06:00 31/12/2013

Giá quất đang “héo” dần

Chu Khôi

Trồng quất Tết đã không còn là nghề cho thu nhập cao như nhiều năm trước, vì giá ngày càng xuống

Năm nào cũng vậy, trước Tết 1,5 tháng là người buôn đi các vườn để đặt mua cây.
Năm nào cũng vậy, trước Tết 1,5 tháng là người buôn đi các vườn để đặt mua cây.
Trồng quất Tết đã không còn là nghề cho thu nhập cao như nhiều năm trước, vì giá ngày càng xuống. Người buôn chủ yếu kinh doanh những cây quất giá bình dân từ 150-500.000 đồng. Năm nào cũng vậy, trước Tết 1,5 tháng là họ đi các vườn để đặt mua cây.

Tại Song Phương, quất đã chín vàng ruộm, báo hiệu một năm được mùa. Chị Vân một chủ vườn quất cho biết, năm nay chưa có mấy khách hỏi, cả tuần mới có 4 người buôn quất tới. Những cây lớn, cây tạo dáng, tạo thế đẹp những năm trước rất được chuộng, năm nay lái buôn chẳng dám ngó tới.

Quất giá cao khó bán chạy

Chỉ vào những cây quất cao khoảng 1m, tán chuông, chị phát giá khoảng 500.000 đồng. Những cây tạo thế, tạo dáng kiểu 3 tầng giá khoảng 700.000 đồng. Cây tạo thế khoảng 5 tầng giá tầm 1,5 triệu đồng. Nhưng các thương lái không để mắt tới những cây này, chỉ chọn những cây được nhà vườn phát giá từ 100-300 nghìn đồng.

Nhiều năm về trước, không có giá bán cố định, có khi phát giá lên gấp đôi gấp 3 lần giá mua ở vườn, bán một cây quất lãi 100-200 nghìn là bình thường. Nếu đặt hàng 200 cây, đến Tết bán mà còn ế 50 cây thì vẫn lãi lớn.

Những năm gần đây người tiêu dùng chỉ mua những cây quất giá rẻ, nên thương lái chỉ dám “ăn lãi” mỗi cây 30-50 nghìn đồng. Nhập hàng phải tính toán sao cho bán hết, chứ không dám mạo hiểm như trước đây. Những cây quất thế, quất khủng giá cao nếu gặp khách mua thì vẫn lãi nhiều đấy, nhưng rủi ro do không bán được hết sẽ rất lớn.

Theo anh Thủ, nếu so cây có cùng kích thước và độ đẹp, thì giá bán bây giờ luôn thấp hơn 150-200 nghìn đồng so với 2 năm về trước, nghĩa là quất Tết ngày càng về sát giá trị thực hơn và cũng phù hợp với túi tiền của đông đảo người tiêu dùng. Chị Vân cho biết, người trồng đào và quất đang thường trực một nỗi lo, năm nay sức tiêu thụ sẽ giảm mạnh, giá sản phẩm cũng vì thế mà giảm theo.

Trong khi đó, để có được những cây đào, cây quất đẹp hoa, đẹp quả, sáng lá, phục vụ nhu cầu thị trường, người trồng đã mất rất nhiều công sức trong chăm bón, bảo vệ và chống chọi với thời tiết.

“Cây quất muốn bán được, không chỉ đòi hỏi quả to và chín đều, còn phải có cả hoa nữa. Hiện hầu hết quất đã có quả đẹp rồi, nhưng phải đợi 2 tuần nữa chúng mới nhú hoa. Nếu nhiều cây không nhú hoa là coi như mất Tết”, chị Vân chia sẻ.

Tại các vườn quất Đông Ngạc, Tứ Liên, nhiều chủ vườn cũng đang ngay ngáy lo những cây quất “đại gia” có nguy cơ ế khách.

“Những cây quất giá từ vài trăm đến 1 triệu đồng còn có vài mống khách, chứ những cây quất thế, quất lâu năm có giá hàng chục triệu thì chẳng có khách nào tới nhòm ngó. Thời buổi kinh tế khó khăn, tiền ăn tiêu còn bị cắt giảm huống chi việc có thể bỏ tới 20-30 triệu đồng, thậm chí lên tới 50 triệu đồng chỉ để mua một cây quất chơi trong vài ngày Tết”, một chủ vườn than.

Trong khi đó ở vườn cây “ngũ quả” độc đáo của ông Lê Đức Giáp ở xã Cao Dương, huyện Thanh Oai đã tạo dựng được thương hiệu trong mấy năm qua, thì gia chủ lại rất ung dung. Tuy còn hơn 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, nhưng vườn cây của gia đình ông Giáp đã được người đến đặt mua hết. Cây nào cũng đã đeo biển tên khách, chờ đến gần Tết là khách xuống đánh lên.

Nhà vườn lựa theo thị hiếu, thị trường

Từ năm 2008 đến nay, ông đã nghiên cứu ghép trồng các loại quả trên cùng một cây và ông đã thành công với loài cây độc nhất vô nhị tại Việt Nam khi kết hợp được cam, chanh, phật thủ, bưởi và quất mọc trên cùng một gốc.

Năm nay, ông Giáp còn thử nghiệm ghép thêm loại bưởi đỏ và chanh đào tạo nên cây cảnh cho ra 7 loại mọc trên cùng một cây. Trung bình giá một cây cảnh đầy đủ cho ra 5-7 loại quả, có dáng đẹp, nhiều hoa, lộc có thể lên đến hàng chục triệu đồng. Những cây nhỏ hơn dao động từ 300.000 đồng đến vài triệu đồng.

Tại vườn đào của anh Nguyễn Đức Bình (phường Phú Thượng), 400 gốc đào cảnh đang được chăm sóc kỹ lưỡng để cung cấp ra thị trường. Anh cho biết, tiết trời từ đầu mùa rét đến nay có xu hướng thuận lợi cho người trồng đào. Nếu thời tiết từ nay đến Tết duy trì như hiện tại, sẽ thuận lợi cho sự phát triển của đào. Quá trình ngậm nụ được kéo dài, cánh hoa sẽ đậm màu và bung nở to đúng dịp Tết. Còn nếu thời tiết rét đậm hơn, dù dùng các biện pháp ủ bằng bóng đèn, nilon để kích hoa, thì hoa nở cũng không đều, bông nhỏ, cánh nhạt, thậm chí đào chết nụ nhiều.

Từ đầu tuần trước, lác đác đã có mấy khách quen ở Hà Nội và Hải Dương, Hải Phòng tìm đến vườn nhà anh đặt những gốc đào rừng để chơi Tết hoặc làm quà biếu. Chỉ vào những cây đào lớn có hình dáng kỳ quái, anh Bình nói: Đây là gốc đào rừng ghép các cành đào Nhật Tân. Những gốc đào này có giá khá cao từ 10-20 triệu đồng, đã có mấy đại gia ở tỉnh lẻ lên “chấm” và đặt cọc tiền.

Hầu hết những người trồng đào đều nhận xét, dịp này nhu cầu thị trường chưa cao. Phải đến rằm tháng chạp mới biết được rằng đào Tết có đông khách mua và được giá hay không. Năm nay, thu nhập của người lao động kém, túi tiền mỏng nên chắc chắn đào bán sẽ khó hơn mọi năm.

(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)