17:11 02/02/2017

FLC và chiến lược dồn sức vào thị trường 35 tỷ USD

Kiều Châu

“Chúng ta vẫn chưa có nhiều các dịch vụ, tiện ích giải trí xứng tầm, để du khách phải “cạn ví” khi ra về”

Một góc quần thể nghỉ dưỡng FLC Sầm Sơn, Thanh Hóa. Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết nhìn nhận, mục tiêu tổng doanh thu 35 tỷ USD vào năm 2020 từ du lịch sẽ là động lực cho phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng.
Một góc quần thể nghỉ dưỡng FLC Sầm Sơn, Thanh Hóa. Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết nhìn nhận, mục tiêu tổng doanh thu 35 tỷ USD vào năm 2020 từ du lịch sẽ là động lực cho phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng.
Đầu tư lớn vào bất động sản nghỉ dưỡng, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng Quản trị FLC cho biết mục tiêu tổng doanh thu 35 tỷ USD của ngành du lịch Việt Nam năm 2020 chính là động lực để tập đoàn đưa ra chiến lược này.

Để không còn “đánh rơi” hàng tỷ USD

Từ vài năm trở lại đây, FLC đã dồn nguồn lực vào bất động sản nghỉ dưỡng. Điều này dựa trên những cơ sở nào, thưa ông?
 
Nhiều chuyên gia mới đây đưa ra những nhận định khá bi quan sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tuy nhiên đối với chúng tôi, TPP không quá quan trọng.
 
TPP không còn thì có thể ảnh hưởng đến bất động sản khu công nghiệp, hạ tầng, logistics, dệt may, thuỷ sản… Còn bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng thì tác động là có, nhưng không đáng kể.
 
Tác động đó, tôi nghĩ rằng, sẽ nhanh chóng được khoả lấp khi Việt Nam đang được định hướng thành một "thiên đường du lịch" của khu vực Đông Nam Á.
 
Bộ Chính trị vừa mới đây đã công bố một nghị quyết quan trọng về định hướng phát triển du lịch đến năm 2035.  Theo đó, du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
 
Nghị quyết nêu mục tiêu đến 2020, Việt Nam sẽ thu hút được 17 - 20 triệu khách quốc tế, 82 triệu khách nội địa, đóng góp 10% GDP, tổng doanh thu từ du lịch đạt 35 tỷ USD. Còn đến năm 2030, mục tiêu của Việt Nam là sẽ trở thành một trong những quốc gia du lịch hàng đầu của khu vực Đông Nam Á.
 
Thực tế, năm 2016, số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đã tăng kỷ lục, khi đạt 10,01 triệu lượt khách, tăng 26% so với năm trước. Khách du lịch nội địa đạt 62 triệu lượt người, tăng 5,3 lần so với năm 2001. Tổng doanh thu ngành du lịch năm 2016 đạt 400.000 tỷ đồng, tức đã gần 20 tỷ USD, chiếm 6,8% GDP.
 
Đây cũng chính là động lực để chúng tôi đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực này. Việc du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cũng sẽ gián tiếp giúp bất động sản nghỉ dưỡng trở thành kênh đầu tư sinh lời hấp dẫn, rủi ro thấp và mang tính lâu dài, bền vững.
 
Đón đầu xu hướng này, chúng tôi đang đầu tư các dự án nghỉ dưỡng cao cấp với quy mô lớn, trải dọc khắp Việt Nam, với tổng mức đầu tư hiện khoảng 70.000 tỷ đồng, như FLC Sầm Sơn, FLC Quy Nhơn, FLC Vĩnh Thịnh, FLC Quảng Ninh, FLC Quảng Bình, FLC Hải Phòng... và tiếp tục xúc tiến đầu tư tại các tỉnh có bãi biển đẹp.

Tính đến hết năm 2017, tổng số sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng mà FLC cho ra mắt thị trường dự kiến sẽ là hơn 2.500 căn condotel, 1.400 biệt thự biển, 3.500 phòng khách sạn, 4 sân golf 18 hố...
 
Ông vừa nhắc đến mục tiêu tổng doanh thu 35 tỷ USD của ngành du lịch Việt Nam năm 2020 sẽ là động lực cho bất động sản nghỉ dưỡng bùng nổ. Tiềm năng là thế, song vẫn có những ý kiến cho rằng bất động sản nói chung - trong đó có bất động sản nghỉ dưỡng, nếu phát triển quá mạnh thì có thể sẽ "hút vốn" của các ngành sản xuất, "gây bất ổn" cho nền kinh tế?
 
Nói vậy là không đầy đủ và không công bằng cho các doanh nghiệp bất động sản.

Bất động sản nói chung và phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng không phát triển đơn lẻ, mà chính là đầu tàu kéo các ngành khác như thép, xi măng, xây dựng, hạ tầng, logistic, du lịch… cùng đi lên.
 
