09:29 02/09/2016

Hàng loạt chỉ đạo của Thủ tướng tới bộ ngành đã quá hạn thực hiện

Nguyên Hà

Trong số 3.726 nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao từ đầu năm, các bộ ngành địa phương mới thực hiện chưa được một nửa

Bộ Kế hoạch và Đầu tư là một trong những bộ ngành có khối lượng công việc Chính phủ giao chưa hoàn thành nhiều nhất.<br>
Bộ Kế hoạch và Đầu tư là một trong những bộ ngành có khối lượng công việc Chính phủ giao chưa hoàn thành nhiều nhất.<br>
Tổ công tác của Thủ tướng vừa có báo cáo kết quả bước đầu thực hiện các nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan, địa phương 8 tháng đầu năm 2016 và kết quả kiểm tra tại 2 bộ.

Theo thống kê của Tổ công tác, tính từ đầu năm tới ngày hết tháng 8/2016, có tổng số 3.726 nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan, địa phương. Trong đó có 1.739 nhiệm vụ đã hoàn thành (đúng hạn 1.310, quá hạn 429); chưa hoàn thành 1.987 (trong hạn 1.812, quá hạn 175).

Một số bộ, cơ quan, địa phương lớn và quan trọng lại có nhiều nhiệm vụ quá hạn chưa thực hiện, như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ; các UBND Tp.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng…

Đặc biệt, theo chỉ đạo của Thủ tướng, trong các ngày 25, 26/8, Tổ công tác đã kiểm tra tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.

Tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số nhiệm vụ chưa hoàn thành quá hạn còn nhiều. Từ ngày 1/1/2016 đến 22/8/2016, tổng số nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao là 241 nhiệm vụ. Trong số 87 nhiệm vụ đến hạn phải thực hiện có 73 nhiệm vụ đã hoàn thành, còn 14 nhiệm vụ đã quá hạn chưa thực hiện. Ngay trong số 73 nhiệm vụ đã hoàn thành có tới 63 nhiệm vụ hoàn thành quá hạn (chiếm 86,3%).

Với Bộ Tài chính, kiểm tra cho thấy Bộ đã triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao khá tốt. Tổng số nhiệm vụ được giao là 170. Trong số 100 nhiệm vụ đến hạn phải thực hiện có 95 nhiệm vụ đã hoàn thành, còn 5 nhiệm vụ chưa thực hiện.

Đáng chú ý, qua kiểm tra, Tổ công tác đã phát hiện một số tồn tại các các bộ quan trọng này.

Cụ thể, đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư là việc để tồn đọng, quá hạn việc phê duyệt giải ngân các chương trình quan trọng. Một số nhiệm vụ cấp bách như khoản 2.000 tỷ đồng bố trí cho các dự án thủy lợi cấp bách phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn cũng bị bộ “găm” lại.

Cùng với đó, vẫn còn tư tưởng co kéo thẩm quyền về Bộ, cơ chế xin cho do không thực hiện mạnh việc phân cấp trong quản lý vốn đầu tư công.
 
Đối với Bộ Tài chính, dù tỷ lệ công việc quá hạn không quá nhiều, nhưng vẫn tình trạng lãnh đạo địa phương lên “xin” giao dự toán thấp để có phần vượt thu cao so với dự toán. Một số thủ tục về thuế, hải quan vẫn gây phiền hà cho doanh nghiệp, người dân.