22:00 01/01/2013

Hàng tỷ USD học phí đang chảy đi hàng năm

Hoài Ngân

Người Việt đang chi hàng tỷ USD mỗi năm cho chuyện học hành của con cái ở nước ngoài

Bình quân một suất học tập ở nước ngoài phải chi phí tối thiểu 10.000 - 15.000 USD/năm.
Bình quân một suất học tập ở nước ngoài phải chi phí tối thiểu 10.000 - 15.000 USD/năm.
Ông Nguyễn Trường Giang - Phó vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính, cho biết, mỗi năm người dân chuyển hàng tỷ USD ra nước ngoài cho con em học tập.

Theo số liệu thống kê học sinh Việt Nam đang học tập ở nước ngoài của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2010 - 2011 có 98.536 học sinh, sinh viên đi học tập ở nước ngoài; năm học 2011 - 2012 con số này đã tăng lên 106.104 người.

Bình quân một suất học tập ở nước ngoài phải chi phí tối thiểu 10.000 - 15.000 USD/năm. Nhân con số này với số người đang học tập ở nước ngoài sẽ thấy mỗi năm, Việt Nam phải chuyển ra nước ngoài ít nhất 1 - 1,5 tỷ USD. Tuy nhiên, đấy mới chỉ là cách tính trung bình, chi phí thực có thể còn cao hơn.

Ông Giang cho biết, để khuyến khích học sinh, sinh viên học tập ở trong nước thay vì ra nước ngoài, không còn cách gì khác là các cơ sở đào tạo phải nâng cao chất lượng.

Chất lượng đào tạo của Việt Nam chỉ cần tương đương các nước trong khu vực cũng sẽ giảm đáng kể lượng người ra nước ngoài học tập bởi trong số hơn 106.000 người ra nước ngoài học tập trong năm học 2011-2012 đã có 35.900 người đang theo học tại các nước châu Á.

Dòng chảy này không nằm ngoài sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, cho đến nay, mới chỉ có một vài trường đại học quốc tế tại Việt Nam, tiêu biểu là trường hợp của Đại học Hoàng gia Úc (RMIT) hay gần đây là Đại học quốc tế Anh quốc.

Tháng 9/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định 73/2012/NĐ-CP ngày 26/9/2012 quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, trong đó có quy định chi tiết về điều kiện mở trường đại học quốc tế tại Việt Nam.

Về điều kiện tài chính, nghị định này quy định rằng “Dự án đầu tư thành lập cơ sở giáo dục đại học phải có suất đầu tư ít nhất là 150 triệu đồng/sinh viên (không bao gồm các chi phí sử dụng đất). Tổng số vốn đầu tư ít nhất được tính toán căn cứ thời điểm có dự kiến quy mô đào tạo cao nhất, nhưng không thấp hơn 300 tỷ đồng”.

Nghị định cũng quy định Thủ tướng Chính phủ được quyết định cho phép thành lập trường đại học có vốn đầu tư nước ngoài và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo được quyết định cho phép thành lập trường cao đẳng có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được quyết định cho phép thành lập trường cao đẳng nghề có vốn đầu tư nước ngoài.