Hiện thực hoá lợi thế vùng duyên hải miền Trung
Giải pháp nào tháo gỡ rào cản về cơ chế chính sách, tạo đột phá phát triển các tỉnh Duyên hải miền Trung
Kinh tế biển có thực sự là thế mạnh hay không? miền Trung có lợi thế với các xu hướng du lịch mới không? bao giờ có doanh nghiệp tiên phong lan toả cho cả vùng?...
Đó là một số trong rất nhiều câu hỏi lớn đã được đặt ra từ ba năm trước, khi Thời báo Kinh tế Việt Nam khởi xướng tổ chức Diễn đàn Kinh tế miền Trung lần thứ nhất - tháng 8/2014.
Lúc ấy, lãnh đạo của 9 tỉnh vùng duyên hải miền Trung, trong đó có 5 địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung: Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và 4 địa phương thuộc Nam trung bộ gồm Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận và Bình Thuận đều có mặt. Họ đã lắng nghe, đã bày tỏ, đã tranh luận về những cơ hội và cả những thách thức của chính địa phương mình cũng như của cả vùng.
Hiện nay, tổng GRDP của 9 tỉnh chiếm khoảng trên 10% cả nước, hầu hết các tỉnh thành phố đều có tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ trung bình của cả nước. Nhưng, theo nhận định của TS. Trần Du Lịch, trưởng nhóm tư vấn phát triển vùng duyên hải miền Trung thì đây vẫn là vùng tương đối nghèo.
Thu nhập bình quân đầu người một tháng năm 2016 là 2,673 triệu đồng/người/tháng, bằng 87,6% của cả nước, chỉ cao hơn vùng Trung du miền núi phía Bắc (66,7%) và vùng Tây Nguyên (84,0%).
Kết quả thực hiện chương trình giảm nghèo cho thấy trên địa bàn các tỉnh duyên hải miền Trung còn gặp rất nhiều khó khăn. Ngoại trừ ba tỉnh/thành phố Đà Nẵng, Khánh Hòa và Bình Thuận hầu hết các tỉnh đều có tỷ lệ hộ nghèo vào năm 2016 đạt trên 7%. Do đặc điểm về địa hình, thủy văn, các tỉnh duyên hải miền Trung thường xuyên chịu tác động trực tiếp từ thiên tai, bị tổn thất nặng nề nhất so với các địa bàn khác của Việt Nam -theo khái quát của TS Trần Du Lịch.
Thực tế này đòi hỏi con đường phát triển bền vững không thể chỉ mãi nằm ở quyết tâm, ở chủ trương mà sẽ phải được xây bằng những viên gạch chắc chắn, dù có thể còn thô ráp.
Liên kết để phát triển bền vững- chủ trương lớn đó chắc chẳng ai nghi ngờ sự đúng đắn. Phát biểu kết thúc Diễn đàn kinh tế miền Trung lần thứ nhất năm 2014, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ (khi đó là Trưởng ban Kinh tế Trung ương - PV) từng nhấn mạnh: diễn đàn đã bàn thảo rất nhiều vấn đề, nhưng quan trọng hơn là triển khai trong thực tế thế nào.
Nhìn lại ba năm, xa hơn là sáu năm - từ khi bản cam kết phát triển vùng duyên hải miền Trung được ký kết - TS. Trần Du Lịch khẳng định các tỉnh, thành phố đều thu được lợi ích nhất định từ chương trình phát triển này.
Song, vị Trưởng nhóm tư vấn cũng đánh giá những nội dung hợp tác về kinh tế giữa các địa phương còn tương đối đơn điệu, vẫn chủ yếu thực hiện ở phạm vi nhỏ lẻ, sự vụ giữa các doanh nghiệp, các địa phương giáp ranh trong quá trình thực hiện các chương trình dự án liên quan. Các liên kết về kinh tế giữa các địa phương chưa dựa trên sự chuyên môn hóa hay phân công lao động theo chuỗi giá trị, hay nói cách khác chưa xuất phát từ yêu cầu liên kết thực tế trong điều kiện vận hành của cơ chế thị trường.
Ghi nhận từ chuyến công tác của nhóm tư vấn và Thời báo Kinh tế Việt Nam trước thềm Diễn đàn năm nay cũng cho thấy đòi hỏi chính đáng nói trên vẫn thật khó, khi lãnh đạo các tỉnh cho biết vẫn mạnh ai nấy làm, mạnh ai nấy "chạy" - chữ chạy bao gồm cả việc "xin" ngân sách và cơ chế ưu đãi thu hút đầu tư.
Còn doanh nhân - những người được coi là đang nắm giữ "linh hồn" - của nền kinh tế than phiền rằng tỉnh nào của miền Trung cũng được thiên nhiên ưu đãi, có điều kiện tuyệt vời để phát triển du lịch. Ấy thế nhưng đến tỉnh nào cũng thấy na ná như nhau, khiến du khách một đi chẳng trở lại.
Vậy nên, một diễn đàn tiếp theo với những giải pháp cụ thể hơn cho con đường phát triển kinh tế miền Trung bền vững đã nhận được sự hưởng ứng rất nhiệt tình không chỉ từ chính quyền mà còn của đông đảo doanh nhân trong vùng.
Tham dự diễn đàn còn có đại biểu đến từ các bộ, ngành, các nhà đầu tư ngoại tỉnh, sẵn sàng góp sức, chung tay.
Ba chủ đề chính của diễn đàn là giải pháp tháo gỡ rào cản về cơ chế chính sách, tạo đột phá phát triển các tỉnh Duyên hải miền Trung; giải pháp tạo sự phát triển hài hòa giữa kinh tế địa phương và liên kết vùng Duyên hải miền Trung bền vững; phát triển kinh tế tư nhân - động lực phát triển kinh tế miền Trung bền vững.
Và, một điều đặc biệt, ông Vương Đình Huệ, Phó thủ tướng Chính phủ - người điều hành Diễn đàn Kinh tế Miền trung lần thứ nhất năm 2014 - sẽ lại trực tiếp lắng nghe, trao đổi với các lãnh đạo tỉnh, các nhà đầu tư tại diễn đàn này.
"Con thuyền" miền Trung có thể ra biển lớn hay không, câu trả lời cụ thể hơn có thể sẽ đến từ những chuyên gia, nhà đầu tư tham dự diễn đàn.