14:39 09/10/2009

Standard Chartered: Hai thách thức của nền kinh tế năm 2010

Từ Nguyên

Ngân hàng Standard Chartered vừa đưa ra báo cáo về triển vọng và xu hướng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2010

Standard Chartered tin rằng, việc Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đang đi vào hoạt động sẽ góp phần hạn chế thâm hụt thương mại cho Việt Nam - Ảnh: AP.
Standard Chartered tin rằng, việc Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đang đi vào hoạt động sẽ góp phần hạn chế thâm hụt thương mại cho Việt Nam - Ảnh: AP.
Nhóm nghiên cứu Ngân hàng Standard Chartered vừa đưa ra báo cáo về triển vọng và xu hướng của kinh tế Việt Nam trong năm 2010.

Điểm đáng chú ý trong báo cáo được bộ phận nghiên cứu đề cập là sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam trong suốt thời kỳ khủng hoảng toàn cầu. Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực, nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra những thách thức mà nền kinh tế nhiều khả năng sẽ phải đối mặt trong năm 2010.

GDP năm 2010 có thể đạt 6,7%

Theo nhóm nghiên cứu, với sự hỗ trợ tích cực của các chính sách tài khóa và nhu cầu trong nước điều chỉnh mạnh, Việt Nam đã vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu một cách tương đối tốt. Thống kê cho thấy, cùng với Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia có tốc độ tăng trưởng GDP so với cùng kỳ năm trước. Số liệu tăng trưởng GDP mới nhất trong quý 3 năm 2009 cho thấy nền kinh tế đang trên đà phục hồi khá vững chắc, mặc dù xuất khẩu vẫn còn chậm.

Để phản ánh diễn biến tích cực của nền kinh tế, nhóm nghiên cứu đã nâng mức dự báo tăng trưởng từ 4,2% lên 4,9% cho năm 2009; từ 5% lên 6,7% cho năm 2010 và từ 6% lên 7,2% cho năm 2011.

Đồng thời, Ngân hàng này cũng điều chỉnh mức dự báo lạm phát theo mức dự đoán tăng mạnh. Nhóm nghiên cứu cũng kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) sẽ bắt đầu tăng lãi suất cơ bản ngay trong quý 2/ 2010 thay vì quý 3 cho dù vẫn còn các công cụ khác để quản lý hoạt động cho vay và giảm áp lực lạm phát.

Tuy nhiên, dù những đánh giá lạc quan hơn về nền kinh tế Việt Nam, song nhóm nghiên cứu lại cho rằng, những nguy cơ dần xuất hiện của nền kinh tế lại không hề giống với những gì đã gặp phải trong năm 2008.

Đặc biệt, với thâm hụt thương mại nới rộng trong những tháng gần đây chỉ ra sự mất cân bằng giữa tiềm năng nội lực và điểm yếu bên ngoài. Trong khi lạm phát hiện nay vẫn đang được kiềm chế so với cùng kỳ năm trước và cả với tháng trước, thì những động thái kích thích tiền tệ và tài khóa mạnh mẽ khiến người ta hy vọng rằng lạm phát có thể tự điều chỉnh.

Hai thách thức

Theo Standard Chartered, trong năm 2008, Việt Nam cùng lúc phải đối mặt với hai vấn đề là thâm hụt thương mại và lạm phát tăng cao. Nhóm nghiên cứu cũng cho biết, hiện có nhiều ý kiến lo lắng kịch bản này sẽ lặp lại trong năm 2010, cụ thể:

Thách thức về thâm hụt thương mại đang có xu hướng tăng trở lại biểu hiện bằng việc giá trị thâm hụt liên tiếp được nới rộng trong những tháng gần đây với tỷ lệ tăng là 1,5 tỷ USD mỗi tháng. Kim ngạch nhập khẩu máy móc và linh kiện, sản phẩm điện tử và xe ôtô tăng nhanh. Điều này phản ánh nhu cầu trong nước đang tăng mạnh mẽ.

Trong khi đó, hoạt động xuất khẩu mới chỉ có một vài dấu hiệu phục hồi. Với thâm hụt thương mại từ tháng 1 tới tháng 9 ở mức 6,5 tỷ USD cho thấy, tổng thâm hụt năm nay có thể lên tới 11 tỷ USD.

Bên cạnh đó, theo nhóm nghiên cứu, khi nền kinh tế trong nước tiếp tục phát triển nhanh, có những quan ngại rằng tình trạng thâm hụt này có thể xuống sâu hơn. Tỷ lệ thâm hụt thương mại trung bình hàng tháng, từ tháng 1 đến tháng 5 năm 2008 là 2,7 tỷ USD làm dấy lên những lo lắng về vị thế thanh toán quốc tế của Việt Nam. Trong khi đầu tư trực tiếp nước ngoài và lượng kiều hối có thể phục hồi trong năm 2010 thì những quan ngại mới về cán cân thương mại lại có thể gây áp lực lên đồng Việt Nam.

Theo ông Tai Hui, Trưởng bộ phận nghiên cứu châu Á của Standard Chartered, trong khi xu hướng này đang được giám sát chặt chẽ thì nền kinh tế xuất hiện vài nhân tố có thể giúp kìm chế gia tăng thâm hụt thương mại. Trong năm 2008, các nhà sản xuất đã dự trữ sản phẩm thép nhập khẩu do dự đoán giá thép sẽ tăng cao hơn, và động thái này đã góp phần đáng kể làm gia tăng thâm hụt thương mại.

Bên cạnh đó, giá năng lượng tăng cao đã gia tăng chênh lệch giá giữa sản phẩm dầu tinh và dầu thô và kéo theo thâm hụt thương mại xuống sâu hơn do Việt Nam là nước xuất khẩu dầu thô nhưng nhập khẩu dầu tinh. Tuy nhiên, việc Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đang đi vào hoạt động sẽ góp phần hạn chế thâm hụt thương mại cho Việt Nam.

Lạm phát sẽ gia tăng là thách thức thứ hai mà nhóm nghiên cứu quan ngại đối với nền kinh tế trong năm 2010. Đến thời điểm này, dù lạm phát vẫn được kiểm soát tốt, nhưng không phải là không có những lo ngại về nguy cơ giá cả hàng hóa tăng cao do Ngân hàng Nhà nuớc thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ.

Lạm phát đã giảm xuống 2% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm trước và tăng nhẹ lên 2,4% trong tháng 9. Thế nhưng, khi những tác động của lãi suất cao trong năm trước dần lộ ra, nhóm nghiên cứu đã dự đoán lạm phát sẽ gia tăng lên mức 6,6% vào cuối năm 2009. Trong khi đó, tốc độ tăng lạm phát tháng sau so với tháng trước cũng chỉ ở mức khiêm tốn 0,24% trong tháng 8 và 0,62% trong tháng 9.

Theo nhóm nghiên cứu, nếu xét theo từng lĩnh vực thì công nghiệp, giao thông và truyền thông (đóng góp 9% vào CPI) đang chịu áp lực giá tăng cao. Tuy nhiên, hai ngành có tốc độ lạm phát cao nhất, thực phẩm và nhà ở (chiếm tương ứng 43% và 10% trong giỏ CPI) lại có vẻ như đang giới hạn đà tăng giá.