18:41 31/05/2009

“Hiến kế” chặn nguy cơ tái lạm phát

Lê Châu

Lạm phát đang là nguy cơ ở phía trước, khi hàng chục ngàn tỷ đồng đầu tư công đang chờ giải ngân sẽ đổ vào lưu thông

Gói kích cầu sẽ phản tác dụng nếu chúng ta chi tiêu không hiệu quả và rất dễ gây ra lạm phát - Tranh minh họa.
Gói kích cầu sẽ phản tác dụng nếu chúng ta chi tiêu không hiệu quả và rất dễ gây ra lạm phát - Tranh minh họa.
Lạm phát đang là nguy cơ ở phía trước, khi hàng chục ngàn tỷ đồng đầu tư công đang chờ giải ngân sẽ đổ vào lưu thông.

Trong khi đó, giá cả một số mặt hàng thiết yếu như xăng đã tăng, tăng trưởng tín dụng cũng đã có biểu hiện tăng và còn có thể lên nữa khi thực hiện hỗ trợ lãi suất qua vốn vay nhiều hơn trong thời gian tới. Trên thế giới, giá dầu đang tăng trở lại và có thể sẽ kéo theo một loạt giá cả hàng hóa khác biến động theo, tạo nên mặt bằng giá mới...

Nguy cơ tái lạm phát lần này còn đáng ngại hơn cả tình thế năm 2008, vì thời điểm đó dù tăng giá nhưng GDP vẫn tăng trưởng khá, trên 6%. Dù còn nhiều tranh cãi về khả năng trở lại của lạm phát sẽ ra sao, nhưng các ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà quản lý đều tập trung “hiến kế” để tránh rơi vào tình trạng này.

Chính phủ không chủ quan

(Ông Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Bộ Tài chính)

"Chính phủ chưa bao giờ chủ quan trong điều hành. Giờ đây, khi kích cầu, phải đối mặt với nguy cơ lạm phát có thể quay trở lại thì tinh thần của chúng ta cũng vậy. Chúng ta mới thực hiện kích cầu trong thời gian ngắn nhưng đã có biểu hiện tác động tốt. Gói kích cầu đã giải quyết khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ cho doanh nghiệp mạnh phát triển lên, làm đầu tầu thúc đẩy nền kinh tế.

Nhưng, gói kích cầu sẽ phản tác dụng nếu chúng ta chi tiêu không hiệu quả và rất dễ gây ra lạm phát. Hiện nay, hạ tầng của chúng ta đang rất yếu kém và bất cập, nếu đầu tư vào lĩnh vực này hiệu quả thì sẽ thúc đẩy tăng trưởng, lập lại được cân đối vĩ mô và có thể kiểm soát được lạm phát. Chính vì thế, Chính phủ đặt ra mục tiêu vừa ngăn chặn suy giảm kinh tế, bảo đảm tăng trưởng và phòng ngừa lạm phát.

Tính chất của gói kích cầu là không phải chỉ giải quyết những vấn đề trước mắt mà trong đó Chính phủ đã mở rộng ra giải quyết cho vấn đề dài hạn. Ví dụ, trước đây chỉ hỗ trợ cho vay vốn lưu động thì sau đó mở ra cho vay cả những dự án đầu tư. Chính những dự án đầu tư là cơ hội, điều kiện cho các doanh nghiệp tái cơ cấu, nâng cao sức cạnh tranh của mình trong thời gian dài hạn. Tầm nhìn của Chính phủ đã vượt xa hơn việc khôi phục, duy trì tăng trưởng kinh tế mà đã tính đến một phương án dài hơi hơn là cơ cấu lại nền kinh tế.

Khó khăn thách thức trong những tháng còn lại của năm 2009 là rất lớn, đòi hỏi phải luôn theo sát tình hình, chủ động ngăn ngừa lạm phát. Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ luôn theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường thế giới và trong nước, nhất là diễn biến giá cả các mặt hàng quan trọng (dầu thô, xăng dầu tinh chế, sắt thép...).

Thực hiện nhất quán việc điều chỉnh giá phù hợp với nguyên tắc thị trường đối với các loại hàng hoá và dịch vụ Nhà nước còn định giá (điện, than, nước sạch cho sinh hoạt,...) theo lộ trình đã đề ra, đảm bảo hài hoà giữa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và các đối tượng thụ hưởng".

Tiêu tiền chậm sẽ là hiểm họa!

(Ông Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội)

"Tiền đầu tư cũng như tiền hỗ trợ cho các đối tượng chính sách, các doanh nghiệp phải được giải phóng nhanh nhất để kịp thời giúp các đối tượng này tháo gỡ khó khăn. Mặt khác, do số tiền cung ứng đưa vào lưu thông rất lớn, nếu triển khai chậm và không có giới hạn về thời gian thì khi kinh tế phục hồi sẽ là một tiềm ẩn gây lạm phát cao.

