Giá hồ tiêu liên tục tăng, xuất khẩu sẽ cán mốc 1 tỷ USD trong năm 2024
Mới trải qua 1/3 thời gian của năm 2024 nhưng kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu đã đạt trên 350 triệu USD, ngành hồ tiêu đang tự tin sẽ giành lại được mốc 1 tỷ USD trong năm 2024…
Theo số liệu báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 4/2024 Việt Nam xuất khẩu 27.000 tấn hồ tiêu, thu về 117 triệu USD, tăng 4,2% về lượng và tăng 5,1% về kim ngạch so với tháng trước; so với cùng kỳ năm trước tăng 2,2% về lượng và 40,4% về kim ngạch.
Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hồ tiêu đạt 83.783 tấn, với kim ngạch hơn 353 triệu USD, giảm 18,3% về lượng, nhưng tăng 11,5% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023.
GIÁ HỒ TIÊU LIÊN TỤC TĂNG
Một số doanh nghiệp lớn trong ngành hàng hồ tiêu, cho biết đến thời điểm này đã ký kết đơn hàng với các khách hàng tại châu Âu đến tháng 9/2024 và đang tích cực thực hiện kế hoạch thu gom nguyên liệu để chuẩn bị lượng hàng đáp ứng đủ cả về số lượng và chất lượng cho các đối tác.
Từ đầu năm đến nay, giá tiêu xuất khẩu và giá tiêu trong nước liên tục tăng, trong đó giá tiêu xuất khẩu bình quân tháng 4/2024 đạt 4.342 USD/tấn, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 37,4% so với cùng kỳ năm 2023.
"Tính chung trong 4 tháng đầu năm 2024, giá tiêu xuất khẩu bình quân đạt 4.214 USD/tấn, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm 2023".
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch ngày 2/5/2024, Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế (IPC) niêm yết giá tiêu đen Lampung (Indonesia) chốt tại 4.703 USD/tấn; giá tiêu đen Brazil ASTA 570 ở mức 4.700 USD/tấn; giá tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA giữ mức 4.900 USD/tấn. Giá tiêu trắng Muntok 6.232 USD/tấn; giá tiêu trắng Malaysia ASTA vẫn ở 7.300 USD/tấn. Giá tiêu đen Việt Nam giao dịch ở 4.200 USD/tấn với loại 500 g/l, loại 550 g/l mức 4.300 USD/tấn; giá tiêu trắng ở mức 6.000 USD/tấn. IPC giữ nguyên giá tiêu các nước so với phiên cuối tháng 4/2024.
Tại thị trường trong nước, giá tiêu ngày 3/5/2024 trong khoảng 97.500 - 98.500 đồng/kg. Cụ thể, tại tỉnh Đắk Lắk và Bình Phước, giá tiêu được thu mua với mức 98.500 đồng/kg; các tỉnh Đắk Nông, Gia Lai, Đồng Nai, giá tiêu được thu mua với mức 97.500 đồng/kg; tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu ở mức 98.000 đồng/kg.
Với đà tăng này, Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) dự báo, đến giữa tháng 5/2024, giá thu mua hồ tiêu tại các vườn trồng trong nước sẽ chạm mốc 100.000 đồng/kg. Tuy nhiên, mức giá này mới chỉ bằng một nửa so với mốc giá kỷ lục 200.000 đồng/kg của năm 2017.
Theo đánh giá của các chuyên gia, thời gian qua, hồ tiêu là một trong những mặt hàng nông sản tăng giá nóng, với mức tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chính thúc đẩy sự tăng giá là do sản lượng bị giảm diện tích vì giảm khoảng 5.000 ha do chuyển đổi cây trồng và năng suất giảm vì thời tiết.
Sau nhiều năm giá tiêu xuống quá thấp, nhiều lúc chỉ còn 35.000-40.000 đồng/kg khiến nông dân trồng tiêu thua lỗ phải chặt bớt loài cây này, thì nay đời sống của người nông dân trồng tiêu đã khấm khá hơn. Thu nhập tốt từ cà phê và hồ tiêu, sầu riêng giúp họ chủ động trong việc bán hàng và tái canh vụ mới.
