11:16 18/09/2009

Giá vàng trong nước leo thang nhanh hơn thế giới

Mai Phương

Việc giá vàng trong nước trở lại mức ngang bằng với giá thế giới cho thấy giới kinh doanh vàng đang có nhu cầu gom hàng rất lớn

So với giá vàng thế giới quy đổi, chưa tính thuế và các chi phí khác, giá vàng miếng trong nước hiện đang ngang bằng, từ chỗ thấp hơn 10.000 đồng/chỉ ở sáng qua - Ảnh: Quang Liên.
So với giá vàng thế giới quy đổi, chưa tính thuế và các chi phí khác, giá vàng miếng trong nước hiện đang ngang bằng, từ chỗ thấp hơn 10.000 đồng/chỉ ở sáng qua - Ảnh: Quang Liên.
Giá vàng trong nước sáng nay rời khỏi mức giá kỷ lục 2.250.000 đồng/chỉ thiết lập vào chiều qua, sau khi giá vàng thế giới trải qua một phiên điều chỉnh giảm nhẹ. So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng trong nước đang tăng với tốc độ nhanh hơn.

Giao dịch vàng vật chất khởi sắc nhờ sự leo thang của giá, với hai xu thế bán mua giằng co trên thị trường.

Doanh nghiệp vàng có nhu cầu gom hàng cao

Giá vàng miếng các thương hiệu trong nước sáng nay mở cửa ở mức xấp xỉ 2.225.000 đồng/chỉ (mua vào) và 2.230.000 đồng/chỉ (bán ra), giảm nhẹ so với mức giá áp dụng đầu giờ sáng qua.

Tại thị trường Hà Nội, vàng SJC giao dịch tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý (PQJ) và vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu đầu giờ sáng nay có giá mua vào và bán ra lần lượt là 2.224.000 đồng/chỉ và 2.232.000 đồng/chỉ.

Chiều qua đã ghi nhận mốc giá kỷ lục mới của thị trường vàng trong nước là 2.250.000 đồng/chỉ. Mốc giá này xuất hiện khi giá vàng thế giới chạm ngưỡng 1.025 USD/oz, cao nhất trong 18 tháng qua. Tuy nhiên, mức giá kỷ lục trên không tồn tại lâu trên thị trường, do giá vàng thế giới nhanh chóng lùi lại vì hoạt động chốt lãi của giới đầu tư.

Giới kinh doanh vàng cho biết, cuối buổi sáng qua, khi giá vàng thế giới có chiều hướng yếu đi sau khi chạm ngưỡng cản 1.020 USD/oz,  nhiều người dân đã vội đi bán vàng vì lo ngại giá vàng khó trụ lâu được ở mức này.

Tới buổi chiều, khi giá vàng thế giới tăng tốc trở lại và giá vàng trong nước lập kỷ lục, không khí giao dịch càng thêm sôi động. Song song với hoạt động bán ra, nhiều người cũng tranh thủ đi mua vàng để phục vụ cho các mục đích thanh toán, trả nợ… vì lo ngại giá vàng có thể lên thêm.

Trong ngày hôm qua, khối lượng giao dịch tại các doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn tại khu vực phố Trần Nhân Tông, Hà Nội, như PNJ, Bảo Tín Minh Châu, Phú Quý… đều tăng từ gấp rưỡi đến gấp đôi so với đợt giá vàng tăng nóng trong tuần trước.

Tuy nhiên, nếu so với khối lượng giao dịch bình quân ngày trong những đợt sốt giá trong năm ngoái và đầu năm nay, khối lượng giao dịch này vẫn chưa phải là cao. “Thị trường vàng đã hình thành một mặt bằng giá mới nên phản ứng của người dân với việc giá vàng có thêm kỷ lục không quá mạnh như trước kia”, ông Dương Đức Hiển, Phó tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý (PQJ) nhận xét.

Giới kinh doanh vàng cho biết, do nhu cầu mua vào trên thị trường vàng vật chất đang xấp xỉ ngang bằng với nhu cầu bán ra, trong khi nguồn cung vàng trong nước khá eo hẹp do hoạt động nhập khẩu vàng chưa được nối lại, giá vàng trong nước tạm thời đang tăng nhanh hơn giá thế giới.

