09:47 11/02/2009

Giảm thuế để đỡ lỗ cho kinh doanh xăng dầu?

Mạnh Chung

“Việc giảm thuế ở đây không phải để giảm giá mà để giảm bớt lỗ cho doanh nghiệp, không số lỗ sẽ rất lớn”

"Có lẽ mặt hàng xăng dầu là minh bạch nhất trong tất cả các ngành hàng"- Ảnh: M.Chung
"Có lẽ mặt hàng xăng dầu là minh bạch nhất trong tất cả các ngành hàng"- Ảnh: M.Chung
“Việc giảm thuế ở đây không phải để giảm giá mà để giảm bớt lỗ cho doanh nghiệp, không số lỗ sẽ rất lớn”.

Đó là thông tin từ ông Vương Thái Dũng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), khi trao đổi với VnEconomy về quyết định giảm thuế nhập khẩu xăng mới đây của Bộ Tài chính.

Theo ông Dũng, việc giảm thuế nhập khẩu xăng từ 35% xuống còn 25%, bắt đầu áp dụng từ ngày 10/2, cũng chưa thể hỗ trợ cho việc giảm giá xăng, vì với giá bán ra thị trường hiện nay các doanh nghiệp còn lỗ và việc giảm thuế chỉ để giảm lỗ cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp vẫn lỗ

Ông đánh giá như thế nào khi dư luận cho rằng cần phải giảm giá xăng để góp phần thúc đẩy kích cầu sản xuất, tiêu dùng?

Mặt hàng xăng chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, đó là xe máy, ô tô, du lịch và xe bốn bánh, nên trong điều kiện khó khăn càng phải khuyến khích người dân tiết kiệm tiêu dùng.

Ở đây kích cầu phải hiểu đúng nghĩa. Các nước khác cũng làm như thế, kể cả những nước rất giàu, vì thế chúng ta cũng nên như thế.

Còn với mặt hàng dầu, đầu vào của một số ngành sản xuất điện, xi măng, sắt thép, vận tải, xe ô tô 4 bánh, xe du lịch dùng xăng còn lại dùng dầu. Nếu kích thích sản xuất phát triển thì phải tạo đầu vào thấp, ví dụ giá dầu phải hạ để kích thích sản xuất thì đó mới là kích cầu.

Nhưng với giá thế giới và với mức thuế như hiện nay thì lợi nhuận của mặt hàng dầu của các doanh nghiệp là rất thấp, chỉ vài trăm một lít, nên không thể giảm giá dầu.

Mà chính với việc kích cầu, nhiều lần Petrolimex đã đề nghị với cơ quan nhà nước nên điều chỉnh thuế nhập khẩu dầu thấp xuống để cho doanh nghiệp có điều kiện tính toán lại để điều chỉnh giá bán.

Mặt hàng xăng thì không, các nước điều chỉnh mặt hàng xăng cũng cao hơn mặt hàng dầu. Vì mặt hàng dầu để kích thích sản xuất, xăng để tiêu dùng.

Nhưng một số ý kiến cho rằng, lẽ ra doanh nghiệp xăng dầu phải giảm giá ngay ở mức thuế 35% vì giá dầu thô thời gian qua đã giảm ổn định ở mức khoảng 40 USD/thùng, giảm đến 70% so với mức tăng giá ở mức 19.000 đồng/ lít trước đây?

Vừa qua trên thị trường, mặt hàng dầu thô có xu hướng giảm tương đối ổn định, không có đột biến lắm, nhưng trong tháng 1/2009, mặt hàng dầu sản phẩm lại khác, đặc biệt là mặt hàng xăng đã tăng giá.

Thứ nhất, mặt hàng xăng không theo quy luật của mặt hàng dầu thô như thông thường. Theo tính toán trung bình của 20 ngày cuối tháng 1, mặt hàng xăng tăng khoảng hơn 8 USD/thùng, nên người tiêu dùng sốt ruột giá dầu thô giảm mà giá xăng không giảm.

Ngoài ra chưa kể ngoại tệ cũng tăng, tỷ giá ngoại tệ Petrolimex mua tăng hơn 400 đồng so với tháng 12/2008. Nên thực chất khoảng 20 ngày cuối tháng 1 đến nay các doanh nghiệp kinh doanh xăng đều bị lỗ, chính vì thế vừa rồi Nhà nước có điều chỉnh thuế nhập khẩu.

Nên việc giảm thuế ở đây không phải để giảm giá mà để giảm bớt lỗ cho doanh nghiệp, không số lỗ sẽ rất lớn. Nếu giữ mức thuế như thế thì các doanh nghiệp sẽ đề nghị điều chỉnh.

Vậy với mức thuế giảm xuống 25% theo ông đã hợp lý chưa?

Như tôi nói, giảm xuống 25% là bớt lỗ cho doanh nghiệp. Đương nhiên bản thân doanh nghiệp thì muốn giảm tiếp, càng giảm nhiều thì doanh nghiệp càng phấn khởi vì để không lỗ, bớt lỗ đi.

Nhưng doanh nghiệp phải có trách nhiệm với Nhà nước, cái này nói vậy thôi chứ không dễ gì thực hiện, nhưng mình cũng phải chia sẻ với khó khăn của Nhà nước trong bối hiện nay.

Ví dụ như dầu thô năm ngoái xuất khẩu, đóng góp cho ngân sách Nhà nước khoảng 30% nhưng năm nay chắc chắn là thâm hụt. Mà trong điều kiện suy giảm nhưng Nhà nước lại phải chi ra rất nhiều.

