Hành trình gây dựng Telegram của CEO Pavel Durov trước khi bị bắt
Telegram đã trở thành một trong những nền tảng truyền thông xã hội hàng đầu, xếp hạng cao ngang hàng với nhiều gã khổng lồ như Facebook, YouTube, WhatsApp, Instagram, TikTok và WeChat...
Pavel Durov, nhà sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành ứng dụng nhắn tin Telegram, mới đây đã bị bắt sau khi đáp chuyến bay tới sân bay Le Bourget thuộc vùng ngoại ô Paris, theo Euronews.
Nguồn tin thân cận khẳng định thời gian giam giữ ban đầu phục vụ thẩm vấn có thể kéo dài tối đa 96 giờ. Khi giai đoạn này kết thúc, thẩm phán sẽ quyết định trả tự do cho bị cáo hoặc truy tố và giam giữ thêm.
Cuộc điều tra tập trung vào quy trình thiếu kiểm duyệt của Telegram, cáo buộc hãng cho phép hoạt động tội phạm, chẳng hạn như buôn bán ma túy và ấu dâm, diễn ra tự do trên ứng dụng. Các nhà điều tra Pháp cho biết lệnh bắt giữ CEO Durov như một phần của cuộc điều tra lớn hơn về các hành vi gian lận, buôn bán ma túy, tội phạm có tổ chức, thúc đẩy khủng bố và bắt nạt trên mạng.
HÀNH TRÌNH CỦA TELEGRAM
Ông Durov rời Nga vào năm 2014 sau nhiều bất đồng quan điểm với đồng sở hữu khi điều hành mạng xã hội VK mà ông thành lập khi mới 22 tuổi. Vị CEO sau đó dành toàn bộ tâm huyết cho Telegram, ứng dụng mà ông sáng lập cùng anh trai Nikolai vào năm 2013.
Ban đầu, Telegram hoạt động tương tự như đa số ứng dụng nhắn tin khác, nhưng sau đó đã tách ra và trở thành mạng xã hội đúng nghĩa. Người dùng Telegram có thể tham gia hội nhóm lên đến 200.000 thành viên cũng như tạo “kênh phát sóng” để những tài khoản khác theo dõi và bình luận.
Với 950 triệu người dùng hoạt động hàng tháng, Telegram đang dần trở thành trang thông tin không chính thống về nhiều vấn đề nóng hổi trên toàn thế giới.
Hiện CEO Durov đang sở hữu cả quốc tịch Pháp và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) nhưng chủ yếu sinh sống tại Dubai, nơi Telegram đặt trụ sở. Trước đó, vị Giám đốc đã cố gắng định cư tại Berlin, London, Singapore và San Francisco trước khi chọn Dubai, vùng đất thường được ca ngợi là môi trường kinh doanh thuận lợi và "trung lập".
Tại UAE, Telegram không chịu nhiều áp lực trong khâu kiểm duyệt nội dung, trong khi Chính phủ các nước phương Tây ra sức trấn áp nội dung kích động thù địch, thông tin sai lệch, chia sẻ hình ảnh lạm dụng trẻ em và hàng loạt nội dung bất hợp pháp khác.
Telegram cung cấp dịch vụ nhắn tin mã hóa đầu cuối và cho phép người dùng tạo kênh nhằm chia sẻ thông tin đến những người theo dõi. Hình thức mã hóa đầu cuối đã biến Telegram thành “thiên đường” cho những kẻ cực đoan và toan tính thuyết âm mưu. Ví dụ, ứng dụng bị nhóm thành phần kích động sử dụng rộng rãi để lên kế hoạch biểu tình chống nhập cư tại Vương quốc Anh và Bắc Ireland sau vụ tấn công khiến ba trẻ em bị thương tại một lớp học khiêu vũ ở Southport vào tháng trước.
Nhóm chiến dịch chống phân biệt chủng tộc Hope Not Hate kết luận Telegram đã trở thành "ứng dụng được những kẻ phân biệt chủng tộc và có xu hướng bạo lực lựa chọn" và "chứa nội dung bài trừ Do Thái" với rất ít hoạt động kiểm duyệt hoặc nỗ lực từ chủ sở hữu nhằm hạn chế nội dung cực đoan.
Viết trên X sau vụ việc bắt giữ, nhà bình luận chính trị người Mỹ Tucker Carlson mô tả trường hợp của CEO Durov là “lời cảnh báo rõ rệt cho bất kỳ chủ sở hữu nền tảng nào từ chối kiểm duyệt thông tin chặt chẽ”.
Nhìn lại cuộc phỏng vấn với bình luận viên Carlson đầu năm nay, ông Durov cho biết Telegram sẽ được định hướng là "nền tảng trung lập" chứ không phải "một nhân tố địa chính trị". Rõ ràng, người dùng "yêu thích sự độc lập" của ứng dụng. "Người dùng yêu thích sự riêng tư, tự do, có rất nhiều lý do khiến ai đó chuyển sang sử dụng Telegram", ông Durov chia sẻ thêm.
TÁC ĐỘNG ĐẾN THỊ TRƯỜNG INTERNET
Telegram đã trở thành một trong những nền tảng truyền thông xã hội hàng đầu, xếp hạng cao ngang hàng với nhiều gã khổng lồ như Facebook, YouTube, WhatsApp, Instagram, TikTok và WeChat.
Ảnh hưởng của ứng dụng đặc biệt nổi bật ở Nga, Ukraine và một số quốc gia thuộc Liên Xô cũ. Tuy nhiên, ứng dụng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu từ Liên minh châu Âu, dẫn đến việc bị tạm thời đình chỉ ở một số quốc gia thành viên, chẳng hạn như Tây Ban Nha.
Telegram từng đối mặt với nhiều lời chỉ trích vì cách tiếp cận kiểm duyệt tương đối lỏng lẻo, tạo điều kiện cho các hoạt động bất hợp pháp.
Vụ việc không chỉ tác động sâu sắc đến phần lớn nền tảng truyền thông xã hội và nhắn tin trên toàn thế giới mà còn có khả năng ảnh hưởng đến chính sách kiểm duyệt nội dung trong tương lai cũng như cách thức hoạt động của các nền tảng tại khu vực pháp lý khác nhau.
ĐẠI DIỆN TELEGRAM LÊN TIẾNG
"Telegram tuân thủ luật pháp EU, bao gồm Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số. Hoạt động kiểm duyệt của chúng tôi tuân thủ tiêu chuẩn ngành và liên tục được cải thiện", Telegram cho biết trong tuyên bố ngay sau vụ bắt giữ.
"Tổng Giám đốc Điều hành Telegram, ông Pavel Durov, không có gì phải che giấu và thường xuyên đi công tác ở châu Âu", đại diện phát ngôn cho biết. "Thật vô lý khi cho rằng một nền tảng hoặc chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm cho việc người dùng lạm dụng nền tảng để thực hiện mục đích xấu".
"Chúng tôi đang chờ đợi một giải pháp nhanh chóng cho tình hình này. Telegram luôn sát cánh cùng tất cả người dùng", Telegram nhấn mạnh.
Bộ Nội vụ Pháp, cảnh sát và văn phòng công tố Paris không đưa ra bình luận nào.