Hà Nội sẽ thu hồi 47 dự án "đắp chiếu" nhiều năm
Hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội có 383 dự án chậm tiến độ với 5 lý do khác nhau
"Trên địa bàn thành phố Hà Nội có những dự án chậm tiến độ đến 17 năm. Thành phố đã nhiều lần đối thoại, tìm cách tháo gỡ vướng mắc cho các nhà đầu tư và chỉ thu hồi khi thực sự không thể tiếp tục. Do đó, thời gian tới, thành phố sẽ kiên quyết thu hồi 47 dự án "đắp chiếu" nhiều năm.
Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại phiên giải trình về tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn, do Hội đồng Nhân dân thành phố tổ chức ngày 13/8.
Hơn 380 dự án chậm triển khai
Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, tổng số dự án chậm triển khai, có dấu hiệu vi phạm trên địa bàn Hà Nội lên tới 383. Một số quận, huyện có số dự án chậm nhiều là Hoài Đức với 51 dự án; Mê Linh 50; Nam Từ Liêm 48; Hoàng Mai 25; Bắc Từ Liêm 23...
Nguyên nhân dẫn đến các dự án chậm triển khai, theo Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Nguyễn Trọng Đông là do thay đổi chính sách đất đai; điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch phân khu; thị trường bất động sản trầm lắng; chủ đầu tư không quyết liệt; quy định không xây dựng nhà cao tầng trong nội đô... Các chủ đầu tư dự án vi phạm đều được công khai và không cấp dự án mới.
Tuy nhiên, theo Trưởng ban Pháp chế Hội đồng Nhân dân thành phố Nguyễn Hoài Nam, dự án của Tập đoàn Tân Hoàng Minh tại 94 Lò Đúc đã chậm khoản 10 năm. Với dự án tại 22-24 Hàng Bài, ông từng chất vấn và Chủ tịch thành phố nói là đã xin điều chỉnh xây khách sạn, nhưng đến bây giờ vẫn án binh bất động. Dự án của Tập đoàn T&T tại khu vực Lý Thường Kiệt; dự án tại 19 Hàng Khoai của Hapro cũng chậm 10 năm nay…
Lý do được ông Nam đưa ra là có thể do cơ quan quản lý chưa làm tròn trách nhiệm, có tình trạng nể nang chủ đầu tư…
Phải quyết tâm thu hồi dự án "đắp chiếu"
Giải trình một số nội dung liên quan, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, hiện thành phố có 47 dự án đã chậm triển khai quá lâu, đã đủ điều kiện để thu hồi.
Đây là các dự án đã được thành phố rà soát rất kỹ lưỡng giai đoạn đầu năm 2018. Trong quá trình rà soát, thành phố cũng đã mời chủ đầu tư lên làm rõ những nguyên nhân chậm tiến độ. Với dự án, có thể tháo gỡ được thì thành phố tiếp tục cho họ đầu tư. Với những nhà đầu tư không thể tháo gỡ được thì Hà Nội cương quyết thu hồi.
Đơn cử như 22 dự án xây dựng văn phòng, nhà ở trong khu đô thị Cầu Giấy bị chậm tiến độ, ông Chung cho biết, thành phố đã đối thoại với chủ đầu tư tới 8 lần, để xem họ còn vốn để xây dựng hay không.
"Thành phố cho gia hạn đến 30/8, nếu các nhà đầu tư trả lời không còn vốn, chúng tôi sẽ thu hồi 22 dự án", ông Chung khẳng định.
Về dự án ở 94 Lò Đúc, ông Chung cho biết, đã mời chủ đầu tư lên làm việc. Vừa qua, thành phố cũng đã yêu cầu điều chỉnh 2 trường học trong khu đất này trước đây nằm ở 2 vị trí khác nhau về một khu, để trường được rộng thêm. Đến nay chủ đầu tư cũng đã hoàn thiện và cam kết trong thời gian tới sẽ đầu tư.
Với dự án làm văn phòng, khách sạn ở đầu Lý Thường Kiệt – Hàng Bài, ông Chung cho biết, thời gian tới Tập đoàn T&T sẽ thực hiện.
Còn dự án ở 22-24 Hàng Bài, ông Chung cho biết, trước đây chủ đầu tư xin làm căn hộ cao cấp nhưng thời gian qua họ đề xuất chuyển sang xây dựng khách sạn.
"Chúng ta đang thiếu khách sạn, nên thành phố cũng ủng hộ chủ trương này. Hiện chủ đầu tư đang hoàn thiện thiết kế. Thành phố cũng sẽ sớm thẩm định hồ sơ để chủ đầu tư sớm thi công công trình này", ông Chung thông tin.
Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, hiện nay trên địa bàn thành phố có 383 dự án chậm tiến độ với 5 lý do khác nhau như: giải phóng mặt bằng, quy hoạch, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính.
Theo bà Ngọc, việc chậm tiến độ trên cũng có nguyên nhân quản lý nhà nước như các đơn vị liên quan chưa làm hết trách nhiệm của mình để tham mưu cho thành phố trong việc quản lý cũng như tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
"Các đồng chí báo cáo 161 dự án, nhưng khi các quận huyện thống kê lên và Hội đồng nhân dân thống kê từng quận huyện một thì lại lên đến 383 dự án chậm triển khai và có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai. Điều đó cho thấy cơ quan tham mưu chưa làm hết trách nhiệm, còn né tránh", bà Ngọc nói.
Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội cũng nhấn mạnh phải kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ vi phạm Luật Đất đai trong thời gian kéo dài, nhất là các dự án đã được kiến nghị thu hồi từ các năm trước.