09:19 09/01/2019

Giá dầu tăng liên tục nhờ tin Mỹ-Trung, OPEC

Diệp Vũ

“Giá dầu đang trong xu hướng tăng. Nhu cầu dầu có thể khởi sắc nếu có một thỏa thuận thương mại”

Thị trường dầu lửa toàn cầu vẫn đang bị phủ bóng bởi nỗi lo sự giảm tốc kinh tế sẽ gây suy giảm nhu cầu tiêu thụ dầu - Ảnh: Reuters.
Thị trường dầu lửa toàn cầu vẫn đang bị phủ bóng bởi nỗi lo sự giảm tốc kinh tế sẽ gây suy giảm nhu cầu tiêu thụ dầu - Ảnh: Reuters.

Giá dầu thế giới tiếp tục đi lên trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, khi nhà đầu tư hy vọng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ mạnh lên nếu Mỹ và Trung Quốc đạt thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Ngoài ra, khả năng Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng cũng hỗ trợ giá dầu.

Kết thúc phiên tại thị trường New York, giá dầu WTI giao sau tăng 1,26 USD/thùng, tương đương tăng 2,6%, đạt 49,78 USD/thùng. Tại thị trường London, giá dầu Brent giao sau tăng 1,39 USD/thùng, tương đương tăng 2,4%, chốt ở 58,72 USD/thùng.

"Giá dầu đang trong xu hướng tăng. Nhu cầu dầu có thể khởi sắc nếu có một thỏa thuận thương mại" giữa Mỹ và Trung Quốc, ông Bob Yawger, Giám đốc phụ trách mảng thị trường tương lai thuộc Mizuho ở New York, nhận xét.

Một quan chức của đoàn đàm phán thương mại Mỹ tới Bắc Kinh ngày 8/1 cho biết đàm phán đang diễn ra suôn sẻ và sẽ kéo dài sang ngày 9/1, thay vì kết thúc sau hai ngày họp như dự kiến ban đầu.

Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của quan chức hai nước kể từ khi Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí "đình chiến" thương mại trong 90 ngày khi hai nhà lãnh đạo gặp thượng đỉnh ở Argentina hồi đầu tháng 12.

Vào hôm thứ Hai, Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Wilbur Ross nói có một "cơ hội rất tốt" để hai bên đạt một thỏa thuận. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng nói Bắc Kinh có "thiện chí" giải quyết tranh chấp.

Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo rằng mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh vẫn còn mong manh và căng thẳng vẫn có khả năng bùng phát trở lại.

"Chắc chắn sẽ có thêm những diễn biến lên xuống trong câu chuyện dài này, và không thể loại trừ khả năng tăng mức thuế bổ sung áp lên (200 tỷ USD) hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 25% sau ngày 1/3", chuyên gia Tamas Varga thuộc PVM Oil Associates phát biểu. "Tuy nhiên, ở thời điểm này, sự lạc quan đang thắng thế".

Ngoài ra, thị trường dầu lửa toàn cầu vẫn đang bị phủ bóng bởi nỗi lo sự giảm tốc kinh tế sẽ gây suy giảm nhu cầu tiêu thụ dầu. Tổ chức đánh giá tín nhiệm S&P Global Ratings cho biết đã hạ 10 USD/thùng trong dự báo mức giá trung bình năm 2019, xuống còn 55 USD/thùng đối với dầu Brent và 50 USD/thùng đối với dầu WTI.

"Dự báo giá dầu được hạ xuống của chúng tôi phản ánh sự giảm tốc của nhu cầu và sự gia tăng của nguồn cung dầu toàn cầu", nhà phân tích Danny Huang của S&P Global Ratings cho hay.

Mặc dù vậy, giá dầu từ đầu năm đến nay đã được hỗ trợ bởi nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC và đối tác gồm Nga.

Arab Petroleum Investments Corp, một công ty chuyên rót vốn vào các dự án dầu lửa của Saudi Arabia, ngày 8/1 dự báo giá dầu có thể lên ngưỡng 60-70 USD/thùng vào giữa năm 2019.

Nhưng nỗ lực giảm sản lượng của OPEC cũng có thể trở nên kém hiệu quả vì sản lượng dầu đá phiến tăng bùng nổ của Mỹ. Số liệu được công bố mới đây cho thấy trong năm 2018, sản lượng dầu thô của Mỹ tăng 2 triệu thùng/ngày, đạt kỷ lục thế giới 11,7 triệu thùng/ngày.

Các hoạt động khoan tìm dầu ở Mỹ hiện vẫn đang ở mức cao, nên hầu hết các nhà phân tích kỳ vọng sản lượng dầu thô của Mỹ sẽ còn tăng lên trong 2019.