Giới giàu Mỹ đua nhau mua hộ chiếu thứ hai
Làn sóng đăng ký "hộ chiếu vàng" của công dân Mỹ ngày càng lớn, đặc biệt sau khi dịch Covid-19 bùng phát và bầu cử tổng thống
Với khối tài sản hơn 19 tỷ USD, Eric Schmidt - cựu CEO của Alphabet - hiện sở hữu mọi thứ mà một người siêu giàu tại Mỹ thường có: du thuyền, máy bay riêng, căn hộ tại Manhattan... Giờ đây, ông chuẩn bị bổ sung thêm vào "bộ sưu tập" của mình tấm hộ chiếu thứ hai.
Theo một tờ báo của Cyprus, Eric Schmidt đã đăng ký lấy quốc tịch Cyprus theo chương trình đầu tư của chính phủ quốc đảo này - còn gọi là chương trình "hộ chiếu vàng".
Vài năm trở lại đây, công dân Mỹ hiếm khi đăng ký "hộ chiếu vàng" như thế này. Chương trình này của Cyprus chủ yếu nhắm vào công dân của các quốc gia ít được miễn thị thực nhập cảnh hơn so với người Mỹ, ví dụ như Trung Quốc, Nigeria hay Pakistan. Tuy nhiên, thực tế này đã thay đổi. Những người trong ngành cho biết họ đang chứng kiến làn sóng đăng ký "hộ chiếu vàng" ngày càng lớn từ giới giàu Mỹ.
"Trước đây, chúng tôi chưa từng chứng kiến điều này. Chúng tôi thậm chí không biết về nó tới tận cuối năm ngoái và xu hướng này ngày càng lớn", Paddy Blewer, giám đốc hãng tư vấn Henley & Partners tại London (Anh), cho biết khi nói về số lượng đơn đăng ký lấy hộ chiếu thứ hai của công dân Mỹ.
Chỉ với số tiền từ 100.000 USD, một người có thể sở hữu tấm hộ chiếu thứ hai và được hưởng nhiều lợi ích từ ưu đãi thuế cho tới tự do đầu tư, đi lại... Các chương trình đầu tư đổi quốc tịch như vậy thường ít khi được người Mỹ quan tâm bởi vì lợi thế về thuế - một trong những điểm hấp dẫn nhất của chương trình - không mang lại nhiều lợi ích cho họ. Mỹ là một trong số ít các quốc gia trên thế giới đánh thuế với công dân bất kể họ sống ở đâu.
Theo các chuyên gia, người Mỹ đã bắt đầu quan tâm tới hộ chiếu thứ hai từ trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nhưng dịch bệnh đã tạo cú hích lớn cho làn sóng này. Người Mỹ, đặc biệt là giới giàu, ngày càng quan tâm hơn tới việc tự do đi lại khi mà các thành phố của Mỹ đang thắt chặt các biện pháp hạn chế nhằm kiểm soát làn sóng dịch bệnh thứ hai.
"Nhiều người Mỹ đang nghĩ rằng: 'Tôi muốn được đi lại tự do càng sớm càng tốt và không bị mắc kẹt'", Nestor Alfred, giám đốc điều hành chương trình đầu tư đổi quốc tịch của St. Lucia - quốc gia thuộc vùng Caribbe, cho biết.
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cũng là một trong những nhân tố thúc đẩy làn sóng này. Các đề xuất về chính sách thuế của Tổng thống đắc cử Biden có thể tác động tới các phương thức mà nhiều người Mỹ đang dùng để giảm thiểu hoặc thậm chí không phải nộp thuế trên lợi nhuận đầu tư.
Bên cạnh đó, theo hãng tư vấn quốc tịch Apex Capital Partners, nhiều người Mỹ tìm mua hộ chiếu thứ hai vì lo sợ bất ổn xã hội. Apex Capital Partners cho biết số lượng khách hàng Mỹ của công ty - thường chỉ có khoảng 5 người mỗi năm - đã tăng 650% kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
"Các khách hàng người Mỹ của chúng tôi đang có những băn khoăn tương tự như những khách hàng Trung Quốc, Trung Đông hay Nga. Họ đều nói rằng 'chúng tôi sẽ không rời khỏi Mỹ ngay, nhưng chúng tôi cảm thấy lo lắng và muốn có thứ gì đó để dự phòng'", Nuri Katz, người sáng lập Apex, cho biết.
St. Kitts & Nevis là quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa ra chương trình đầu tư đổi quốc tịch vào đầu những năm 1980. Đến nay, có khoảng hơn 10 quốc gia có chương trình tương tự. Ở một số nước, chương trình này mang về nguồn thu khổng lồ. Ví dụ, Malta thu về hơn 1 tỷ USD kể từ khi bắt đầu triển khai chương trình khoảng 10 năm trước, còn Cộng hòa Dominica thu về hơn 350 triệu USD trong 5 năm qua.
Tuy vậy, các chương trình này cũng vấp phải nhiều chỉ trích với không ít bê bối, như cấp hộ chiếu cho tội phạm quốc tế. Năm ngoái, Cyprus đã tước quốc tịch của 26 người, trong đó có nhà tài chính Jho Low - người đang bị truy nã vì liên quan bê bối tham nhũng tại quỹ đầu tư quốc gia Malaysia 1MDB. Tháng trước, Chủ tịch Quốc hội Cyprus Demetris Syllouris đã phải từ chức sau khi bị phát hiện đề nghị giúp một doanh nhân Trung Quốc có tiền án lấy hộ chiếu nước này.
Sau hàng loạt bê bối, EU đã gửi tối hậu thư cho Cyprus và Malta trong đó nói rằng chương trình hộ chiếu vàng của hai nước này vi phạm luật pháp EU. Tháng trước, Cyprus thông báo dừng chương trình đầu tư đổi quốc tịch từ ngày 1/11. Còn Malta khẳng định sẽ điều chỉnh lại chương trình trước khi EU có hành động pháp lý.