09:04 17/09/2019

Giảm lãi suất điều hành tác động thế nào tới mặt bằng lãi suất?

Đào Vũ

Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất tại thị trường 2, tuy nhiên, để áp lực xuống thị trường 1 thì phải cần một thời gian dài

Ngân hàng Nhà nước kiểm soát
tăng trưởng tín dụng theo định hướng cả năm khoảng 14%
Ngân hàng Nhà nước kiểm soát tăng trưởng tín dụng theo định hướng cả năm khoảng 14%

Như VnEconomy đã đưa tin, kể từ hôm qua (16/9), lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng bắt đầu giảm 0,25 điểm phần trăm.

Bối cảnh ủng hộ

Theo thống kê từ Công ty Chứng khoán SSI, khác với sự phân hoá trong hướng điều chỉnh lãi suất năm 2018, kể từ đầu năm 2019 đến nay, xu hướng giảm lãi suất có sự đồng thuận cao khi số lần giảm lãi suất của các Ngân hàng Trung ương trên toàn thế giới ngày càng gia tăng. "Hiện đã có 93 đợt điều chỉnh giảm, trong khi chỉ có 9 đợt điều chỉnh tăng lãi suất", SSI thống kê.

Trong đó, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ngày càng căng thẳng đã làm đảo chiều chính sách điều hành của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), cơ quan này đã có lần hạ lãi suất lần đầu tiên sau hơn 1 thập kỷ và nhiều khả năng sẽ tiếp tục hạ thêm trong thời gian tới.

Ngược lại, ở phía Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) cũng 7 lần cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, điều chỉnh cơ chế để tăng hiệu lực điều chỉnh lãi suất và hạ giá đồng nhân dân tệ (CNY) để hỗ trợ nền kinh tế.

unnamed

Đó là trên thế giới, còn trong nước, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 6,76%; lạm phát được kiểm soát phù hợp với mục tiêu (bình quân 8 tháng năm 2019, lạm phát CPI tăng 2,57%; lạm phát cơ bản tăng 1,9%).

Ngoài ra, thị trường tiền tệ, ngoại hối diễn biến ổn định nhờ dự trữ ngoại hối hiện đã ở mức cao nhất từ trước đến nay (khoảng 70 tỷ USD); cán cân thương mại luỹ kế 8 tháng thặng dư 5,1 tỷ USD; hết tháng 8 có 11,96 tỷ USD vốn FDI được giải ngân; một số dòng vốn lớn có thể nhìn thấy sẽ về trong thời gian tới như khoản bán vốn của BIDV và mùa kiều hối cuối năm.

Trao đổi với ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ về việc điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, vị này cho biết: "Giai đoạn trước đây, trong bối cảnh lãi suất quốc tế gia tăng, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành đồng bộ các giải pháp chính sách tiền tệ nhằm ổn định mặt bằng lãi suất, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý. Trong bối cảnh hiện tại, Ngân hàng Nhà nước thực hiện giảm lãi suất nhằm tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế và thanh khoản cho các tổ chức tín dụng".

Diễn biến mặt bằng lãi suất trong tương lai?

Hiện, Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ trực tiếp thông qua các chỉ tiêu về tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán (M2)…, không phải qua trung gian là lãi suất điều hành như các nước khác nên nhóm nghiên cứu tại SSI đánh giá tác động của việc điều chỉnh lãi suất không quá lớn.

Số liệu thống kê cho thấy, tính đến hết tháng 6/2019, tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng cung tiền M2 lần lượt đạt 7,36% và 7,11%, đều thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018. Mặc dù vừa qua, phía nhà điều hành đã có một đợt nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng đủ tiêu chuẩn nhưng hầu như vẫn thấp hơn đề suất của ngân hàng thương mại và tăng trưởng chung toàn ngành vẫn định hướng ở khoảng 14%.

Nhìn lại động thái giảm lãi suất từ phía nhà điều hành thì mặt bằng lãi suất giao dịch trên liên ngân hàng và lợi tức trái phiếu Chính phủ các kỳ hạn ngắn trên thị trường thứ cấp là hai đối tương chịu tác động lớn nhất. Và trong điều kiện lý tưởng, giá vốn rẻ hơn trên thị trường liên ngân hàng (môi trường thanh khoản cũng được kỳ vọng dồi dài) sẽ tạo cơ sở để các ngân hàng thương mại điều chỉnh giảm mặt bằng lãi suất trên thị trường 1.

"Tuy vậy, vốn liên ngân hàng chỉ đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn, không dùng để cấp tín dụng và bị hạn chế bởi tỷ lệ 20% so với vốn huy động tổ chức kinh tế và dân cư nên tính liên thông từ thị trường 2 xuống thị trường 1 cần một thời gian dài", công ty SSI nhấn mạnh.

unnamed (1)

Thời gian gần đây, các ngân hàng thương mại yếu thanh khoản đã đẩy lãi suất huy động lên khá cao, nới rộng khoảng cách với lãi suất huy động của nhóm các ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại tư nhân lớn.

Song, SSI đánh giá với tỷ trọng trên 70% thị phần huy động và cho vay, nhóm ngân hàng thương mại nhà nước và các ngân hàng thương mại tư nhân lớn mới đóng vai trò quyết định trong xu hướng lãi suất chung của thị trường 1.

Trong bối cảnh có nhiều yếu tố thuận lợi, SSI cho rằng các biện pháp kỹ thuật của Ngân hàng Nhà nước nếu có được sự đồng lòng của các ngân hàng thương mại lớn thì mục tiêu giảm lãi suất vẫn có thể đạt được mà chưa cần phải dùng đến biện pháp nới lỏng, bơm tiền vào nền kinh tế.

Tại phía nhà điều hành, khi được hỏi về diễn biến mặt bằng lãi suất từ nay đến cuối năm, vị Vụ trưởng Vụ tín dụng cho hay: "Với nền tảng kinh tế vĩ mô trong nước tích cực như hiện nay, lãi suất về cơ bản sẽ diễn biến ổn định, được hỗ trợ bởi các yếu tố tích cực như thanh khoản hệ thống được đảm bảo, có dư thừa, tín dụng tăng phù hợp với chỉ tiêu định hướng.

Ngoài ra, xu hướng ngân hàng trung ương các nước không còn theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt như giai đoạn trước giúp giảm áp lực cho lãi suất trong nước. Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành sẽ giúp các tổ chức tín dụng có thể tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp hơn, hỗ trợ ổn định mặt bằng lãi suất của các tổ chức tín dụng".