17:49 12/03/2024

Giải pháp nào để nông nghiệp Việt Nam trở thành nông nghiệp thông minh?

Bảo Bình

Với nhiều đặc thù như khoảng cách địa lý, lao động địa phương, các điều kiện tự nhiên khác nhau trong chăn nuôi trồng trọt tại mỗi vùng miền, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong chuỗi giá trị không đồng đều, nên ngành nông nghiệp đang xuất hiện nhiều “vùng trũng” khoảng cách về mức độ số hóa …

Thị trường nông nghiệp thông minh toàn cầu dự báo sẽ tăng trưởng từ 15 tỷ USD vào năm 2022 lên 33 tỷ USD vào năm 2027. 
Thị trường nông nghiệp thông minh toàn cầu dự báo sẽ tăng trưởng từ 15 tỷ USD vào năm 2022 lên 33 tỷ USD vào năm 2027. 

Nhờ áp dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, tự động hóa hay Internet vạn vật (IoT), nông nghiệp thông minh giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất, tăng năng suất, tiết kiệm tài nguyên, dự báo và quản lý rủi ro hiệu quả, đồng thời cải thiện điều kiện làm việc cho người nông dân.

Điểm mấu chốt của nông nghiệp thông minh là thay đổi phương thức sản xuất truyền thống, chuyển sang vận hành trang trại dựa trên dữ liệu. Nhờ vậy, hoạt động sản xuất sẽ trở nên hiệu quả và bền vững hơn.

Theo dự báo của Statista.com, thị trường nông nghiệp thông minh toàn cầu sẽ tăng trưởng mạnh mẽ từ 15 tỷ USD vào năm 2022 lên 33 tỷ USD vào năm 2027. 

HẠN CHẾ VỀ NGUỒN VỐN, KIẾN THỨC CÔNG NGHỆ ĐANG CẢN TRỞ NÔNG NGHIỆP THÔNG MINH 

Mặc dù nông nghiệp thông minh mang lại những lợi ích to lớn như vậy nhưng việc áp dụng vào thực tế không hề dễ dàng, đặc biệt với các nền kinh tế đang phát triển vì nguồn lực và kinh nghiệm hạn chế về nông nghiệp số. Theo nghiên cứu về kinh tế số của Bộ Khoa học và Công nghệ, mặc dù các doanh nghiệp nông nghiệp và hộ nông nghiệp tin rằng phân tích dữ liệu theo thời gian thực có tầm quan trọng trong hoạt động sản xuất và có những hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất kinh doanh, song 43% doanh nghiệp nông nghiệp còn gặp khó khăn về ngân sách đầu tư cho chuyển đổi số và 39% hộ nông nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận thông tin.

Ông Phạm Thành Đại Lĩnh, Giám đốc tư vấn chuyển đổi số FPT Digital
Ông Phạm Thành Đại Lĩnh, Giám đốc tư vấn chuyển đổi số FPT Digital

Trao đổi về những khó khăn chuyển đổi số của nông nghiệp Việt Nam, ông Phạm Thành Đại Lĩnh, Giám đốc tư vấn chuyển đổi số FPT Digital, đã chỉ ra nhiều rào cản.

Rào cản đầu tiên cần xử lý là phải cân bằng giá trị cho các đối tác tham gia. Điều này có nghĩa là mỗi đối tượng tham gia vào quá trình chuyển đổi số, từ doanh nghiệp, người nông dân, đến các nhà cung cấp dịch vụ công nghệ, đều có những nhu cầu và lợi ích riêng. Việc xác định rõ ràng giá trị mà mỗi đối tượng nhận được sẽ giúp phân bổ ưu tiên thực hiện phù hợp, tạo động lực cho tất cả các bên tham gia.

Rào cản thứ hai là khó khăn tiếp cận của người nông dân. Do thiếu kiến thức và trải nghiệm về công nghệ, người nông dân thường gặp khó khăn trong việc sử dụng các giải pháp công nghệ. Do đó, cần thiết kế các giải pháp đơn giản, dễ sử dụng, phù hợp với thói quen canh tác và trình độ học vấn của người nông dân. 

Chung ý kiến với FPT Digital, đại diện Tập đoàn Hồ Gươm cũng chia sẻ: “Với đa số người nông dân, công nghệ phải dễ hiểu nhất. Họ chỉ cần nhìn màn hình là có thể sử dụng được và đơn giản đến mức muốn làm sai cũng khó”. Là một tập đoàn hiện đang đầu tư trên 5 lĩnh vực gồm may mặc, bất động sản, giáo dục đại học, công nghệ thông tin và nông nghiệp công nghệ cao, ông Nguyễn Duy Ninh, Tổng giám đốc khối dịch vụ Tập đoàn Hồ Gươm, cho biết nông nghiệp Việt Nam đang ứng dụng công nghệ một cách hạn chế do đặc thù quy mô nhỏ, chủ yếu là hộ gia đình, lợi nhuận thấp và chi phí chuyển đổi số cao. 

