18:14 19/03/2010

“Giả dụ bán Jestar Pacific, vẫn nhiều người muốn mua”

Anh Quân

Đại biểu Quốc hội yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lời về việc Jestar Pacific thua lỗ kéo dài và cơ chế điều hành của SCIC

Công ty Cổ phần Hàng không Jestar Pacific Airlines được thành lập trên nền tảng là hãng Pacific Airlines trước đây.
Công ty Cổ phần Hàng không Jestar Pacific Airlines được thành lập trên nền tảng là hãng Pacific Airlines trước đây.
Việc hãng hàng không giá rẻ Jestar Pacific thua lỗ kéo dài và cơ chế điều hành của Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) nhận được nhiều câu hỏi nhất trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 19/3.

Lỗ nặng nhiều năm vẫn tồn tại

Nội dung đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thuyết (đoàn Yên Bái) đưa ra gần như bao trùm các vấn đề mà nhiều đại biểu khác cùng hỏi về trường hợp Jestar Pacific Airlines. Vì sao để doanh nghiệp này thua lỗ 14 năm, lỗ không phải nhỏ? Sao không cho phá sản? Tiếp tục duy trì doanh nghiệp nếu vẫn lỗ thì xử lý thế nào? Tại sao doanh nghiệp lỗ mà lương lãnh đạo lại cao? Trách nhiệm của Bộ Tài chính và Bộ trưởng đến đâu?...

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, Công ty Cổ phần Hàng không Jestar Pacific Airlines được thành lập trên nền tảng là hãng Pacific Airlines trước đây. Cho đến năm 2005, Pacific Airlines đã có 14 năm thua lỗ liên tục, mất khả năng thanh toán (lỗ lũy kế 360 tỷ đồng, nợ không có khả năng thanh toán 340 tỷ đồng, âm vốn 320 tỷ đồng).

Đáng lẽ có thể tuyên bố phá sản, nhưng Chính phủ muốn giữ lại làm hãng hàng không giá rẻ, để cạnh tranh với các doanh nghiệp hàng không khác và với chính Vietnam Airlines, Bộ trưởng Ninh giải thích.

Hơn nữa, phương án cho tồn tại cũng nhận được sự đồng tình của các bên liên quan. “Chúng tôi đã tính đến phương án cho phá sản, nhưng khi đặt vấn đề với nhà đầu tư kể cả trong nước và nước ngoài, họ vẫn muốn tiếp tục cơ cấu lại doanh nghiệp để tồn tại”, ông Ninh cho hay.

Cũng theo Bộ trường Bộ Tài chính, mục tiêu của Chính phủ lúc đó là muốn có thị trường hàng không cạnh tranh. Pacific Airlines bản thân lúc đó cũng đã có thương hiệu, đánh giá lại vẫn có thể tồn tại được, nên muốn cơ cấu tài chính lại doanh nghiệp, đặt trong tình trạng quản lý đặc biệt, giao Bộ Tài chính và sau này là SCIC tiến hành cổ phần hóa.

Nhắc lại việc Pacific Airlines kêu gọi thêm cổ đông chiến lược lúc đó, Bộ trưởng Ninh cho biết ban đầu định bán cổ phần cho tập đoàn Temasek (Singapore), nhưng sau khi doanh nghiệp này rút lui thì Pacific Airlines đã quay sang đàm phán với hãng Qantas (Australia).

“Đáng lẽ xác định giá trị bằng 0 đồng, nhưng lúc đó định giá lại là hơn 166 triệu USD, Qantas chấp nhận, mua 30% đã góp vốn 45 triệu USD”, ông Ninh cho biết.

Sau đó hoạt động khá hơn nhưng vẫn lỗ, và đến năm 2008, trước các biến động mạnh về giá xăng dầu trên thế giới, doanh nghiệp này chịu lỗ nặng. Thêm vào đó, thời điểm cuối năm 2008 đầu 2009, Jestar Pacific tiến hành mua bảo hiểm xăng dầu với giá cố định (tất cả các hãng hàng không thế giới đều làm), ký với giá trên 122 USD/thùng, thấp hơn giá thị trường lúc đó. Tuy nhiên sau đó, giá xăng xuống mạnh. Riêng nghiệp vụ này "thổi bay" của Jestar Pacific 30 triệu USD.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, dù doanh nghiệp này đang gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên triển vọng của doanh nghiệp thì vẫn còn.

