08:18 30/10/2009

Giám sát tối cao tại Quốc hội: Băn khoăn chọn vấn đề

Nguyễn Lê

Quốc hội thảo luận tổ về dự kiến chương trình hoạt động giám sát năm 2010

Tại kỳ họp trước, Quốc hội đã giám sát tối cao về Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Tại kỳ họp trước, Quốc hội đã giám sát tối cao về Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Chiều 29/10, Quốc hội đã thảo luận ở tổ về dự kiến chương trình hoạt động giám sát năm 2010.

Căn cứ vào tình hình thực tế và khả năng thực hiện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét cho được đưa vào chương trình giám sát tối cao của kỳ họp thứ bảy, về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với các hệ giáo dục cao đẳng, đại học, sau đại học”.

Kỳ họp thứ tám là "Việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010".

Không ít đại biểu băn khoăn, bởi nếu dự kiến chỉ có hai nội dung thì  “cứng” quá, đại biểu sẽ không có sự lựa chọn. Nhiều ý kiến cho rằng nên dự kiến 3 - 4 vấn đề để các đại biểu cân nhắc một nội dung cho mỗi kỳ họp.

Đại biểu các đoàn Hà Tĩnh, Cà Mau, Đắc Lăk, Lạng Sơn…đều có cùng băn khoăn vì hai nội dung dự kiến chưa đủ “sức nặng”. Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Tiến (Hà Tĩnh) thì nội dung liên quan đến giáo dục chưa thật sự “bức xúc, nổi cộm”. Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục có quy định lại việc thành lập trường, “để họ làm theo luật đã rồi hãy giám sát”, đại biểu Tiến nói.

Đại biểu Trần Đình Long (Lạng Sơn) cho rằng giám sát phải có căn cứ, kết luận, kiến nghị. Nhưng nếu chọn nội dung cải cách thủ tục hành chính thì “lấy đâu ra căn cứ pháp lý”, mặc dù đây đúng là vấn đề bức xúc.

Cùng lo ngại này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Như Lợi nói, không có luật quy định về thủ tục hành chính, nên có thể gọi là “giám sát thực trạng thủ tục hành chính trong các văn bản pháp luật thì may ra được”.

Nhưng cũng như nhiều vị đại biểu khác, đại biểu Lợi băn khoăn về hậu giám sát. Nếu giám sát chuyên đề thủ tục hành chính thì rất khó để có thể sửa nội dung cần sửa tại hơn 300 luật và pháp lệnh đang có hiệu lực thi hành.

Đại biểu Trần Thị Hoa Sinh (Lạng Sơn) và một số đại biểu khác đề xuất nên đưa nội dung quản lý đất đai vào chương trình giám sát năm 2010. Đây cũng là vấn đề được nhiều đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị trước kỳ họp.

Phản ánh những bức xúc của cử tri, đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đắc Lắk) đề nghị “nên giám sát lòng dân xem dân nghĩ gì”.

Không nhiều băn khoăn, hầu hết các ý kiến phát biểu tại đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội nhất trí với hai nội dung giám sát theo dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, hậu giám sát với sự chậm trễ của nhiều cơ quan trong việc thực hiện những kiến nghị qua giám sát là vấn đề khiến các đại biểu chưa thể đánh giá cao.

Trong năm 2009, tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội đã trực tiếp giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm và thông qua Nghị quyết đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm".

Tại kỳ họp thứ sáu đang diễn ra, vào ngày 9/11, Quốc hội sẽ giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước".

Nhiều vị đại biểu đánh giá, đây là hai nội dung giám sát được lựa chọn trúng và hay, được cử tri đánh giá cao.