Các gói kích thích kinh tế phải bảo đảm nguyên tắc ngắn hạn và cần phải định khung thời gian cho các hạng mục chi trong gói kích thích kinh tế trên cơ sở phân tích dự báo khả năng phục hồi của nền kinh tế và đánh giá tiến độ giải ngân của các hạng mục chi này".

Phải làm rõ trọng tâm của gói kích cầu

(Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng)

"Nếu đặt những con số trong báo cáo của Chính phủ trong cả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010 thì chúng ta sẽ bình tĩnh hơn trong việc đánh giá thực chất của nền kinh tế và quyết định có nên tiếp tục thực hiện các giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế như hiện nay hay không.

Lo ngại lớn nhất chính là hiệu quả thực hiện gói kích cầu vì số tiền quá lớn, chiếm đến gần 10% GDP nếu không được sử dụng hiệu quả sẽ tạo áp lực rất lớn đối với nền kinh tế trong giai đoạn tiếp theo, mà lạm phát là một nguy cơ khó tránh.

Chúng ta cần tập trung xác định rõ nền kinh tế nước ta đang đứng ở đâu trong chuỗi khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Theo báo cáo của Chính phủ thì suy thoái kinh tế của nước ta đã đến đáy. Và như vậy, mô hình phát triển của nền kinh tế sẽ là mô hình chữ V, tháng 3.2009 khủng hoảng xuống đến đáy và bật lên ngay.

Quý 1, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta là 3,1%, nếu cả năm là 5% thì cuối năm sẽ là 7-7,5%, tức là tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ trở lại với mức tăng trưởng trước khủng hoảng, cũng có nghĩa là đến cuối năm nay, kinh tế nước ta sẽ phục hồi.

Hiện nay Chính phủ đang điều hành vĩ mô bằng hai chân: vừa ngăn chặn suy thoái, phát triển bền vững vừa bảo đảm an sinh xã hội. Nếu nhìn vào tổng chi ngân sách cho các gói kích cầu thì an sinh xã hội đã được đầu tư khoảng 16.700 tỷ đồng.

So với gói 17.000 tỷ hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp là gần tương đương nhau nhưng phương thức sử dụng nguồn tiền đó thì chưa ổn. Vì thế, cần phải xác định rõ trọng tâm gói kích cầu là nhằm vào hỗ trợ nông dân, hỗ trợ sản phẩm hay là hỗ trợ doanh nghiệp?

Chính sách hình quả mít, tức là cái gì cũng có nhưng không rõ trọng tâm, trọng điểm sẽ làm hạn chế hiệu quả của gói kích cầu. Nếu làm rõ được điều này, tôi tin rằng Quốc hội và Chính phủ sẽ thống nhất được cần phải làm gì trong giai đoạn phát triển tiếp theo và nền kinh tế chắc chắn sẽ không thể vừa trì trệ, vừa rơi vào tình trạng tái lạm phát".

Sẽ “thoát nạn” nếu điều hành sát, đúng, trúng

(Ông Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia)

"Khả năng lạm phát tại thời điểm này thì chưa, vì chúng ta đang tập trung chống suy giảm kinh tế. Mọi mục tiêu đều để kích cho sản xuất, tiêu dùng để vực nền kinh tế lên. Nhưng nguy cơ lạm phát thì có nếu những số tiền kích cầu chúng ta giải ngân không đúng, không đủ hoặc không sát địa chỉ. Khi gói kích cầu đi qua, bội chi ngân sách cao, nợ xấu tăng lên, lạm phát trở lại.

Nếu Chính phủ chỉ đạo sát, đúng, trúng và kiểm tra, kiểm soát, thường xuyên xử lý những vấn đề nảy sinh; có những biện pháp che chắn, chủ động ngay từ bây giờ (ví dụ đưa tiền ra thì phải rút tiền về khi đưa kích cầu ra thì phải tạo khả năng mua)... thì có thể kích cầu thành công và chặn được lạm phát trở lại.

Còn một vấn đề khác đặt ra đối với nguy cơ tái lạm phát là ngoài việc kìm chỉ số CPI dưới 10% thì có thêm những giải pháp hỗ trợ nào khác? Theo tôi, việc phát hành trái phiếu của Chính phủ cũng là một giải pháp hay, vừa có thêm tiền để kích cầu, vừa giải quyết rất tốt vấn đề lạm phát. Việc phát hành thêm trái phiếu Chính phủ, nếu được triển khai tốt là làm lợi cho dân.

Bởi, hiện nay, nguồn vốn trong nhân dân còn rất nhiều do người dân chưa dám tiêu hoặc chưa mạnh dạn đầu tư cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Lúc này, Nhà nước đứng ra huy động, tiêu hộ dân và trả lãi cho họ bằng cách huy động trái phiếu Chính phủ là hợp lý. Nguồn tiền nhàn rỗi này sẽ được hút về và đẩy ra phục vụ cho hoạt động tăng trưởng kinh tế. Biện pháp này vừa góp phần chống suy giảm kinh tế vừa giải quyết rất tốt vấn đề chống lạm phát".