Câu chuyện thể hiện rõ nét hơn qua dự án chuyển đổi số tại Minh Phú - “Vua tôm Việt Nam”. Đồng hành cùng Minh Phú trong lộ trình chuyển đổi số mà quan trọng là lộ trình ứng dụng công nghệ cao cho toàn bộ chuỗi giá trị của “Vua tôm”, đồng thời xây dựng hệ sinh thái bền vững cho ngành, những giải pháp công nghệ được tư vấn lựa chọn cho các đơn vị nuôi tôm tại một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã được FPT Digital cân nhắc rất nhiều, từ góc độ trải nghiệm người dùng theo chức năng chuyên môn đến việc bổ sung các tính năng như thi đua khen thưởng, các hoạt động gamification hay cả thiết kế giao diện sao cho ứng dụng dễ tiếp cận, dễ dùng hơn với người nông dân. 

“Để người nông dân tải ứng dụng không phải là việc khó. Tuy nhiên, với quy mô rộng trên toàn bộ khu vực đồng bằng sông sông Cửu Long, đó chắc chắn là một câu chuyện lớn. Hơn nữa, để người nông dân duy trì sử dụng ứng dụng và thấy được giá trị, là một việc không đơn giản”, ông Phạm Thành Đại Lĩnh chia sẻ.

Triển khai lộ trình chuyển đổi số, Minh Phú đã thành lập công ty mới - công ty CP Công nghệ Otcanics chuyên tập trung phát triển dòng sản phẩm công nghệ cho ngành thủy hải sản nói chung và ngành tôm nói riêng. Ông Nguyễn Nhất Tuấn, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Công nghệ Otanics, cho biết “khó khăn, thách thức rất nhiều” trong bước đường mang giải pháp công nghệ mới tới chủ các ao tôm.

“Đầu tư một giải pháp công nghệ luôn là khoản đầu tư rất lớn, phải tìm kiếm, tuyển dụng những nhân sự tài năng, nhiều kinh nghiệm. Khi áp dụng trên diện rộng, rào cản tri thức lại là một vấn đề vì những người theo nghề nuôi tôm đa số là nông dân, họ chưa am hiểu công nghệ và nhận thức được giá trị của công nghệ”, ông Nguyễn Nhất Tuấn nói. 

Lắp đặt hệ thống bẫy sâu keo mùa thu thông minh trên ruộng ngô, truyền tải dữ liệu theo thời gian thực. Ảnh: fat.uet.vnu.edu.vn
Lắp đặt hệ thống bẫy sâu keo mùa thu thông minh trên ruộng ngô, truyền tải dữ liệu theo thời gian thực. Ảnh: fat.uet.vnu.edu.vn

Một rào cản phổ biến khác mà hiện tại các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang gặp, đó là hạ tầng mạng và thiết bị, ông Lĩnh cho biết. Khi ứng dụng công nghệ tại các khu vực nuôi trồng như ruộng lúa hay các khu vực nuôi tôm thường gặp hạn chế về mạng, cần sử dụng thiết bị chuyên dụng cho môi trường khắc nghiệt như độ ẩm cao, nhiệt độ cao hay thấp, và có khả năng chống chịu sét đánh, mưa lớn.

Cuối cùng, start-up công nghệ hoặc các đơn vị làm nông nghiệp không có nguồn tài chính dồi dào, vì thế đây cũng là một trong những khó khăn lớn khác khi triển khai nông nghiệp thông minh. 

XÂY DỰNG HỆ SINH THÁI ĐỂ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP THÔNG MINH TẠI VIỆT NAM

Nhằm hóa giải những thách thức của nông nghiệp Việt Nam, đại diện Tập đoàn Hồ Gươm cho rằng cần có những chương trình triển khai phù hợp cũng như sự hỗ trợ từ chính sách và nguồn lực để thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ phù hợp với nhu cầu và khả năng của từng đối tượng; có chính sách hỗ trợ về tài chính, đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng hạ tầng công nghệ để tạo môi trường thuận lợi cho ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp.

Và theo một nghiên cứu gần đây của FPT Digital đã khuyến nghị một số hướng đi đột phá để phát triển nông nghiệp số bền vững tại Việt Nam, bao gồm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào khâu canh tác nuôi trồng nhằm tăng năng suất và chất lượng trên toàn chuỗi giá trị; xây dựng nền tảng số kết nối dữ liệu trong tất cả các khâu mà đặc biệt là khâu thu hoạch chế biến; phát triển chuỗi cung ứng số và thương mại điện tử cho lĩnh vực nông nghiệp nhằm kết nối hệ sinh thái nông nghiệp số bền vững. 

Để hiện thực hóa các mục tiêu này, chuyên gia FPT Digital cho rằng cần hình thành và phát triển các hiệp hội về nông nghiệp, các hợp tác xã hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn để chia sẻ thông tin và hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau, hình thành chuỗi cung ứng kết nối các doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển toàn ngành. Các doanh nghiệp có nguồn lực và chuyên sâu về công nghệ có thể đưa ra tư vấn về các giải pháp công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn,... để tối ưu hóa quy trình sản xuất, quản lý và phân phối. 

Việc xây dựng một hệ sinh thái thông minh sẽ tạo sự kết nối, tương tác và hỗ trợ qua lại tuần hoàn giữa các mắt xích trong chuỗi giá trị, trong đó các hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ được vận hành trên nền tảng số, hướng tới một nền nông nghiệp phát triển bền vững.