06:00 09/07/2022

Hiệp hội Ngân hàng sửa điều lệ để phù hợp với các quy định của pháp luật

Thời hạn nhiệm kỳ Đại hội từ 4 năm chuyển sang 5 năm; bổ sung mô hình thường trực; thực hiện phân cấp, uỷ quyền cho Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký... là các thay đổi trong điều lệ của Hiệp hội Ngân hàng...

Toàn cảnh Đại hội bất thường Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam
Toàn cảnh Đại hội bất thường Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Ngày 8/7/2022, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) tổ chức Đại hội bất thường nhằm xem xét sửa đổi, bổ sung điều lệ. Trong đó, một nội dung quan trọng đó là là chuyển từ Đại hội nhiệm kỳ 4 năm sang Đại hội nhiệm kỳ 5 năm.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký VNBA, quy định tại Nghị định 45/NĐ-CP cho phép nhiệm kỳ của Hiệp hội là 5 năm. Mặt khác, nhiệm kỳ của tổ chức Đảng, Đoàn thể hiện nay cũng  quy định là 5 năm.

“Việc quy định nhiệm kỳ Đại hội Hiệp hội 5 năm nhằm phù hợp, đồng bộ với nhiệm kỳ tổ chức Đảng, Đoàn thể tại cơ quan thường trực. Đồng thời, tránh thay đổi nhân sự chủ chốt vào năm cuối nhiệm kỳ cũng như phù hợp với hoạt động có tính đặc thù cao của Hiệp hội Ngân hàng”, ông Hùng chia sẻ.

Ngoài ra, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng VNBA cho rằng hiện nay nhiều Hội, Hiệp hội đang quy định một Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký, trong khi VNBA là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp lớn và quan trọng trong hệ thống Hội, Hiệp hội ở Việt Nam. Vì vậy, việc cơ cấu Tổng Thư ký trong Ban lãnh đạo Hiệp hội vị trí Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký là cần thiết.

Theo đó, dự thảo Điều lệ bổ sung thêm quyền và nghĩa vụ của Tổng Thư ký cho phù hợp với quyền hạn và nghĩa vụ của Tổng Thư ký do một Phó Chủ tịch kiêm nhiệm.

Sau quá trình thảo luận, 100% đại biểu tham dự đại hội đã biểu quyết tán thành thông qua việc chỉnh sửa, bổ sung Điều lệ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và thông qua Nghị quyết với các nội dung cốt lõi.

Cụ thể, điều chỉnh thời hạn nhiệm kỳ Đại hội là 5 năm; bổ sung thêm mô hình “Thường trực Hội đồng Hiệp hội” bao gồm: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và Tổng Thư ký. Nhiệm kỳ của Thường trực Hội đồng Hiệp hội cùng với nhiệm kỳ Hội đồng Hiệp hội; bổ sung quy định “Phó Chủ tịch Hiệp hội do Hội đồng hiệp hội bầu trong số các thành viên Hội đồng. Số lượng Phó Chủ tịch do Hội đồng Hiệp hội quyết định, trong đó một Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký”.

Bổ sung quy định “Các pháp nhân, các tổ chức cơ sở (Chi hội, liên chi hội,...), đơn vị trực thuộc Hiệp hội (Câu lạc bộ chuyên môn,…) được thành lập hoặc giải thể theo quyết định của Hội đồng Hiệp hội trên cơ sở đề nghị của Tổng Thư ký, phù hợp với Điều lệ Hiệp hội và quy định của pháp luật”; Giữ nguyên nội dung về thẩm quyền thông qua báo cáo sơ kết hoạt động 6 tháng, báo cáo hoạt động năm của Hội đồng Hiệp hội; Thực hiện phân cấp, uỷ quyền cho Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký trong quan hệ đối nội và đối ngoại của Hiệp hội.

Cũng trong ngày 8/7, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng tổ chức hội nghị thường niên lần thứ hai, nhiệm kỳ 7.

Báo cáo về kết quả hoạt động năm 2021, đại diện VNBA cho biết, cơ quan này đã tham gia tổng kết thực tiễn và đóng góp ý kiến đối với trên 60 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật quan trọng (08 Luật, 11 Nghị định, 32 Thông tư và nhiều văn bản quan trọng khác) của Ngân hàng Nhà nước, các Bộ, ngành và các cơ quan, tổ chức liên quan, góp phần để các quy định đươc ban hành của cơ quan quản lý nhà nước phù hợp với tình hình thực tế, tạo thuận lợi cho các tổ chức hội viên trong quá trình thực hiện.

Cùng với việc tham gia xây dựng cơ chế chính sách, Hiệp hội Ngân hàng làm đầu mối tổ chức hoặc phối hợp với các đơn vị trong và ngoài ngành tổ chức hơn 40 cuộc họp, hội thảo, tọa đàm nhằm hoàn thiện khung khổ pháp lý cho hoạt động ngân hàng và phổ biến chính sách, pháp luật và các sản phẩm, dịch vụ mới, kinh nghiệm quốc tế cho các tổ chức hội viên.

Thêm vào đó, VNBA đã chủ động trao đổi với 16 ngân hàng thương mại (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) để vận động giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng chịu ảnh hưởng Covid-19 theo chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước. Kết quả các ngân hàng thương mại đồng thuận thực hiện giảm lãi suất cho vay, tính từ 15/7/2021 đến hết năm 2021 với số tiền 20.613 tỷ đồng đạt 103% theo kế hoạch.

Dự kiến trong thời gian tới, VNBA sẽ tếp tục theo dõi, nắm bắt khó khăn vướng mắc của các tổ chức hội viên trong việc thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội, Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu, Nghị định 31/2022/NĐ-CP và Thông tư 03/2022/TT-NHNN về cho vay hỗ trợ lãi suất; các vụ việc phát sinh tranh chấp tại Tòa án… để kịp thời đề xuất kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét tháo gỡ.

Song song, tiếp tục tham gia góp ý cơ chế chính sách liên quan đến hoạt động ngân hàng, như: Luật các Tổ chức tín dụng, Luật Giao dịch điện tử, Luật Phòng chống rửa tiền, Luật xử lý nợ xấu, Nghị định về định danh và xác thực điện tử, Nghị định về đăng ký biện pháp đảm bảo; Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án dân sự đối với các bản án kinh doanh thương mại” của Bộ Tư pháp; Thông tư 39/2016/TT-NHNN…