“Kinh doanh xăng dầu là minh bạch nhất”

Giảm thuế như vậy vẫn lỗ. Vậy theo ông, phải giảm bao nhiêu nữa mới hết lỗ?

Nếu có thể giá xăng dầu trên thị trường tuần sau giảm thì có thể lại không phải lỗ nữa.

Nhiều người tính toán với giá giá dầu khoảng 40 USD/thùng, cộng các chi phí đầu vào thì giá xăng bán ra chỉ 8.500 - 8.600 đồng/lít, điều này có đúng?

Tôi có thể khẳng định con số đó không đúng. Bởi vì hiện nay trên các chi phí của Tổng công ty, các khoản thuế, giá ngoại tệ… một lít dầu chỉ lãi mấy trăm đồng, còn giá xăng thì lỗ. Cái này cơ quan quản lý nhà nước tự kiểm soát được, vì hàng ngày tất cả các hoạt động sản xuất đều phải báo cáo với liên bộ hết.

Trước đây nhiều người nói cần phải công khai minh bạch chuyện kinh doanh xăng dầu, tôi có thể nói không chủ quan, có lẽ mặt hàng xăng dầu là minh bạch nhất trong tất cả các ngành hàng, bởi vì hàng ngày nhập khẩu bao nhiêu là nhà nước biết, thuế nhập khẩu biết, tỷ giá ngoại tệ biết, lãi suất, giá bán ra biết thì hoàn toàn có thể kiểm soát được.

Có những cái người tiêu dùng không hiểu!

Vì bị lỗ nên một số doanh nghiệp xăng dầu đã đề nghị lên bộ liên ngành xin tăng giá, thậm chí có doanh nghiệp còn xin tăng vài nghìn đồng/lít, nhưng được biết, riêng Petrolimex lại không xin. Ông có thể cho biết lý do?

Có thể là các doanh nghiệp đã đề nghị, đó chính là vì lỗ nên mới phải xin tăng.

Còn với Petrolimex, bản thân là lỗ hơn 1.000 đồng/lít nhưng không đề nghị tăng giá vì đây là thời điểm kết thúc năm cũ chuẩn bị đón năm mới nên việc điều chỉnh giá cũng có vấn đề nhạy cảm.

Thứ hai, quan điểm của doanh nghiệp là cố gắng có thể gọi tạm “chịu trận” trong một chừng mực nào đó mình có thể chịu được.

Vì kinh doanh có thời điểm lãi thời điểm lỗ nhưng trên một tổng thể thì phải có lợi nhuận. Nên tạm thời một tháng mình có thể chấp nhận lỗ nhưng nếu kéo dài mãi thì phải có đề nghị. Nhưng thời gian sau giá thị trường điều chỉnh mình có lãi thì lại tích cóp bù cho thời điểm lỗ.

Thực tế, việc điều hành là như thế chứ không phải cứ như dư luận cho rằng giá thế giới cao là đề nghị tăng giá, lúc lãi thì cố trì hoãn không giảm giá, khi giá thế giới giảm.

Hiện Petrolimex đang lỗ nhưng chúng tôi không có bất cứ đề nghị nào điều chỉnh giá. Thực chất những cái này thì người tiêu dùng không biết đến, chúng tôi đã chia sẻ khó khăn với Nhà nước cũng như với người tiêu dùng vì quyền lợi chung.

Hoạt động xăng dầu vẫn gắn chặt với cơ chế điều hành của Nhà nước. Theo ông, cơ chế này có “gây khó” cho kinh doanh của doanh nghiệp?

Nhà nước quản lý điều hành hoàn toàn là đúng, vì đây là mặt hàng nhạy cảm, có tác động tới nhiều mặt trong đời sống xã hội. Nhưng điều điều hành như thế nào để đi đúng hướng, tạo sự chủ động cho doanh nghiệp và để người tiêu dùng được tiếp cận với cái hoàn toàn thị trường.

Lấy ví dụ như mặt hàng diesel, Thủ tướng đã có quyết định bù lỗ đến tận thời điểm 16/9/2008. Nhưng suốt từ năm ngoái đến nay, vừa rồi Bộ Tài chính mới ban hành văn bản hướng dẫn, đáng nhẽ cơ chế phải có trước.

Cụ thể cơ chế này phải có từ đầu năm 2008 để các doanh nghiệp vận hành theo cơ chế đó. Nên đây là điều trớ trêu, thực hiện hết một năm mà vẫn không có cơ chế để hướng dẫn. Giờ tháng 2/2009 cũng mới có hướng dẫn chứ chưa có gì cụ thể cả.

Đấy là cái khó trong điều hành của doanh nghiệp xăng dầu trong bối cảnh thực tại. Nhà nước đã quyết định chuyển hoàn toàn kinh doanh các mặt hàng xăng dầu theo cơ chế thị trường, người tiêu dùng cũng mong muốn như vậy, và thị trường cũng vận hành như vậy. Nhưng trong điều kiện hoạt động hiện nay thì rất khó cho các doanh nghiệp. Mà cái này Nhà nước cũng có cái khó riêng của Nhà nước, doanh nghiệp cũng có cái khó của doanh nghiệp.

Nhưng thực ra vận hành được phải có cơ chế, có các điều kiện đi kèm, đâu có phải một mình doanh nghiệp muốn làm gì thì làm. Doanh nghiệp phải có được cơ chế trong tay thì mới tính toán, điều hành được.

Vì vậy, đòi hỏi cả Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng đều phải vận hành theo thị trường, đặc biệt là cơ quan quản lý Nhà nước trong việc điều hành chính sách thuế nhanh nhạy, phù hợp, nghĩa là quyền lợi phải hài hòa từ 3 phía.