Ông Trịnh Văn Quyết, trên đường trở thành tỷ phú USD Việt Nam thứ hai?
Tổng mức đầu tư bất động sản của FLC hiện được Savills định giá gần 3 tỷ USD
Sinh năm 1975, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn FLC, mới đây đã trở thành người giàu thứ hai trên sàn chứng khoán Việt Nam, với khối tài sản (tổng giá trị cổ phiếu đang nắm giữ) lên tới gần 10.000 tỷ đồng, chỉ sau tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Nhưng trong lĩnh vực bất động sản, ông Trịnh Văn Quyết cùng FLC - doanh nghiệp bước vào tuổi 15 trong năm nay - cũng đang nắm trong tay hàng chục dự án bất động sản lớn, nhỏ khắp cả nước.
Ông Quyết từng chia sẻ về triết lý kinh doanh của mình, “sự cẩn trọng là không thừa”, thế nhưng khi bước vào thương trường khốc liệt, để thành công thì cần phải nắm bắt cơ hội thật nhanh.
Có lẽ vì vậy mà ở tuổi 34, ông đã là chủ một dự án chung cư cao cấp 32 tầng ngay trung tâm Mỹ Đình, đó là toà nhà FLC Landmark Tower, gồm 5 tầng (tầng 1- 5) là văn phòng cho thuê và 25 tầng (tầng 6- 30) là căn hộ chung cư, ngoài ra còn có hai tầng hầm để xe. Hiện FLC đang đặt trụ sở tại đây.
Sau 3 năm xây dựng, đến 2012 thì toà nhà FLC Landmark Tower đã đi vào hoạt động, là bước ngoặt và cũng là “cái duyên” đưa Trịnh Văn Quyết trở thành một trong những “ông trùm” địa ốc ở thời điểm hiện tại.
Đặc biệt là mảng bất động sản nghỉ dưỡng, trong hai năm qua, FLC đã xây dựng nên những quần thể nghỉ dưỡng quy mô lớn và sân golf 5 sao. Mới đây, một đoàn 20 nhà báo quốc tế đã đến thị sát sân golf FLC Quy Nhơn, họ đều cảm nhận đây là một trong những sân golf đẹp nhất châu Á.
Theo thống kê sơ bộ, hiện FLC đã và đang phát triển 6 quần thể khu nghỉ dưỡng ở 6 tỉnh thành khác nhau mà tập đoàn này đã công bố. Tổng quỹ đất để phát triển ước chừng khoảng 4.124 ha, khoảng 3.600 phòng khách sạn và hàng nghìn căn biệt thự nghỉ dưỡng. Tổng mức đầu tư đăng ký lên tới 30.000 tỷ đồng.
Trong đó, đáng chú ý nhất là FLC đã đưa vào hoạt động khu nghỉ dưỡng FLC Sầm Sơn trị giá 5.500 tỷ đồng cách đây hơn một năm, và đã thu hút một lượng khách du lịch đột biến cho Sầm Sơn, tạo nên xu thế nghỉ dưỡng mới vào mùa đông; hay như quần thể nghỉ dưỡng FLC Quy Nhơn 7.500 tỷ đồng, kể từ khi khách thành đến nay đều trong tình trạng "cháy phòng"; và giai đoạn 1 dự án FLC Vĩnh Phúc 600 tỷ đồng.
Hiện FLC đang rầm rộ triển khai xây dựng quần thể nghỉ dưỡng FLC Hạ Long 224 ha, tổng mức đầu tư 3.400 tỷ, FLC Quảng Bình dự kiến 1.900 ha…
Người đứng đầu FLC còn đang ấp ủ tham vọng xây những cao ốc như một biểu tượng tại một số thành phố lớn. Giấc mơ đó đang dần hiện hữu bằng dự án tháp đôi FLC Quy Nhơn đang xây dựng trên khu đất 1,7 ha ngay giữa trung tâm thành phố biển này, cao 25-30 tầng với tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng; hay mới đây FLC dự định sẽ xây cao ốc 50-60 tầng trên khu đất UBND cũ như biểu tượng của thành phố Hạ Long.
Nếu điểm qua danh mục các dự án bất động sản tại Hà Nội, thông qua hoạt động mua bán sáp nhập (M&A), FLC còn nắm giữ nhiều dự án bất động sản đáng chú ý khác. Có thể kể tới như dự án FLC Complex 36 Phạm Hùng, FLC mua lại từ Hải Phát hồi 2014, được phát triển thành tổ hợp chung cư cao cấp 37 tầng.
Tiếp đó là thương vụ thâu tóm dự án FLC 265 Cầu Giấy. Dự án gồm hai tòa tháp cao 50 tầng và 38 tầng.Trong đó có 5 tầng trung tâm thương mại và 3 tầng hầm liên thông, hiện đang xây dựng phần thô.
Ngoài ra, FLC hiện còn là chủ đầu tư Garden City - một khu đô thị mới quy mô 8 ha tại khu vực quận Hà Đông (Hà Nội), với tổng mức đầu tư 3.500 tỷ đồng; và những dự án khác với tổng số 14 tòa nhà đang được FLC triển khai với tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng.
FLC còn được biết đến là nhà phát triển nhiều khu công nghiệp lớn, đáng chú ý như Hòn La 2 (Quảng Bình) 177,1 ha, tổng mức đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng; Tam Dương 2 (Vĩnh Phúc), quy mô hơn 400 ha, với tổng mức đầu tư 2.310 tỷ đồng, Hoàng Long (Thanh Hoá).
Tổng mức đầu tư bất động sản của FLC hiện được Savills định giá gần 3 tỷ USD.
Với khối tài sản không ngừng gia tăng bằng việc FLC tiếp tục đưa nhiều dự án bất động sản vào hoạt động trong năm 2017, rất có khả năng, Việt Nam sẽ sớm có thêm một tỷ phú USD được Forbes vinh danh.