XUẤT KHẨU HỒ TIÊU TỰ TIN GIÀNH LẠI MỐC 1 TỶ USD
Bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, cho biết yếu tố tác động tích cực lên giá hồ tiêu thời gian vừa qua đến từ nguồn cung trên thế giới hạn chế do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino gây giảm sản lượng toàn cầu, trong đó có 2 quốc gia trồng hồ tiêu lớn nhất là Việt Nam và Brazil.
“Năm nay, các doanh nghiệp xuất khẩu không mấy mặn mà bán trước, bán khống vì đã rút kinh nghiệm từ vài mùa gần đây. Chính vì vậy, lượng hồ tiêu xuất khẩu 4 tháng giảm 18% về lượng so với cùng năm trước, nhưng nhờ giá xuất khẩu tăng nên kim ngạch 4 tháng tăng 11,5%”, bà Liên chia sẻ.
Nhìn về dài hạn, bà Liên cho rằng trong 3-5 năm tới, lượng hồ tiêu sản xuất đáp ứng không đủ cho nhu cầu tiêu dùng, người mua đang mong muốn có sự liên kết để không tạo ra lượng đơn hàng ồ ạt trên thị trường, ghìm giá hồ tiêu xuống. Hay nói cách khác, chúng ta đang có sự giằng co giữa bên mua và bên bán trên thị trường.
Đánh giá xu hướng thị trường, bà Hoàng Thị Liên cho rằng bắt đầu từ quý 2/2024, thị trường Trung Quốc sẽ có dấu hiệu tham gia vào các mặt hàng tiêu trắng và tiêu đen. Điều này kỳ vọng tạo cú huých giúp giá tiêu trong nước vượt mốc 100.000 đồng/kg trong quý 2 năm nay.
Quy mô thị trường hồ tiêu toàn cầu được định giá 5,43 tỷ USD, dự báo tăng trưởng trung bình hơn 20% trong giai đoạn 2024 - 2032. Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) ước tính, sản lượng hồ tiêu của Việt Nam vụ 2023-2024 tăng khoảng 5% so với 2022. Vụ mùa hồ tiêu năm 2024 của Việt Nam dự kiến sẽ tăng lên mức 225.000 tấn so với ước tính 200.000 tấn của vụ mùa năm ngoái.
Nhìn lại hành trình xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam, cao nhất là năm 2016 khi xuất khẩu 176,6 nghìn tấn, kim ngạch đạt kỷ lục 1,422 tỷ USD. Năm 2017, xuất khẩu được 214 ngàn tấn tiêu, kim ngạch đạt 1,11 tỷ USD. Tuy nhiên năm 2018, ngành hồ tiêu đã để mất mốc 1 tỷ USD, khi giảm xuống 758,8 triệu USD; năm 2019 là 722 triệu USD. Đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu tiêu của Việt Nam chỉ còn 666 triệu USD, thấp hơn cả giá trị xuất khẩu năm 2010, trong khi khối lượng xuất khẩu tăng gấp 2,3 lần, đạt 288.000 tấn.
Từ năm 2021 đến nay, kim ngạch xuất khẩu tiêu đã tăng trở lại. Cụ thể, năm 2021 đạt 948,7 triệu USD; năm 2022 đạt 963 triệu USD. Thời điểm tháng 4/2023, do nhu cầu tăng đột biến từ thị trường Trung Quốc sau Covid-19 đã nên lượng hồ tiêu xuất khẩu tăng mạnh. Tuy nhiên, kết thúc năm 2023, giá xuống thấp khiến mục tiêu xuất khẩu tỷ USD lại lỡ hẹn, chỉ đạt 912 triệu USD.
Năm 2024 mới trải qua 1/3 thời gian nhưng kim ngạch đã đạt trên 350 triệu USD. Theo dự báo của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, thời gian tới giá tiếp tục tăng, sẽ giúp ngành hàng hồ tiêu cán mốc 1 tỷ USD xuất khẩu trong năm nay. Dù Trung Quốc giảm mua mạnh, nhưng nhờ nguồn cung thấp và đa dạng thị trường xuất khẩu nên hồ tiêu Việt Nam "sáng cửa" đạt được mục tiêu trên.