Cần tỉnh táo trước độ trễ của chính sách

(Bà Phạm Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc Tập đoàn Việt Á)

"Trong tình hình hiện nay, nguy cơ lạm phát đang tới rất gần khi kích cầu và bội chi quá cao. Chính phủ đề nghị tăng mức bội chi ngân sách lên 8% trong khi những năm trước chỉ ở mức 5% và dưới 5%. Mặt khác nếu tính cả trái phiếu Chính phủ vào bội chi ngân sách thì thực tế bội chi ngân sách dự kiến sẽ tăng trên 10%. Như vậy nguy cơ tái lạm phát là việc nhãn tiền và đồng tiền Việt Nam sẽ mất giá.

Tôi đề nghị xem lại mức bội chi này. Chúng ta chỉ nên ở mức tối đa 7% bao gồm cả trái phiếu Chính phủ. Chính phủ nên xem xét giảm bớt một số khoản chi tiêu không cấp bách, tăng cường thúc đẩy một số khoản thu và xem lại những miễn, giảm cho một số đối tượng chưa cần thiết. Không nên để bội chi ngân sách quá 6%, cần cân đối nguồn thu và chi, nếu không sẽ dẫn tới hệ lụy trong tương lai như nguy cơ lạm phát tăng cao.

Cùng đó, kích cầu là rất cần thiết nhưng phải có sự phối hợp giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và chính sách ưu đãi, chứ không thể nước khác kích cầu thì chúng ta cũng kích cầu tương tự. Chính phủ đã đề ra 5 giải pháp chống suy giảm kinh tế. Một trong những giải pháp quan trọng nhất là chính sách tài chính tiền tệ để kích cầu đầu tư, tiêu dùng. Một lượng tiền lớn sẽ được đưa vào doanh nghiệp, người dân để chi tiêu và đầu tư. Đó chính là một trong những nguyên nhân hết sức quan trọng khiến lạm phát  có nguy cơ quay trở lại.

Có ba nguyên nhân gây ra lạm phát là tổng cầu tăng, chi phí đẩy tức là chi phí đầu vào lớn và nguồn tiền trong lưu thông quá lớn. Trong 3 nguyên nhân thì nguyên nhân tiền tệ là lớn nhất. Việc kích cầu bằng gói thứ nhất 17.000 tỷ đã bắt đầu ngấm vào doanh nghiệp. Các gói kích cầu khác như cho vay hỗ trợ lãi suất trung và dài hạn bắt đầu triển khai, đầu tư công sẽ rất mạnh trong những tháng tiếp theo. Do chính sách có độ trễ nên lượng tiền tung ra cho nền kinh tế những tháng tiếp theo sẽ lớn hơn và cần hết sức tỉnh táo trước trạng thái này".

Trì trệ + Lạm phát = SOS!

(Ông Trần Du Lịch, Phó đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM)

"Một số đại biểu Quốc hội có phát biểu, có nguy cơ tái lạm phát hay không? Nếu CPI năm 2009 tăng trên 10%, trong khi CPI của 5 tháng đầu năm 2009 chỉ tăng 2,12% so với tháng 12/2008, thì kinh tế Việt Nam sẽ bị xem là tái lạm phát.

Nếu không kìm được chỉ số này dưới 10%, tôi cho rằng, vấn đề khác nẩy sinh còn nghiêm trọng hơn tái lạm phát, đó là vấn đề trì-lạm của nền kinh tế. Tức là vừa trì trệ vừa lạm phát, đây là một hiện tượng cực kỳ khó trị vì nó vô hiệu hóa tất cả các công cụ, chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá.

Khái niệm “trì-lạm” được ghép của hai khái niệm “trì trệ” và “lạm phát” để chỉ một nền kinh tế diễn ra cùng lúc hai hiện tượng vừa lạm phát vừa trì trệ, mà thông thường hai hiện tượng này xảy ra ở hai thời điểm khác nhau và thường trái ngược nhau.

Nguyên nhân sâu xa xảy ra lạm phát của nền kinh tế nước ta là do cơ cấu kinh tế thiếu cạnh tranh, năng suất thấp, chi phí sản xuất cao, lệ thuộc rất lớn giá cả thị trường thế giới... nên nguy cơ lạm phát luôn luôn rình rập khi có yếu tố xúc tác. Nếu không kiểm soát chặt chẽ dòng vốn đang “bơm” vào nền kinh tế ở cả hai kênh tín dụng - ngân hàng và ngân sách, thiếu cận thận trong việc tăng giá cả các loại dịch vụ công, thiếu giải pháp hiệu quả ngăn chặn sự “lạc đường” của các nguồn vốn chảy vào đầu cơ thay vì đầu tư, thì nền kinh tế có nguy cơ tái lạm phát".