14:40 20/01/2010

GDP năm nay: “Đừng chạy theo con số”

Từ Nguyên

Cải thiện tăng trưởng kinh tế trong năm nay là quan trọng nhưng không nhất thiết là phải đạt được bằng mọi giá về lượng

Ông Nguyễn Đình Cung - Ảnh: Từ Nguyên.
Ông Nguyễn Đình Cung - Ảnh: Từ Nguyên.
Cải thiện tăng trưởng kinh tế (GDP) trong năm nay là quan trọng nhưng không nhất thiết là phải đạt được bằng mọi giá về lượng.

Quan điểm trên được TS. Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đưa ra trong cuộc trao đổi với VnEconomy về những dự báo diễn biến của nền kinh tế cũng như những cảnh báo về những rủi ro của nền kinh tế trong năm 2010.

Ông Cung nói:

- Năm nay, Chính phủ đặt ra mục tiêu cải thiện một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô so với năm 2009, chẳng hạn như: tăng trưởng kinh tế phải đạt 6,5%; bội chi ngân sách 6,2% GDP; tổng đầu tư xã hội 41% GDP; thâm hụt cán cân vãng lai 9 - 10% GDP.

Tuy nhiên theo tôi, để đạt được những chỉ tiêu trên trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước chưa thật sự hồi phục và ổn định hoàn toàn là một việc không đơn giản. Nền kinh tế năm 2010 sẽ phục hồi, song vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường.

Bên cạnh đó, theo tôi, năm nay là một năm khá “nhạy cảm” cả về kinh tế và chính trị. Điều này có thể dẫn đến một trong hai trạng thái kịch bản điều hành trái ngược nhau.

Ở kịch bản thứ nhất, các cơ quan Nhà nước sẽ thực hiện hàng loạt các cải cách cơ bản nhằm tạo ra nền tảng tốt hơn cho nền kinh tế do những yêu cầu cấp bách tái cơ cấu, thay đổi mô hình tăng trưởng và chất lượng tăng trưởng.

Nhưng ở kịch bản thứ hai, đó là khi các cơ quan Nhà nước sẽ duy trì tâm lý chờ đợi, nhiều cấp sẽ ứng xử theo tư duy nhiệm kỳ, do đó tốc độ giải quyết vấn đề sẽ chậm và thận trọng hơn.
 
Phải đi bằng "hai chân"

Vậy, cá nhân ông nhận định thế nào về diễn biến của nền kinh tế năm nay?

Hy vọng của tôi năm nay sẽ ổn định được kinh tế vĩ mô, mà không phải theo nghĩa là ổn định theo từng tháng, từng quý mà là ổn định trong dài hạn.

Chính điều này sẽ giúp doanh nghiệp và người dân tăng niềm tin vào kinh tế vĩ mô, từ đó cũng cố được giá trị đồng tiền, tránh được một số rủi ro cho nền kinh tế.

Mục tiêu tăng trưởng có thể đạt từ 6,5% trở lên, nhưng quan điểm của tôi là dù có đạt được hay không, thì chúng ta cũng không nên chạy theo con số, kể cả khi đó là 7% hay 8%...

Thực tế là trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động như hiện nay, ngay cả khi chúng ta có đạt được con số nào đấy thì kinh tế vĩ mô cũng không ổn định đến mức khiến cho người dân và doanh nghiệp tuyệt đối tin tưởng được.

Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy, việc chạy theo những con số cụ thể về tăng trưởng GDP có thể sẽ phải đánh đổi những vấn đề quan trọng của kinh tế vĩ mô.

Do đó, theo tôi, điều đáng quan tâm trong năm nay là làm sao chúng ta phải đảm bảo việc giảm dần được cán cân thanh toán, rồi sau đó mới đến giảm thâm hụt ngân sách.

Có ý kiến cho rằng, kinh tế năm nay vừa phải dựa nhiều vào những hiệu ứng của chính sách kích thích của năm ngoái, vừa phải hứng chịu những mặt trái của những chính sách đó?