Đầu giờ sáng nay, tại thị trường Tp.HCM, giá vàng Phượng Hoàng của Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) tương ứng là 2.226.000 đồng/chỉ và 2.232.000 đồng/chỉ.

Hệ thống Ngân hàng Sacombank trên toàn quốc niêm yết giá vàng miếng SBJ ở mức 2.228.000 đồng/chỉ và 2.236.000 đồng/chỉ.

Trên sàn vàng SBJ, giá vàng khớp lệnh tính tới thời điểm 10h35 sáng nay dao động từ 21,75-21,91 triệu đồng/lượng. Khối lượng chuyển nhượng cùng thời điểm tại sàn này đạt mức gần 266.000 lượng.

So với giá vàng thế giới quy đổi, chưa tính thuế và các chi phí khác, giá vàng miếng trong nước hiện đang ngang bằng, từ chỗ thấp hơn 10.000 đồng/chỉ ở sáng qua. Việc giá vàng trong nước trở lại mức ngang bằng với giá vàng thế giới, cộng với mức chênh lệch giá mua/bán vàng khá hẹp, cho thấy giới kinh doanh vàng trong nước đang có nhu cầu gom hàng rất lớn, bất chấp mức giá vàng cao ngất ngưởng như hiện nay.

Hiện tượng này được lý giải là các công ty kim hoàn đang cần một lượng vàng nguyên liệu lớn phục vụ việc chế tác nữ trang cho mùa cưới. Thêm vào đó, giá vàng thế giới vẫn đang được dự báo có thể đạt tới những mức kỷ lục mới trong trung và dài hạn.

Trong khi đó, ở đợt xả hàng diễn ra hồi đầu năm nay, khi nguồn cung vàng trong nước dồi dào hơn hiện nay, giá vàng trong nước luôn ở mức thấp hơn giá vàng thế giới, có lúc tới hơn 100.000 đồng/chỉ.

Giá vàng thế giới vấp cản 1.020-1.025 USD/oz

Giá vàng giao ngay thế giới đêm qua biến động khá phức tạp trong biên độ 1.009-1.021 USD/oz do hoạt động chốt lời của giới đầu tư liên tục diễn ra mỗi khi giá vàng nhích lên và sự phục hồi trở lại của đồng USD sau một thời gian liên tục giảm giá nhanh và mạnh.

Kết thúc phiên giao dịch tại New York, giá vàng giao ngay giảm 5 USD/oz (0,5%) so với giá đóng cửa phiên trước, còn 1.013,3 USD/oz. Mốc 1.000 USD/oz của giá vàng đang tỏ ra khá vững vàng, trong khi vùng 1.020-1.025 USD/oz cũng là một ngưỡng cản không dễ vượt qua.

Tại thị trường châu Á sáng nay, giá vàng chưa có nhiều biến động và đang lên xuống nhẹ quanh mức 1.013 USD/oz.

Sau nhiều ngày liên tục trượt giá so với các đồng tiền chủ chốt khác, đồng USD đã phục hồi nhẹ trở lại. Tỷ giá Euro/USD hiện đang đứng ở mức trên 1,47 USD đổi được 1 Euro.

Tuy nhiên, áp lực mất giá đối với USD vẫn còn nặng nề do các thông tin kinh tế tích cực vẫn đang thúc đẩy giới đầu tư tìm đến nhiều hơn với các kênh đầu tư có độ rủi ro và khả năng sinh lời cao hơn.

Giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 10 tại New York đêm qua chốt phiên giao dịch với mức giảm 0,04 USD/thùng so với giá đóng cửa phiên trước, còn 72,47 USD/thùng. Vào lúc 10h37 sáng nay giờ Việt Nam, giá dầu tại thị trường này giảm thêm 0,32 USD/thùng, còn 72,15 USD/thùng.

Trong nước, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố sáng nay là 16.986 VND/USD, tăng 1VND/USD so với hôm qua. Giá mua và bán USD do Vietcombank sáng nay cùng ở mức 17.835 VND/USD.