Nếu không vì “vụ” xăng dầu thì Jestar Pacific đã có lúc kinh doanh có lãi. Từ chỗ không có chiếc máy bay nào thì nay Jestar Pacific có 6 máy bay, thị phần chiếm 20%, đạt khoảng 2 triệu lượt khách/năm, và còn khả năng phát triển. “Giả dụ bán Jestar Pacific, vẫn nhiều người muốn mua. Sổ sách là như vậy nhưng khả năng phát triển là có”, Bộ trưởng Ninh nói.

Về trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc để doanh nghiệp có vốn Nhà nước làm ăn thua lỗ kéo dài, Bộ trưởng Ninh cho biết, Jestar Pacific hoạt động theo luật quốc tế, và một phần luật pháp của Australia, nên Bộ không can thiệp trực tiếp mà qua SCIC.

“Chúng tôi yêu cầu giảm chi phí tiền lương, giảm nhân sự nước ngoài và cả Việt Nam, giảm các khoản chi khác và còn đang xem xét tiếp tục giảm nữa. Tổng giám đốc cũng đã thay và cử người khác. Riêng bảo hiểm xăng dầu là lớn nhất, chúng tôi đang bàn với Qantas và họ hứa xem xét việc này. Đối tác này cũng đang được đề nghị tiếp tục hỗ trợ vốn, tiếp tục hợp tác và đầu tư để Jestar Pacific này vượt qua giai đoạn khó khăn", Bộ trưởng nói.

Ông Ninh cũng lưy ý rằng nếu hướng đi sau này đưa Jestar Pacific thành tập đoàn thì phải có cái nhìn dài hơi hơn. “Kinh doanh mấy tháng vừa rồi, không kể nợ cũ, là có lãi, nếu tiếp tục thì có thể phát triển được”, ông nói.

SCIC: Thoái vốn phải chờ “thời cơ”

Cũng liên quan đến trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc quản lý vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp, đại biểu Lê Quốc Dung (đoàn Thái Bình) cho rằng hiện nay SCIC nắm quá nhiều đầu mối không cần thiết, nên bỏ “nhỏ” nắm “lớn”, thoái vốn tại một số doanh nghiệp không cần thiết.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Ninh cho biết, SCIC hiện quản lý phần vốn Nhà nước tại khoảng 900 doanh nghiệp, trong đó 87% doanh nghiệp không cần giữ vốn. Tuy nhiên, tỷ lệ vốn SCIC nắm giữ chỉ chiếm 1,8% tổng vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp.

Đồng quan điểm với ông Dung, Bộ trưởng Tài chính cho rằng bán phần vốn tại doanh nghiệp Nhà nước không cần thiết nắm là tốt, nhưng bán làm sao giữ được vốn Nhà nước đang là vấn đề Bộ Tài chính phải cân nhắc.

Theo ông Ninh, tiến trình cổ phần hóa hiện nay chậm chủ yếu do giai đoạn này phải tiến hành cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty và ngân hàng lớn, việc xác định giá trị phức tạp. Ngoài ra, trong giai đoạn này việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược cũng có khó khăn, hơn nữa thị trường chứng khoán trong năm qua cũng chưa khởi sắc…

Ở phần kết luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên lưu ý Bộ Tài chính cần chọn thời điểm thích hợp để cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.

Nhanh hay chậm cũng là vấn đề, nhưng quan trọng là phải đảm bảo không thất thoát vốn Nhà nước, đảm báo phần vốn được sử dụng hiệu quả và phát triển. Ông Kiên đề nghị phải đảm bảo đúng lộ trình, cơ bản hoàn thành cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước trong năm 2010.

Phó chủ tịch Nguyễn Đức Kiên cũng yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu hoàn chỉnh mô hình quản trị, cơ chế phân phối lợi nhuận trong doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty, trong đó có SCIC.