Hãng dệt 52 người làm gì để hút loạt thương hiệu xa xỉ thế giới?
Có quy mô chỉ 52 nhân viên nhưng hãng dệt Daiichi Orimono của Nhật sở hữu danh sách khách hàng là các hãng thời trang xa xỉ hàng đầu
Chỉ với 52 nhân viên và vốn khoảng 20 triệu Yên (180.000 USD), hãng sản xuất vải Nhật Bản Daiichi Orimono có quy mô khá nhỏ nhưng lại sở hữu danh sách khách hàng lớn gồm những thương hiệu thời trang xa xỉ hàng đầu thế giới như Louis Vuitton của Pháp hay Moncler của Italy.
Theo tờ Nikkei, hầu như mỗi ngày, đại diện đến từ các thương hiệu cao cấp đều
tới nhà máy của Daiichi Orimono ở Fukui, tỉnh Fukui, nằm ở phía bắc Kyoto, Nhật
Bản để bàn chuyện kinh doanh và xem những
mẫu hàng, giá cả mới nhất của công này.
Daiichi Orimono nổi lên như một hiện tượng lạ thường khi sống
sót qua cơn khủng hoảng của ngành dệt may của Nhật Bản và xây dựng vị trí vững
trãi trên thị trường may mặc toàn cầu.
Đi từ chất lượng và cảm xúc
Sản phẩm chính của Daiichi Orimono là loại vải polyester tổng hợp dày, siêu bền và không thấm nước. Chất lượng đỉnh cao là yếu tố giúp công ty thu hút những khách hàng cao cấp. Tuy nhiên, theo ông Ryuji Yoshioka, Chủ tịch của Daiichi Orimono, điều khiến các nhãn hàng thời trang xa xỉ thích nhất là cảm giác qua mỗi lần chạm của loại vải do công ty sản xuất.
Một trong những loại vải bán chạy nhất của Daiichi Orimono là polyester 100% nhưng có vẻ ngoài và cảm giác như vải lanh. Một sản phẩm bán chạy nữa là polyester nhưng lại có cảm giác như bông.
Quá trình dệt vải của Daiichi Orimono cần đến những thợ thủ công lành nghề. Mỗi loại vải có quy trình dệt khác nhau và được điều chỉnh bằng tay để có lực dệt phù hợp nhất.
Thậm chí khi những sản phẩm mới sản xuất không bán tốt, công ty vẫn tiếp tục trữ tồn kho bởi kinh nghiệm lâu năm cho họ biết thời trang có xu hướng quay vòng và những sản phẩm này sẽ sớm trở thành vật liệu các hãng thời trang săn đón.
35 năm trước, Yoshioka tiếp quản công ty từ cha. Khi đó, Daiichi Orimono mới chỉ là nhà thầu phụ cho hãng dệt khổng lồ Teijin.
Tỉnh Fukui là một trong những trung tâm sản xuất vải lớn nhất tại Nhật Bản. Các công ty tại đây phải cạnh tranh gay gắt với các đối thủ Trung Quốc với nhiều sản phẩm có chất lượng được cải tiến nhanh chóng. Để khác biệt so với các đối thủ, Daiichi Orimono cùng nhiều hãng dệt của Nhật tập trung vào tính năng của sản phẩm. Với họ, sống sót đồng nghĩa với việc mở rộng ứng dụng sản phẩm vào nhiều lĩnh vực như hàng thể thao, vật liệu công nghiệp, chứ không chỉ quần áo thời trang.
Bán hàng tới tận tay khách hàng
Ngoài sản phẩm, điều khiến Daiichi Orimono trở nên khác biệt là bán sản phẩm trực tiếp tới tay khách hàng ở nước ngoài – đối tượng chiếm khoảng 70% doanh thu của công ty. Trong khi đó, đa số các công ty có cùng quy mô với Daiichi Orimono thường ủy thác cho một đơn vị trung gian bán sản phẩm của họ ở nước ngoài.
Khi nhận thấy thị trường dệt may Nhật Bản có xu hướng đi xuống, Yoshioka đã chuyển sang phát triển thị trường ở châu Âu và nhiều nơi khác. Tuy nhiên, “khi đó thị trường vải sợi tổng hợp dùng trong thời trang gần như không tồn tại”, Yoshioka nói. Khi ông ngỏ lời muốn các đơn vị trung gian bán sản phẩm của công ty ở nước ngoài, họ đã từ chối bởi cho rằng chúng “quá đắt”.
Không nản lòng, Yoshioka đã tới Hàn Quốc và châu Âu và tự mình thương thảo với các hãng thời trang và công ty phân phối vải tại đây. Việc này đã đặt nền móng cho mạng lưới bán hàng ở nước ngoài của Daiichi Orimono.
“Khi đó, không có công ty nào ở Fukui làm như vậy cả”, Yoshioka nhớ lại. “Họ cứ nghĩ tôi đang đi du lịch”.
Chính thời điểm ông đang xây dựng mạng lưới ở nước ngoài, các hãng thời trang cao cấp bắt đầu để mắt tới loại vải tổng hợp vốn chỉ được dùng trong sản phẩm thể thao và đồ dùng ngoài trời. Ngày nay, các khách hàng gọi tới Daiichi Orimono tới tấp do nhu cầu loại vải tổng hợp siêu nhẹ ngày càng lớn.
Các công ty Nhật từng từ chối sản phẩm của Daiichi Orimono vì chê đắt giờ đây thường xuyên lui tới nhà máy của công ty ở Fukui, Yoshioka cho biết.
Kể từ năm 2014, Daiichi Orimono là công ty đi đầu trong việc phát triển các loại vải và mở ra các thị trường mới bằng việc hợp tác với các doanh nghiệp vải trong khu vực Hokuriku của tỉnh Fukui và mang loại vải thương "made in Hokuriku" (sản xuất tại Hokuriku) ra khắp thế giới.