Dựa nhiều vào chính sách kích thích là đối với kinh tế thế giới nói chung. Còn Việt Nam, do độ trễ của các chính sách nên những chính sách thực hiện năm ngoái trong năm nay cũng có ảnh hưởng một phần.

Trong thời gian qua, tăng trưởng của chúng ta vẫn dựa nhiều số lượng. Giờ chúng ta phải tính đến tăng trưởng vào chất lượng, nâng cao hiệu quả của sản xuất kinh doanh thì tăng trưởng mới ổn định được.

Tôi cho rằng, năm nay nhất quyết chúng ta phải bắt tay ngay vào việc “đi hai chân”, tức là phải làm sao để giữ được sự cân bằng trong tăng trưởng, cả chiều rộng lẫn chiều sâu.

Còn việc hứng chịu mặt trái của chính sách kích thích thì chúng ta cũng đã tính, đến bởi năm 2007, tăng trưởng tín dụng của chúng ta rất lớn, sau đó sang năm 2008 chúng ta phải thắt chặt lại, rồi sau đó đến cuối năm 2009 lại nới rộng, khiến lượng cung tiền tăng mạnh, ảnh hưởng đến lạm phát.

Hiện Chính phủ đã lường trước những điều đó, nhưng quan trọng là những giải pháp của chúng ta đã đưa ra có đủ mạnh để ngăn ngừa những tiêu cực hay không.

Với thông điệp của Thủ tướng đã phát đi từ đầu năm, tôi hy vọng là chúng ta sẽ ổn định được kinh tế vĩ mô theo nghĩa lâu bền và được người dân tin tưởng.
 
Cần thắt chặt tín dụng

Hiện vẫn có nhiều ý kiến trái chiều về việc điều hành kinh tế trong năm nay, đặc biệt là việc thắt chặt hay nới lỏng tín dụng?

Có thể nói trong năm nay chúng ta đã vượt qua khủng hoảng, nên việc điều hành kinh tế và hoạt động kinh doanh phải trở lại bình thường. Chính vì vậy, những giải pháp kích thích kinh tế cần phải được loại bỏ. Việc thắt chặt tín dụng, tăng lãi suất là phải tính đến nhưng phải nhìn cả tác động hai mặt của nó.

Về dài hạn thì đó là tác dụng tích cực, vì nó góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô - điều kiện tiên quyết phải có trong việc đảm bảo được môi trường kinh doanh thuận lợi, người dân mới tin tưởng để yên tâm đầu tư.

Tuy nhiên, về ngắn hạn có thể có tác thể có tác động tiêu cực nhất định, có thể làm tăng chi phí vốn của doanh nghiệp, khả năng tiếp cận vốn khắt khe hơn.

Nhưng cũng vì thế mà buộc doanh nghiệp phải tính toán kỹ hơn, có hiệu quả hơn, đó mới chính là “nuôi dưỡng” cho một năng lực sản xuất tốt hơn trong tương lai. Còn nếu chúng ta quá dễ dãi trong cấp vốn thì sẽ xảy ra đầu tư tràn lan, tư duy ngắn hạn, chụp giật và kém hiệu quả.

Vì vậy, việc thắt chặt tín dụng giải pháp phải làm trong năm nay vì lợi ích tổng thể của nền kinh tế.

Một số chuyên gia có đưa ra một số tiềm ẩn rủi ro kinh tế vĩ mô như lạm phát cao, mất cân đối vĩ mô, bội chi ngân sách tăng..., theo ông đâu là rủi ro đáng lo ngại nhất?

Theo tôi, những cảnh báo là cần, nhưng cũng nên cẩn trọng vì nó luôn có tính hai mặt. Hơn nữa, khi kinh tế đang có những diễn biến chưa thật ổn định, nếu cứ đưa ra một số cảnh báo sẽ làm cho lòng tin của người dân giảm đi, gây bất ổn cho nền kinh tế.