08:36 11/05/2009

Hoa Kỳ vẫn là thị trường lớn nhất của dệt may Việt Nam

Hồng Thoan

Trong 4 tháng đầu năm 2009, Việt Nam là một trong bốn nước trên thế giới xuất khẩu dệt may tăng trưởng dương

Bên cạnh xuất khẩu, hàng dệt may Việt Nam cũng đang tiêu thụ tốt ở thị trường trong nước - Ảnh: Việt Tuấn.
Bên cạnh xuất khẩu, hàng dệt may Việt Nam cũng đang tiêu thụ tốt ở thị trường trong nước - Ảnh: Việt Tuấn.
Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, mặc dù có giảm song hàng dệt may của Việt Nam vẫn chiếm khoảng 5% tổng nhập khẩu hàng dệt may của Hoa Kỳ.

Theo ông Nguyễn Sơn, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), đây vẫn là mức lý tưởng so với nhiều nước khác.

Ông đánh giá thế nào về vai trò của thị trường Hoa Kỳ đối với xuất khẩu dệt may Việt Nam trong bối cảnh khủng hoảng và suy thoái kinh tế hiện nay?

Trong giai đoạn suy thoái kinh tế hiện nay, rõ ràng tiêu dùng của Hoa Kỳ và nhiều nước khác đang bị suy giảm, nhưng tất nhiên giảm đến một mức độ nào đó thì nó sẽ phục hồi.

Đối với xuất khẩu của Việt Nam nói chung, Hoa Kỳ vẫn là một thị trường lớn, đặc biệt, đối với xuất khẩu dệt may, đó là thị trường số 1. Việt Nam hiện đang xuất khoảng 5,4 tỷ USD vào thị trường Hoa Kỳ. Trong tổng nhập khẩu hàng dệt may của Hoa Kỳ, khoảng 100 tỷ USD/năm thì Việt Nam chiếm khoảng trên 5%, là nước đứng thứ 2 trong số các nước xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường này.

Tuy nhiên ở bối cảnh hiện nay, trong khi rất nhiều nước giảm xuất khẩu vào Hoa Kỳ thì xuất khẩu dệt may của Việt Nam vẫn duy trì được mặc dù có giảm. Trong quý 1/2009, xuất khẩu dệt may Việt Nam vào thị trường này giảm khoảng 4%, nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu của 4 tháng vẫn tăng trưởng 2% so với cùng kỳ năm 2008.

Thưa ông, cụ thể tình hình xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ trong 4 tháng đầu năm 2009 đạt được kết quả như thế nào?

Trong 4 tháng đầu năm 2009, chỉ có 4 nước trên thế giới xuất khẩu dệt may đạt được mức tăng trưởng dương, trong đó có Việt Nam. Đến hết quý 3/2008, xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào Hoa Kỳ vẫn tăng, nhưng quý 4 thì bị sụt giảm rất mạnh, do tiêu dùng của Hoa Kỳ từ tháng 11/2008 – 1/2009 giảm, riêng tiêu dùng hàng dệt may giảm 23% - mức sụt giảm rất lớn tại thị trường Hoa Kỳ.

Xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào Hoa Kỳ trong quý 1/2009 đạt trên 1 tỷ USD, trong tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam ra thế giới là 1,9 tỷ USD, có nghĩa là thị trường Hoa Kỳ vẫn chiếm khoảng 56 – 57%, và xuất khẩu sang Hoa Kỳ chỉ giảm 4%.

Mặc dù mức sụt giảm này  là chưa từng có, nhưng trong bối cảnh suy thoái kinh tế của Hoa Kỳ thì với nhiều nước khác, đây lại là mức lý tưởng. Ví dụ như Campuchia giảm tới 18%, Trung Quốc trong tháng 2/2009 cũng giảm tới 18% về dệt và 11% về may mặc sang thị trường Hoa Kỳ. Do vậy, mức giảm của Việt Nam so với nhiều nước vẫn còn là con số tương đối tốt.

Trong khi Hoa Kỳ cũng đã và đang phải đối mặt với khủng hoảng và suy thoái kinh tế, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam có còn chú trọng đến thị trường này như trước đây hay không, thưa ông?

Đương nhiên là thị trường Hoa Kỳ vẫn luôn luôn thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp Việt Nam. Có thể nói, đến 57% kim ngạch xuất khẩu dệt may của các doanh nghiệp Việt Nam là xuất sang Hoa Kỳ và hầu như doanh nghiệp dệt may nào cũng xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Do vậy, những biến động của thị trường đó thu hút sự quan tâm đặc biệt của tất cả doanh nghiệp dệt may Việt Nam, vì họ cần nắm bắt được tình hình của thị trường khổng lồ này, để có được những bước đi phù hợp, xem thời điểm nào doanh nghiệp sẽ tiếp cận trở lại thị trường Hoa Kỳ hoặc giải pháp nào có thể tiếp cận được thị trường đó.

Hiện nay, các công ty Hoa Kỳ đã bắt đầu mua vào, mặc dù việc mua vẫn còn dè dặt và việc mua ở đâu, từ ai, là sự chọn lựa của các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ. Đó là xu thế chung, khi giảm tiêu dùng thì họ sẽ phải giảm mua và sức ép về giá cả cũng sẽ mạnh hơn so với trước đây.

Để tiếp tục giữ được quan hệ và giành được các đơn hàng của các công ty Hoa Kỳ, các doanh nghiệp Việt Nam phải tính toán là mình bán sản phẩm gì, giá cả có thể giảm đến mức độ nào, hoặc giá cả mình có thể giữ nguyên nhưng phải tăng chất lượng dịch vụ cho các công ty của Hoa Kỳ để có thể có được sự thiện cảm của các công ty đó, trên cơ sở đó tiếp tục có được đơn hàng.

Vậy theo ông, những doanh nghiệp nào có khả năng vượt qua giai đoạn khó khăn này một cách dễ dàng hơn?

Một số các doanh nghiệp lớn của Việt Nam, đặc biệt là những công ty đi bằng hai “chân”, tức là vừa xuất khẩu ra thị trường nước ngoài và vừa tiêu thụ ở thị trường nội địa, thì vẫn có đơn hàng rất tốt, thậm chí có đơn hàng đến tháng 6, tháng 7, tháng 8/2009; hoặc khi có thể giảm ở thị trường nước này nhưng lại tăng ở thị trường nước khác hoặc tăng ở thị trường trong nước. Vậy các doanh nghiệp đó không có vấn đề gì cả.

Còn các doanh nghiệp dựa 100% vào xuất khẩu như các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc một số doanh nghiệp nhỏ và vừa, chỉ gia công thì trong quý 1 vừa qua có bị ảnh hưởng.

Một số doanh nghiệp có lượng đơn hàng giảm từ 15 – 20% và giá cả giảm từ 10 – 15%. Thế nhưng, theo thông tin mới đây, xuất khẩu dệt may trong tháng 4 đã có sự khởi sắc trở lại và rất nhiều doanh nghiệp đã có thêm đơn hàng.

Đặc biệt, theo thông tin chúng tôi nắm được, gần đây, các doanh nghiệp dệt may đã bắt đầu tuyển dụng lao động trở lại rất nhiều. Đây là tín hiệu hết sức mừng đối với ngành dệt may Việt Nam, hy vọng là khó khăn sẽ nhanh qua đi và ngành dệt may sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới.