14:06 03/11/2017

Giải cơn “khát” vốn của ngành giao thông

Đinh Tịnh

2 năm qua (2016-2017), ngành giao thông dường như bị...“đóng băng”, rất ít dự án được khởi công và chủ yếu là rà soát, quyết toán BOT, BTO, BT...

Sau 4 năm (2011-2015) “bùng nổ” với số vốn đầu tư toàn ngành giao thông lên tới 400.000 tỷ đồng, với hàng trăm dự án được khởi công, hoàn thành và đưa vào sử dụng, 2 năm qua (2016-2017), ngành giao thông dường như bị...“đóng băng”, rất ít dự án được khởi công và chủ yếu là rà soát, quyết toán BOT, BTO, BT... Vì thiếu việc, nên nhiều Ban quản lý dự án “hết đơn hàng”, buộc phải sáp nhập, nhiều doanh nghiệp giao thông phải thu gọn, cắt giảm nhân sự...

Ngay sau khi nhậm chức, tháng 10/2017, tân Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định: trong bối cảnh hiện nay, giao thông phải được ưu tiên hàng đầu, mục tiêu phải luôn đi trước một bước để mở đường, tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Thể, trong điều kiện vốn ngân sách nhà nước và đầu tư công eo hẹp, nợ công đang ở mức cao, nguồn vốn vay ODA và xã hội hoá rất khó khăn, vì thế, việc huy động vốn cho giao thông là thách thức lớn?

Những “miếng bánh” ngành giao thông

Theo Chính phủ, hiện tại hạ tầng là một trong 3 điểm nghẽn lớn nhất của nền kinh tế mà cả hệ thống chính trị cần tập trung tháo gỡ. Riêng đối với ngành giao thông vận tải, cần giải quyết một số nhiệm vụ cấp bách như: đề xuất phương án sử dụng có hiệu quả nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2017-2020; sớm triển khai xây dựng một số đoạn cao tốc Bắc Nam và sân bay Long Thành. Đề xuất giải pháp hạn chế ùn tắc giao thông cho Hà Nội, Tp.HCM và sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất; giải quyết các tồn tại liên quan đến các dự án BOT giao thông...

Riêng với đường sắt, hiện có 7 dự án với tổng mức đầu tư hơn 195.400 tỷ đồng, các dự án này đang trong quá trình triển khai thực hiện, riêng tiểu dự án đường sắt Hạ Long - Cái Lân, tổng mức đầu tư 1.511 tỷ đồng thuộc dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng. Mục tiêu đến năm 2020, đường sắt Việt Nam có khoảng 1.100 - 1200 đầu máy và 50.000 - 53.000 toa xe các loại, trong đó có 4.000 đến 5.000 toa xe khách.

Trong lĩnh vực hàng hải, đường thuỷ nội địa có 4 dự án, tổng mức đầu tư hơn 49.400 tỷ đồng. Trong đó có 3 dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, chỉ còn dự án Cảng Lạch Huyện đang triển khai. Ngoài ra, đến năm 2020 phải “trẻ hoá” đội tàu biển đạt độ tuổi bình quân 12 năm, mục tiêu đội tàu quốc gia có tổng trọng tải là 12 đến 14 triệu DWT.

Ngành hàng không có 3 dự án trong danh mục công trình trọng điểm, với tổng mức đầu tư khoảng hơn 356 ngàn tỷ đồng. Trong đó, 2 dự án đã hoàn thành là Cảng hàng không Phú Quốc và Nhà ga quốc tế T2 Nội Bài. Bên cạnh đó, mục tiêu đến năm 2020 đội tàu bay quốc gia có khoảng 140 đến 150 chiếc các loại.

Với những yêu cầu cấp bách trên, toàn ngành giao thông cần tới 1 triệu tỷ đồng để thực hiện các dự án, tuy nhiên, để huy động số vốn đầu tư “khủng” trên không hề dễ.

