14:46 03/10/2012

Hạ dự báo tăng trưởng Việt Nam: ADB nói gì?

Anh Minh

Ngân hàng phát triển châu Á vừa đưa ra dự báo kinh tế Việt Nam sẽ chỉ đạt mức tăng trưởng 5,1% trong năm 2012

Với kết quả của nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm, ADB dự báo tăng trưởng GDP năm 2012 được điều chỉnh giảm xuống còn 5,1%, từ mức dự báo 5,7% đưa ra hồi tháng 4/2012.
Với kết quả của nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm, ADB dự báo tăng trưởng GDP năm 2012 được điều chỉnh giảm xuống còn 5,1%, từ mức dự báo 5,7% đưa ra hồi tháng 4/2012.
Ngân hàng Phát triển châu Á vừa đưa ra dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,1% trong năm 2012, từ mức dự báo 5,7% đưa ra hồi tháng 4/2012.

Tăng trưởng giảm tốc

Báo cáo phát triển châu Á do ADB công bố sáng nay nhận định rằng, trong khi mục tiêu tăng trưởng ở mức 6,0-6,5% vào năm 2012, Chính phủ Việt Nam “có thể sẽ chấp nhận tăng trưởng thấp hơn, điều này cho thấy mức độ kiềm chế lớn hơn và trọng tâm lớn hơn vào sự ổn định kinh tế vĩ mô”.

Với kết quả của nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm, ADB dự báo tăng trưởng GDP năm 2012 được điều chỉnh giảm xuống còn 5,1%, từ mức dự báo 5,7% đưa ra hồi tháng 4/2012.

Đầu tư tư nhân dự kiến sẽ vẫn yên ắng trong bối cảnh có những bất cập trong và ngoài nước và lo ngại về khả năng đối phó với nợ xấu ngân hàng một cách nhanh chóng của Chính phủ Việt Nam, trong khi triển vọng từ những thị trường xuất khẩu lớn đã suy giảm.

Tuy nhiên, ADB cũng cho rằng dự kiến hoạt động kinh tế trong nửa cuối năm 2012 sẽ được cải thiện nhờ các chính sách thực hiện hồi đầu năm và bởi thông thường chi ngân sách có xu hướng được tăng tốc vào cuối năm.

ADB cũng đưa ra dự báo rằng GDP năm 2013 dự kiến sẽ tăng 5,7%. Chính sách tài khóa có khả năng sẽ được nới lỏng vào năm sau và các ngành công nghiệp xuất khẩu sẽ được củng cố nhờ sự phục hồi khiêm tốn của thương mại thế giới.
 
Nhưng cơ quan này cũng lưu ý rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế có khả năng sẽ bị chi phối bởi tiến độ giải quyết các vấn đề dễ tổn thương trong lĩnh vực tài chính.

Một chương trình đánh giá ngành tài chính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới mà Chính phủ đã đồng ý tham gia, dự kiến sẽ được hoàn thành vào quý 1/2013. Theo ADB, việc công bố những kết quả chính của chương trình và cam kết của Chính phủ về thực hiện một lộ trình cải cách đáng tin cậy với các hành động có thời hạn cụ thể sẽ giúp phục hồi cho vay và cải thiện tâm lý nhà đầu tư.
 
Một dự báo đáng chú ý khác là đến cuối năm 2012, lạm phát sẽ là 7%. Do đó, tỷ lệ lạm phát trung bình trong năm sẽ là 9,1%, thấp hơn so với dự báo của ADB trước đây, do giá lương thực sụt giảm mạnh và lượng cầu trong nước thấp hơn dự báo.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2013, lạm phát sẽ tăng tốc lên 9,4% do giá lương thực toàn cầu sẽ tăng trong năm tới và lượng cầu trong nước có xu hướng tăng cao hơn, trong khi chính sách tài khóa có thể sẽ được nới lỏng.  

Thâm hụt tài khoản vãng lai năm nay sẽ thấp hơn vì hoạt động xuất khẩu mạnh hơn dự kiến, nhưng sẽ tăng lên trong năm 2013. Việt Nam sẽ đối mặt áp lực giảm tỷ giá hối đoái nếu lợi tức thực tế của các khoản tiền gửi VND không được duy trì. Trạng thái dự trữ ngoại hối được cải thiện, dù vẫn thấp, cho phép Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ tiền đồng ở phạm vi nhất định.

Rủi ro đến từ hệ thống tài chính
 

ADB cũng cho rằng, rủi ro trong nước tác động triển vọng chủ yếu là từ lĩnh vực tài chính và có thể tăng lên cho đến khi vấn đề nợ xấu được giải quyết dứt điểm. Ngân hàng Nhà nước thừa nhận vào tháng 7/2012 rằng tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cao hơn nhiều so với tỷ lệ công bố chính thức là 4,5% vào cuối của tháng 5, có thể sẽ gần mức 9% hơn.

ADB cho rằng, đây là một diễn biến đáng chú ý vì số liệu thống kê chính thức được nhìn nhận là thấp hơn thực tế. Một báo cáo được các chuyên gia tư vấn công bố trong tháng 9/2012 trên trang website của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội ước tính chi phí ổn định lại hệ thống ngân hàng có thể là 12 tỷ USD (10% -12% GDP).

Một số sự kiện bắt giữ và từ chức trong lĩnh vực ngân hàng cũng thu hút sự chú ý của cơ quan này. ADB cho rằng, điều này đang “làm dấy lên quan ngại về quản trị doanh nghiệp, sức khỏe tài chính của nhiều ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước,…”.
 
Tỷ lệ an toàn vốn của hệ thống ngân hàng tăng nhẹ trong 7 tháng đầu năm nay lên 14,0%, cao hơn nhiều so với mức 9% do Ngân hàng Nhà nước quy định. Tuy nhiên, mức độ nợ xấu không rõ ràng và bảng cân đối đầy rủi ro của một số ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng làm ăn với các doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ và làm ăn dàn trải, đặt ra những câu hỏi về sự an toàn vốn của họ.  

Trong khi đó, sự suy giảm trong thị trường bất động sản trong 2 năm qua cho thấy giá trị của tài sản thế chấp để cho vay ngân hàng đã suy giảm.

Ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc ADB Việt Nam nói rằng trong thời điểm này, Việt Nam “cần tránh xu hướng thực hiện các chính sách trái ngược nhau như đã diễn ra”.

“Cam kết của Chính phủ về thực hiện một lộ trình cải cách đáng tin cậy với các hành động có thời hạn cụ thể sẽ phục hồi cho vay và cải thiện niềm tin của thị trường”, ông Tomoyuki Kimura nói. “Việc công bố thêm thông tin về tiến độ thực hiện mục tiêu cải cách có thể củng cố hơn niềm tin vào quyết tâm tiến hành cải cách cấu trúc của Chính phủ. Việc công bố thông tin tài chính về các ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước phát ra tín hiệu mạnh mẽ về cam kết cải cách của Chính phủ".