Chẳng hạn, bình quân mỗi du khách đến Việt Nam chỉ chi 106 USD/ngày, trong khi tại Thái Lan, họ tiêu đến 160 USD/người/ngày. Với hơn 10 triệu khách quốc tế và hàng chục triệu khách nội địa, rõ ràng chúng ta đã đánh rơi vài tỷ USD mỗi năm nếu chỉ so với Thái Lan.
 
Nguyên nhân được cho là do chúng ta vẫn chưa có nhiều các dịch vụ, tiện ích giải trí xứng tầm, để du khách phải “cạn ví” khi ra về.
 
Điều đó cho thấy tầm quan trọng của hạ tầng, dịch vụ trong phát triển du lịch. Du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng có thể nói chính là "cặp bài trùng", cùng nhau phát triển.
 
Vài năm gần đây, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã có cuộc chạy đua mạnh mẽ vào việc cung cấp các sản phẩm du lịch. Con số 10 triệu du khách nước ngoài có phần góp sức không nhỏ của các doanh nghiệp bất động sản đó.
 
Đơn giản là, du khách không thể chỉ đến một nơi nào đó tại Việt Nam chỉ để đi bơi, đi ăn và sau đó là về phòng đi ngủ. Các doanh nghiệp với tiềm lực tài chính lớn sẽ có khả năng phát triển các quần thể nghỉ dưỡng chuyên nghiệp, không chỉ để ở mà còn hướng đến là các trung tâm mua sắm, vui chơi với đủ loại hình giải trí từ truyền thống cho đến hiện đại, với các dịch vụ đạt chất lượng cao cấp.
 
Đó chính là động lực cho du lịch Việt Nam giữ chân, thu hút thêm du khách và thu được nhiều tiền hơn từ họ.
 
Khi du lịch phát triển thì đó cũng sẽ là "quả ngọt” cho bất động sản nghỉ dưỡng. Bất động sản nghỉ dưỡng cần được xem như một trong những tiền đề góp phần xây dựng hình ảnh một quốc gia du lịch.

Bất động sản nghỉ dưỡng mới ở giai đoạn đầu
 
Ông có dự định mở thêm nhiều loại hình giải trí hiện đại để tăng sức hấp dẫn cho các sản phẩm du lịch của FLC không?
 
Hiện chúng tôi đã có nhiều dịch vụ nghỉ dưỡng truyền thống liên quan đến sức khoẻ, thể thao... Về các loại hình giải trí hiện đại như casino, đua ngựa, đua chó…, khi nào được cấp phép chính thức tại Việt Nam, chúng tôi sẽ xem xét triển khai tại các quần thể nghỉ dưỡng của FLC.
 
Bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam mới ở giai đoạn đầu tiên, còn quá nhiều việc chúng ta phải bắt tay vào làm.

Trên thế giới, các thiên đường giải trí nổi tiếng đã trở thành nơi "hốt bạc" cho các nước chủ nhà như Genting của Malaysia, Pattaya của Thái Lan, Lan Quế Phường của đặc khu hành chính Hồng Kông hay Macao của Trung Quốc…
 
Condotel (căn hộ khách sạn) đang trở thành một trong những dòng sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng gây chú ý tại Việt Nam. Ông có nghĩ condotel dần dần sẽ trở thành một kênh đầu tư phổ biến giống như chứng khoán, gửi tiết kiệm, vàng… không?
 
Quan điểm cho người khác vào nhà mình ở trước đây ít được người Việt ủng hộ. Song, quan điểm đó đến nay đã bắt đầu thay đổi.
 
Khi đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng, cần lưu ý đây không chỉ là sản phẩm để thể hiện quyền sở hữu của mình, mà còn là kênh đầu tư tài chính có tính bảo toàn vốn cũng như sinh lời cao hơn hẳn các phân khúc khác.
 
Năm qua, nhiều khách hàng mua condotel của FLC đã thu về các khoản lãi lớn. Chúng tôi cũng cam kết thuê lại condotel của khách hàng với mức lãi suất 10% trả bằng USD trong 10 năm đầu tiên. Đây được cho là mức lãi suất hấp dẫn nhất thị trường hiện nay.
 
Dĩ nhiên, khi đầu tư vào kênh này, khách hàng cần chú ý đến giá trị thực của condotel, uy tín doanh nghiệp, cách vận hành, địa điểm du lịch… để đạt lợi ích lâu dài.
 
Về đối tượng, condotel giờ đây không chỉ còn hướng đến giới nhà giàu Việt Nam nữa, khi có nhiều những sản phẩm condotel bình dân, giá chỉ 1-2 tỷ đồng. Các tầng lớp trung lưu cũng có thể thử sức với kênh đầu tư hấp dẫn và giữ giá trị tài sản này.