tới, khi mà lượng vốn FDI đăng ký vào các dự án bất động sản trong 8 tháng đầu năm đã bất ngờ giảm mạnh, chỉ đạt 1,8 tỉ USD trên tổng số hơn 10,4 tỷ USD vốn đăng ký, với 28 dự án cấp mới (chiếm 1,689 tỷ USD) và 2 dự án xin tăng vốn 171 triệu USD.

Lo ngại trên càng có cơ sở khi chủ đầu tư một số dự án bất động sản có vốn FDI lớn đã xin rút lui khỏi các dự án được đánh giá là lớn hàng đầu Việt Nam.

Đầu tháng 8 vừa qua, Tập đoàn Riveria (Nhật Bản), chủ đầu tư dự án khách sạn trị giá 500 triệu USD, đã xin rút lui sau gần 2 năm được cấp phép, do khó khăn tài chính. Đây là một trong những dự án lớn nhất Hà Nội vào thời điểm cấp phép năm 2007 và dự kiến sẽ khởi công vào năm 2010. Nếu dự án được triển khai theo đúng kế hoạch, chắc chắn sẽ là một nguồn cung quan trọng về khách sản tiêu chuẩn 5 sao cho nhu cầu ngày càng tăng của Thủ đô.

Trước đó, vào đầu tháng 6, chủ đầu tư dự án Hanoi City Complex 65 tầng tại đường Liễu Giai (quận Ba Đình, Hà Nội) cũng vừa quyết định tạm dừng thi công công trình. Đây là dự án được cấp giấy phép xây dựng với 100% vốn nước ngoài (chủ đầu tư là Công ty Coralissa - Luxembourg) và là dự án nhận được sự quan tâm rất nhiều của người dân Hà Nội vì quy mô cũng như chất lượng của một dự án căn hộ hiện đại.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, toàn bộ công trường dự án đã đóng cửa và hiện vẫn chưa rõ thời điểm dự án sẽ tiếp tục được thực hiện trở lại….

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, việc rút lui của một số chủ đầu tư cũng là điều hoàn toàn bình thường vì thực chất là họ gặp khó khăn về tài chính trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế. Nguồn vốn huy động cho các dự án sẽ không được “dồi dào” như những năm trước nên dù vẫn biết thị trường Việt Nam vẫn có tiềm năng nhưng sự thật đã khiến các chủ đầu tư “lực bất tòng tâm”.

Còn theo những “người trong cuộc”, thực chất đa phần các dự án kinh doanh bất động sản lớn kể cả trong nước lẫn nước ngoài, đều phải dựa vào vốn vay là chủ yếu, trong đó có nhiều dự án vay đến 70% vốn đầu tư. Do đó, khi mà việc cho vay đầu tư bất động sản của các ngân hàng thắt chặt lại, cộng với những khó khăn của bản thân chủ đầu tư thì rất có thể con số chủ đầu tư dự án xin rút lui hoặc tạm dừng sẽ còn tăng lên.

"Không đáng lo"

Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), ông Phan Hữu Thắng đã chỉ ra rằng, những lo ngại về việc FDI nói chung và FDI vào bất động sản nói riêng là không đáng có, bởi “chúng ta đã lường trước” và mọi việc vẫn đang nằm trong mục tiêu đã đề ra.

Theo Cục trưởng, nếu cho rằng FDI vào bất động sản sụt giảm trong thời gian qua là không chính xác, bởi con số trong năm 2008 là kết quả của một quá trình.

Do đó, FDI của 8 tháng đầu năm nay thấp hơn năm 2008 là một điều hoàn toàn bình thường trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Theo ông, trong tháng 8 đầu năm nay, dòng vốn này vẫn đang đi đúng với định hướng của chúng ta khi nhận định về tình hình kinh tế thế giới từ đầu năm.

Lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho biết, chính vì chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, nên chúng ta đã chuyển từ mục tiêu thu hút đầu tư sang tăng cường thúc đẩy giải ngân ở trong nước. Với định hướng đó nên dù khả năng huy động vốn của các nhà đầu tư trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế rất khó khăn nhưng mục tiêu giải ngân chúng ta vẫn đạt được.

Bên cạnh đó, theo ông Thắng, việc FDI vào bất động sản thấp hơn năm ngoái chắc chắn sẽ khiến nguồn cung trong tương lai bị co hẹp lại. Song, chúng ta không nên quá lo cho điều này, bởi với việc đạt gần 2 tỷ USD vốn FDI vào bất động sản của 8 tháng đầu năm cũng chưa hẳn là đã giảm mạnh mà thực tế là vẫn lớn và tăng dần so với mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, Cục trưởng Thắng cũng thừa nhận, chuyện co hẹp nguồn cung từ FDI có ảnh hưởng đến giá cả bất động sản hay không thì đến thời điểm này chưa có đánh giá cụ thể nên cũng rất khó để kết luận ảnh hưởng hay không. Hơn nữa, theo ông Thắng, giá cả của bất động sản còn bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác như cung thật cung giả, giá thị trường.