09:22 07/05/2012

Gói giải pháp “không tác động nhiều đến cân đối ngân sách”

Lê Hường

Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) nói về tác động của gói giải pháp 29.000 tỷ đồng

Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) Vũ Nhữ Thăng.
Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) Vũ Nhữ Thăng.
Gói giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đang chờ được thông qua.

Ông Vũ Nhữ Thăng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), thành viên tổ “gỡ khó cho doanh nghiệp” vừa được Bộ Tài chính thành lập, cho biết, gói giải pháp này vừa tạo được nguồn vốn cho doanh nghiệp vừa giúp tăng tổng cầu.

Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng thời gian gần đây chủ yếu các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn?

Không chỉ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp lớn cũng gặp khó khăn. Các ngành chịu ảnh hưởng chủ yếu là xây dựng, thép, cao su, ôtô, xi măng... Mức thuế thu nhập doanh nghiệp giảm nộp trong quý 1 của Tập đoàn Công nghiệp xây dựng Việt Nam là 81%, Tập đoàn Đầu tư phát triển nhà và đô thị Việt Nam là 62%, Công ty cổ phần đầu tư và công nghiệp Tân Tạo là 55%...

Tương tự, số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của Tổng công ty Thép giảm 55%. Tổng công ty Xăng dầu giảm 49%. Tập đoàn Công nghiệp cao su giảm 42%. Công ty Honda giảm 31%. Tổng công ty Xi măng giảm 15%.

Trong quý 1/2012, số thu thuế thu nhập doanh nghiệp đạt thấp so với cùng kỳ, bằng 94,28% và thấp hơn nhiều so với các năm 2009, 2010. Trong đó, khu vực doanh nghiệp Nhà nước có số thu thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 89,64% và doanh nghiệp ngoài Nhà nước bằng 92,19%, riêng khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng nhẹ 6,8%.

Các giải pháp tài chính tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phải đảm bảo các nguyên tắc nào, thưa ông?

Đầu tiên là nguyên tắc thị trường, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, không làm lạm phát tăng trở lại, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường cả trong nước và quốc tế.

Nguyên tắc thứ hai là đúng đối tượng, đúng địa chỉ, đúng mục tiêu và kịp thời theo mức độ khó khăn của doanh nghiệp, tuân thủ quy định của pháp luật và cam kết quốc tế.

Thứ ba, đảm bảo khả năng cân đối ngân sách, ưu tiên lựa chọn những giải pháp có hiệu quả, có tác động lớn đến hỗ trợ vốn và thanh khoản cho doanh nghiệp nhưng không tác động nhiều đến cân đối ngân sách.

Thứ tư, giải pháp tài chính phải phối hợp tốt với việc điều hành chính sách tiền tệ, từng bước hạ lãi suất cho vay và nâng cao khả năng hấp thụ vốn tín dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp và cơ cấu lại sản xuất kinh doanh, cũng như quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, sắp xếp lại ngành hàng phù hợp với lợi thế cạnh tranh và phù hợp với quy hoạch phát triển ngành.

Nguyên tắc “đúng” đối tượng sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Đúng đối tượng là không phân biệt khoẻ hay yếu mà theo ngành và theo quy mô. Đây là giải pháp hỗ trợ chung.

Chẳng hạn, giải pháp giãn 6 tháng đối với thuế giá trị gia tăng. Cụ thể, thuế giá trị gia tăng tháng 4 đáng lý được nộp vào tháng 5 thì sẽ được giãn đến tháng 11. Giải pháp này không chỉ giúp cho doanh nghiệp có lãi mà chỉ cần có doanh thu là được.

Giải pháp này cũng chỉ là liệu pháp “giảm đau” khẩn cấp, về lâu dài cần thực hiện các giải pháp nào thưa ông?

Phân tích hoạt động của doanh nghiệp trong quý 1 cho thấy cần có giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp. Muốn đưa giải pháp cần phải xem xét cả chính sách tài khoá và tiền tệ.

Về chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước vừa công bố tiếp tục hạ lãi suất. Tuy nhiên, giải pháp về chính sách lãi suất của ngân hàng vẫn có độ “trễ”, bởi các phương án vay cần thời gian thẩm định trước khi được giải ngân. Trong khi đó, giải pháp tài chính có thể tận dụng ngay. Chẳng hạn, đang gặp hoạt động khó khăn, đến cuối tháng lại phải nộp thuế ngay thì giải pháp giãn thuế sẽ giúp doanh nghiệp có tiền để luân chuyển vốn. Tổng hợp các nhóm giải pháp này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp cả về nguồn vốn đầu vào và tăng tổng cầu của nền kinh tế.

Việc áp dụng các giải pháp vừa được công bố sẽ ảnh hưởng đến ngân sách năm nay như thế nào?

Về thu ngân sách, năm 2012 dự kiến sẽ giảm thu khoảng 9.000 tỷ đồng. Trong đó, 4.500 tỷ đồng liên quan đến miễn giảm thuế. 4.500 tỷ đồng còn lại là giãn thuế. Giãn thuế khiến dòng tiền ngân sách không đổi nhưng bị trì hoãn