BOT vẫn là phương thức đầu tư chủ lực

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Bộ Giao thông Vận tải vừa tiến hành tổng kết 5 năm đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức BOT, BT giai đoạn 2011-2016 và đã đánh giá khách quan, tổng thể những mặt được, cũng như hạn chế của hình thức đầu tư này. 

Qua đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng nghiên cứu, xem xét để đưa ra chính sách đồng nhất nhằm giải quyết tồn tại của các dự án BOT trên toàn quốc trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, đồng thời có chủ trương dừng thực hiện các dự án BOT trên các tuyến đường hiện có; chỉ kêu gọi đầu tư BOT với các tuyến mới để có sự lựa chọn cho người dân và các phương tiện.

Trường hợp cấp bách, Nhà nước không thu xếp được nguồn vốn, phải kêu gọi đầu tư BOT các dự án hiện hữu, độc đạo thì phải tham vấn đầy đủ ý kiến của địa phương qua các cơ quan đại diện là HĐND, Đoàn Đại biểu quốc hội, các hiệp hội vận tải, các cơ quan chức năng, có thể xem xét xin ý kiến cả Quốc hội.

“Những tồn tại của các dự án BOT chúng ta đều đã nhìn nhận hết, nhưng thẩm quyền giờ không phải của Bộ Giao thông Vận tải nữa mà phải xin ý kiến cấp trên. Sắp tới, chúng ta cố gắng hoàn chỉnh luật và thực hiện đúng luật để BOT đảm bảo hài hoà lợi ích giữa người dân - nhà đầu tư và Nhà nước. Vì đây vẫn là kênh huy động vốn rất quan trọng để phát triển hạ tầng trong điều kiện hiện nay”, ông Thể nói.

Người đứng đầu ngành giao thông cũng đánh giá cán cân đầu tư BOT đang bị “lệch” khi ưu tiên nhiều cho đường bộ, hàng không. Về lâu dài, phải tìm giải pháp huy động các nguồn vốn để phát triển cân bằng, nhất là phát huy hiệu quả của đường thủy nội địa, đường sắt và đường biển để đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững đất nước.

Tháo gỡ khó khăn cơ chế

Trong bối cảnh khó khăn về nguồn vốn, Chính phủ đã đồng ý tăng mức đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông bằng ngân sách nhà nước hàng năm đạt 3,5 - 4,5% GDP. Tuy nhiên, con số này là quá ít so với nhu cầu thực tế.

 Vì thế, Chính phủ cho phép ngành Giao thông Vận tải huy động tối đa mọi nguồn lực, chú trọng nguồn nội lực, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế dưới nhiều hình thức vào xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là đầu tư theo hình thức PPP, BOT, BT, BTO... trong và ngoài nước. 

Áp dụng hình thức Nhà nước đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông cho các đơn vị, cá nhân thuê khai thác để có vốn bảo trì hoặc đầu tư vào các công trình khác. Để làm được điều này, rõ ràng còn nhiều vướng mắc trong các điều luật cần phải sửa đổi.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa từng khẳng định: việc cải cách hành chính và thủ tục hành chính luôn là nhiệm vụ sống còn đối với các cơ quan quản lý nhà nước. Ví dụ cụ thể như: làm thế nào để hoàn thành 2.000 km đường cao tốc trong gian đoạn 2015-2020? Thu hút vốn từ đâu, khơi nguồn nào, tháo gỡ từ vấn đề gì?...

Theo tân Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, suốt 72 năm qua, dù có những thời điểm gặp nhiều khó khăn, nhưng ngành giao thông vận tải luôn thực hiện tốt vai trò “đi trước mở đường”, tuy nhiên tương lai còn rất nhiều việc phải làm.

Hơn bao giờ hết, giai đoạn này, ngành giao thông vận tải phải có bước đi đột phá chiến lược, hút vốn kịp thời để xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước.