06:00 27/02/2014

Hà Nội: “Có cán bộ suy thoái chưa được xử lý”

Đoàn Trần

Thành ủy Hà Nội sơ kết 3 năm phòng chống tham nhũng (2011-2015)

 Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Chương trình 09, tình hình tham nhũng,
 lãng phí trên địa bàn thành phố trong 3 năm qua vẫn diễn biến phức tạp
 - Ảnh minh họa: Việt Tuấn.<br>
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Chương trình 09, tình hình tham nhũng, lãng phí trên địa bàn thành phố trong 3 năm qua vẫn diễn biến phức tạp - Ảnh minh họa: Việt Tuấn.<br>
Thành ủy Hà Nội đánh giá “một bộ phận cán bộ, công chức có chức vụ còn suy thoái về phẩm chất, đạo đức, lối sống, thậm chí có cán bộ, đảng viên lợi dụng vị trí công tác để trục lợi, nhưng chưa được phát hiện và xử lý” khi sơ kết 3 năm phòng chống tham nhũng (2011-2015).

Được biết, trong 3 năm qua, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội và Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật đối với 2.573 đảng viên (trong đó có hàng trăm cán bộ, đảng viên bị xử lý về hành vi tiêu cực, lợi dụng chức vụ để trục lợi); thi hành kỷ luật đối với 52 tổ chức đảng.

Ngoài vấn đề về cán bộ, báo cáo của Thành ủy cũng còn cho thấy việc quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực đất đai, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cơ bản, cổ phần hóa doanh nghiệp, quản lý y tế, giáo dục còn nhiều sơ hở. Tình trạng lãng phí trong đầu tư xây dựng, sử dụng đất đai, tài sản công, những dự án để đất hoang hóa nhiều năm gây bức xúc chưa được khắc phục...

Phát biểu tại hội nghị này ngày 26/2, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nói: “Phải chú trọng xây dựng các quy chuẩn về đạo đức, các quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức trong từng ngành, từng lĩnh vực gắn với thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực hiện lấy “xây” để “chống”.

Ông Thảo cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị tích cực, chủ động rà soát, triển khai các biện pháp phòng ngừa ở những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí; tham mưu, đề xuất hoàn thiện các quy chế về quản lý kinh tế - xã hội, nhất là trong lĩnh vực quản lý đầu tư, ngân sách, đất đai, quy hoạch, xây dựng, công tác cán bộ... Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng công khai, minh bạch, dễ giám sát; duy trì tốt kỷ cương hành chính, đưa việc kê khai tài sản, thu nhập đi vào thực chất hơn và trở thành một giải pháp quan trọng để phòng, chống tham nhũng. Đẩy mạnh công tác điều tra, truy tố, xét xử, coi trọng công tác thanh tra công vụ hàng năm.

Đối với các sở, ban, ngành Thành phố, khi nhận được đơn thư tố giác, phản ánh về tiêu cực, tham nhũng phải vào cuộc khẩn trương, điều tra, xác minh kịp thời, chính xác, khách quan, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Có mặt tại cuộc họp này, Phó ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh đề nghị Hà Nội trong thời gian tới cần đưa công tác này thành nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của cả hệ thống chính trị, gắn tiết kiệm lãng phí với chống tham nhũng. Loại trừ tham nhũng lãng phí ở tất cả các khâu, nhất là trong quản lý tài sản công và tiêu dùng cá nhân.

“Hà Nội phải đi đầu trong công tác, phải nêu gương và tạo ra tác động lan tỏa”, ông Khánh nhấn mạnh.

Phó ban Nội chính Trung ương đánh giá cao sáng kiến của Hà Nội trong việc xây dựng và thực hiện Chương trình 09 trong 3 năm qua (2011-2015), do trực tiếp Bí thư Thành ủy Hà Nội làm Trưởng ban chỉ đạo chương trình, đã thể hiện quyết tâm chính trị cao của Thành uỷ trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng. Với quyết tâm chính trị của thành phố, thời gian qua đã xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật, nhanh chóng các vụ án về tham nhũng, lãng phí góp phần lấy lại lòng tin của nhân dân đối với sự nghiệp phòng chống tham nhũng.

Từ năm 2011 đến năm 2013, toàn thành phố đã giải quyết 5.775/6.505 vụ khiếu nại, tố cáo (đạt tỷ lệ 89%). Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi gần 9,8 tỷ đồng, gần 79.300 m2 đất; kiến nghị kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với 6 tập thể và 64 cá nhân thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác quản lý dẫn đến sai phạm...

Cũng giai đoạn này, Thanh tra thành phố và Thanh tra các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã đã thực hiện 819 cuộc thanh tra, kết luận được 675 cuộc. Nội dung thanh tra tập trung vào các lĩnh vực: đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng đất đai, việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư với nhà nước đối với các dự án giao đất, cho thuê đất, tài chính ngân sách...

Qua thanh tra đã phát hiện sai phạm, kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước hơn 1.002 tỷ đồng và 1.790 ha đất; kiến nghị kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với 124 tập thể và 104 cá nhân thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý dẫn đến sai phạm; kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 7 vụ có dấu hiệu tội phạm.

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Chương trình 09, tình hình tham nhũng, lãng phí trên địa bàn thành phố trong 3 năm qua vẫn diễn biến phức tạp. Các lĩnh vực, như: đầu tư cơ bản, quản lý đất đai, quản lý ngân sách nhà nước đều phát sinh tham nhũng, tội phạm về tham nhũng với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, các đối tượng có chức vụ, quyền hạn tìm mọi sơ hở trong quản lý để phạm tội.

Công tác phòng chống tham nhũng mặc dù đã được thành phố chỉ đạo sát sao, kịp thời nhưng trên thực tế lãng phí vẫn là vấn đề được dư luận quan tâm, nhiều dự án chậm triển khai gây lãng phí về nguồn lực, để hoang hóa đang gây bức xúc trong nhân dân.

Ban chỉ đạo Chương trình 09 nhận định công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua vẫn còn bộc lộ những hạn chế. Trước hết là nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, một bộ phận cán bộ, đảng viên còn chưa đầy đủ, thiếu sâu sắc phòng chống tham nhũng nên chưa xác định được quyết tâm chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác này.

Công tác quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên, công chức ở một số địa phương, đơn vị còn lỏng lẻo, số ít cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành còn thiếu gương mẫu trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, chưa đi đầu trong việc đấu tranh phòng chống tham nhũng...