Giá dầu giảm vì tuyên bố của Iran
Giá dầu thô giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư sau khi Iran nói rằng sự chia rẽ đang tồn tại trong nội bộ OPEC
Giá dầu thô giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư sau khi Iran nói rằng sự chia rẽ đang tồn tại trong nội bộ OPEC. Tuyên bố này của Tehran khiến giá dầu không giữ được thành quả tăng có được trước đó trong phiên nhờ kế hoạch giảm sản lượng của OPEC và sự gián đoạn nguồn cung dầu từ Libya.
Theo tin từ Reuters, Bộ trưởng Bộ Dầu lửa Iran, ông Bijan Zanganeh, phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia nước này rằng Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) không thân thiện với Iran - nước sản xuất dầu lớn thứ ba trong khối.
Tuần trước, OPEC đạt thỏa thuận cắt giảm sản lượng chỉ sau khi Iran đồng ý với kế hoạch này. Xuất khẩu dầu của Iran đã giảm xuống do các biện pháp trừng phạt mà Mỹ tái áp lên ngành công nghiệp dầu lửa của nước này kể từ đầu tháng 11.
Ngày thứ Tư, OPEC cho biết khối này đã bù đắp được lượng sụt giảm xuất khẩu dầu Iran do lệnh trừng phạt. Tổng thống Iran, ông Hassan Rouhani, cũng nói trên kênh truyền hình quốc gia vào hôm thứ Ba rằng xuất khẩu dầu của Iran đang hồi phục.
Vào đầu phiên giao dịch ngày thứ Tư, giá dầu tăng do xuất khẩu dầu của Libya giảm vì cuộc nội chiến ở nước này. Ngoài ra, kế hoạch cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng dầu/ngày trong 6 tháng đầu năm 2019 mà OPEC và đối tác, gồm Nga, đạt được mới đây cũng hỗ trợ giá dầu.
Tuy nhiên, tuyên bố mà Bộ trưởng Iran đưa ra đã khiến giá dầu chuyển sang trạng thái giảm.
Lúc đóng cửa, giá dầu thô WTI giao sau tại New York giảm 0,5 USD/thùng, tương đương giảm 1%, còn 51,15 USD/thùng. Trong phiên, có lúc giá dầu đạt 52,88 USD/thùng.
Tại thị trường London, giá dầu Brent giao sau giảm 0,05 USD/thùng, chốt ở 60,15 USD/thùng, dù trong phiên có lúc đạt 61,13 USD/thùng.
Giá dầu hiện đã giảm khoảng 1/3 kể từ đầu tháng 10, khi giá dầu Brent đạt đỉnh 4 năm ở mức 87 USD/thùng. Quý 4 này có thể sẽ trở thành quý giảm giá mạnh nhất của dầu kể từ quý 4/2014.
Phiên giảm giá ngày thứ Tư của dầu diễn ra bất chấp dữ liệu của Chính phủ Mỹ cho thấy tồn kho dầu thô của nước này giảm 1,2 triệu thùng trong tuần trước. Dù tồn kho dầu giảm, mức giảm này thấp hơn nhiều so với mức giảm 3 triệu thùng mà giới phân tích dự báo trước đó.
Mối lo thừa cung dầu toàn cầu vẫn đang là nhân tố gây áp lực giảm giá đối với nhiên liệu này. Nguồn cung dầu đá phiến tăng mạnh của Mỹ là một lý do đẩy giá dầu thế giới giảm sâu những tuần gần đây, buộc OPEC và Nga phải đi đến quyết định giảm sản lượng khai thác dầu.
Theo một báo cáo của JBC Energy, dù sức ép giảm giá dầu vẫn còn, thỏa thuận của OPEC và Nga có thể giúp dầu thô vững giá hơn trong 6 tháng tới.
Chiến lược gia Bjarne Schieldrop của SEB dự báo giá dầu Brent sẽ vững trên ngưỡng 60 USD/thùng trong 6 tháng tới nhờ OPEC và Nga giảm sản lượng. Tuy vậy, ông Schieldrop nói rằng thị trường vẫn lo ngại về một "làn sóng" dầu đá phiến mới từ cuối năm 2019, đầu 2020, khi các đường ống dẫn dầu mới được lắp đặt để kết nối giữa "vựa dầu" Permian của Mỹ với Vịnh Mexico.